menu search
Đóng menu
Đóng

Giá ngô sẽ không biến động mạnh cho tới khi báo cáo Export Sales được công bố

16:07 28/09/2023

Tuy khởi sắc trong đầu phiên hôm nay, nhưng lực mua đối với ngô hợp đồng tháng 12 là tương đối yếu, trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi thêm các thông tin cơ bản quan trọng. Tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư trong phiên hôm nay sẽ là báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales), dự kiến sẽ được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố trước khi mở cửa phiên tối nay.
 
Trước thềm công bố báo cáo Export Sales tối nay, thị trường dự đoán rằng số liệu bán hàng ngô niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần 15/09-21/09 sẽ nằm trong khoảng 475.000-1.200.000 tấn, so với mức 566.857 tấn được ghi nhận một tuần trước đó. Cần phải lưu ý rằng trong giai đoạn đánh giá, chỉ xuất hiện duy nhất một đơn hàng ngô có khối lượng lớn được bán cho Mexico. Đơn hàng nói trên bao gồm 137.160 tấn ngô, trong đó có 121.920 tấn được giao trong niên vụ 23/24. Trong bối cảnh ngô từ Brazil đang được ưa chuộng trên thị trường xuất khẩu như hiện nay, chúng tôi cho rằng doanh số bán hàng ngô của Mỹ trong báo cáo tối nay sẽ khó có thể gây bất ngờ cho thị trường theo hướng tích cực, thậm chí có khả năng con số này sẽ thấp hơn so với tuần trước. Nhìn chung, giá ngô sẽ không biến động mạnh cho tới khi báo cáo Export Sales được công bố.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ đến từ nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với giá ngô đã dần cạn kiệt. Trong báo cáo tối qua, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng ethanol của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 22/09 tăng 29.000 thùng/ngày so với một tuần trước, lên mốc 1,009 triệu thùng/ngày. Chúng tôi đánh giá rằng mức tăng sản lượng này là không đáng kể, trong khi tồn kho ethanol của Mỹ trong tuần báo cáo cũng tăng 367.000 thùng so với tuần trước lên mức 22,048 triệu thùng. Điều này làm giảm khả năng Mỹ sẽ mở rộng hoạt động sản xuất ethanol trong tuần tiếp theo. Do đó, báo cáo Dầu khí tối qua của EIA sẽ không có tác động đáng kể lên giá ngô trong hôm nay. 

Giá cà phê có thể giảm trước áp lực bán từ nông dân Brazil
Kết thúc phiên giao dịch 27/9, giá cả 2 mặt hàng cà phê cùng quay về đà giảm trước áp lực từ nhu cầu bán hàng và triển vọng nguồn cung vụ mới tích cực tại Brazil. Cụ thể, chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real nội tệ của Brazil gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil nhờ thu về nhiều nội tệ hơn. Đồng thời, mưa được dự báo sẽ quay lại tại vùng trồng cà phê chính của Brazil, giúp cây cà phê phát triển trong điều kiện thích hợp hơn.
Khác biệt trong vận hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB)đang tạo cơ hội cho chênh lệch tỷ giá giữa đồng tiền của 2 quốc này gia tăng, từ đó kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil.
Tỷ giá USD/Brazil đang tăng lên mức cao nhất 4 tháng sau khi chỉ số Dollar Index chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2022. Hiện tại, FED cho biết họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách tăng lãi suất đến năm 2024, đồng thời FED có thể có 1 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay để hướng tới đưa lạm phát về mức mục tiêu. Trái lại, BCB cho biết họ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Trước đó vào ngày 20/9, ngân hàng này đã hạ lãi suất lần thứ 2 liên tiếp với 50 điểm cơ bản.
Bên cạnh đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đang có thêm những tín hiệu tích cực về khả năng mở rộng trong thời gian tới. Kết phiên 27/9, tổng lượng cà phê lưu trữ tại các cảng duy trì phiên thứ 3 liên tiếp tại mức 446.518 bao loại 60kg. Hơn nữa, số bao cà phê chờ phân loại bổ sung đã tăng thêm hơn 1.000 bao lên mức 13.871 bao.

