Sự kết hợp giữa các yếu tố gồm nhu cầu lớn từ Trung Quốc, chi tiêu chính phủ bùng nổ nhờ các chương trình kích cầu, và sự đặt cược vào một thế giới ngày càng “xanh” đã đẩy giá của nhiều nguyên vật liệu thô quan trọng đi lên.
Quặng sắt - nguyên liệu đầu vào chủ chốt để sản xuất thép; palladium - loại vật liệu mà các hãng sản xuất ôtô sử dụng để hạn chế khí thải độc thại; gỗ... tất cả đều đạt mức giá kỷ lục trong tuần qua. Giá các nông sản chủ đạo như ngũ cốc, hạt lấy dầu, đường mía và sữa cũng leo thang không kém, trong đó giá ngô đã lần đầu tiên vượt 7 USD/giạ trong vòng 8 năm trở lại đây.
NHỮNG MỨC GIÁ KỶ LỤC
“Tôi không biết liệu thế giới đã từng chứng kiến điều gì như thế này hay chưa. Chúng ta đang ở trong một cơn bão hoàn hảo”, Tổng giám đốc (CEO) Ulf Larsson của Công ty gỗ và bột giấy Thụy Điển SCA bình luận. Tuần trước, công ty của ông Larsson báo lợi nhuận ròng quý 1/2021 tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá đồng - kim loại công nghiệp quan trọng nhất thế giới - đã vượt mức 10.000 USD/tấn lần đầu tiên từ năm 2011, trong khi giá đậu tương lên mức cao nhất 8 năm. Chỉ số S&P GSCI, một thước đo giá của 24 nguyên vật liệu thô, đã tăng 24% từ đầu năm.
Đà hồi phục của kinh tế châu Âu và Trung Quốc - trong đó Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hoá cơ bản lớn nhất thế giới, cùng với những dấu hiệu về sự bùng nổ của kinh tế Mỹ - nơi giá nhà đang tăng với tốc độ kỷ lục, đã “tiếp lửa” cho những kỳ vọng về nhu cầu. Giới phân tích nói rằng những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra và lượng tồn kho thấp của một số loại hàng hoá cơ bản càng khiến cơn sốt tăng nhiệt.
Những dự báo về một “siêu chu kỳ” mới của giá nguyên vật liệu thô - một thời kỳ kéo dài trong đó giá cả những mặt hàng này tăng cao do nhu cầu vượt xa nguồn cung - đang có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế trưởng Saad Rahim của Trifigura, một trong những công ty giao dịch hàng hoá độc lập lớn nhất thế giới, nói rằng các chương trình kích cầu khổng lồ của Mỹ đã làm tăng kỳ vọng rằng nhu cầu hàng hoá cơ bản tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng cao. “Tổng thống Joe Biden vừa đề xuất thêm hai gói chi tiêu khổng lồ, ngoài một gói đã được thông qua. Chỉ cần một trong hai gói này được phê chuẩn, tất cả sẽ nhận được một cú huých lớn. Mọi chuyện mới chỉ bắt đầu”, ông Rahim nói.
Ngoài ra, thị trường nguyên vật liệu thô toàn cầu còn đang nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ đầu cơ tìm kiếm những tài sản mà họ cho là sẽ hưởng lợi khi kinh tế toàn cầu tăng tốc sau đại dịch. Những hàng hoá như vậy cũng giữ vai trò kênh đầu tư chống lạm phát.
“Nếu tình hình bệnh dịch ở Ấn Độ được kiểm soát nhanh chóng, thì chúng ta sẽ chưa từng thấy một môi trường kinh tế vĩ mô nào thuận lợi như thế này”, ông Rahim phát biểu. “Trong 10 năm qua, Trung Quốc là câu chuyện duy nhất trên thị trường hàng hoá cơ bản. Giờ đây, phần còn lại của thế giới đang trỗi dậy và thực sự đóng góp vào phần nhu cầu của phương trình”.
Hàng loạt