Giá đồng có thể có nhịp hồi trước khi giảm trở lại
Sau khi giá giảm về mức thấp nhất trong 4 tháng, giá đồng phục hồi trong phiên sáng nhờ lực mua bắt đáy. Bên cạnh đó, tín hiệu lạc quan trong mối quan hệ Mỹ - Trung đã củng cố cho tâm lý nhà đầu tư.
Cụ thể, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cho biết chính quyền Biden có thể giúp khôi phục mối quan hệ căng thẳng hiện tại bằng cách bắt đầu bằng các bước “thực tế”, chẳng hạn như gia hạn Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Trung Quốc - Mỹ (STA) kéo dài hàng thập kỷ. Hơn nữa, hãng tin Reuters cho biết Bắc Kinh và Washington đã dần nối lại đối thoại trong những tháng gần đây, bất chấp căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về các vấn đề từ Đài Loan và việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá có thể có nhịp điều chỉnh vào phiên tối nay, khi Mỹ công bố loạt số liệu kinh tế quan trọng. Về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bang Atlanta ước tính tăng trưởng GDP Mỹ sẽ đạt 2,4% trong quý II (QoQ), cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với quý I, cho thấy triển vọng lạc quan về kịch bản “hạ cánh mềm” của Mỹ.
Hơn nữa, với thị trường lao động ổn định như hiện tại, nhiều khả năng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm trong tuần trước. Nếu số liệu GDP và việc làm tích cực như dự báo, sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục được củng cố, khiến cho giá đồng phải chịu sức ép.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm lãi suất cao, cuộc đình công quy mô lớn của liên đoàn công nhân ngành ô tô vẫn đang diễn ra căng thẳng, trong khi Chính phủ Liên bang có nguy cơ đóng cửa, nhu cầu trú ẩn đối với đồng USD đang lấn át nhu cầu đầu tư. Trong khi đó, tiêu thụ trên thị trường đồng vẫn còn trầm lắng. Dòng tiền đầu tư yếu có thể khiến giá suy yếu trở lại.
Dầu có thể sẽ điều chỉnh giảm trước khi chờ đợi cuộc họp OPEC+ tuần sau
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi số liệu tồn kho dầu thương mai của Mỹ giảm mạnh 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/9 vừa qua, điều này cho thấy nhu cầu dầu đang tăng cao hơn trong giai đoạn nguồn cung thắt chặt hơn.
Trong khi đó, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu lọc và xuất khẩu mạnh.
Dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô tại Cushing, trung tâm lưu trữ, điểm phân phối dầu thô kỳ hạn của Mỹ, giảm 943.000 thùng trong tuần xuống chỉ dưới 22 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2022. Các nhà giao dịch cho biết, kho chứa dưới 20 triệu thùng, hoặc từ 10% đến 20% trong tổng công suất hơn 98 triệu thùng của Cushing, được coi là gần mức hoạt động tối thiểu và khi đó, chất lượng dầu sẽ khó đảm bảo và có thể không sử dụng được. Hiện tại, tồn kho đang hoạt động ở khoảng 25% công suất.
Thông tin trên cho thấy nhu cầu tăng cao hơn so với năng suất lọc dầu, trong khi các quốc gia xuất khẩu dầu vẫn duy trì cắt giảm sản lượng sẽ có thể khiến các mối lo thiếu hụt nguồn cung trong giai đoạn cuối năm.
OPEC+ sẽ tiếp tục họp vào ngày 4/10 tới đây để xem xét các vấn đề về nguồn cung hiện tại, trong trường hợp OPEC+ vẫn duy trì cắt giảm sản lượng thì rất có thể giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.
Với diễn biến ngày càng khó lường với giá năng lượng hiện tại, rất có thể lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong báo cáo tháng 10 tới đây. Như vậy, các nỗ lực kiểm soát lạm phát của Fed và các Ngân hàng Trung ương trên thế giới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Trước đó Fed đã phát đi thông điệp sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho thấy được các nhà hoạch định chính sách đã đánh giá được tình hình diễn biến tăng cao của giá năng lượng sẽ còn tác động khiến lạm phát có thể quay trở lại mục tiêu 2% trong thời gian sớm nhất.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc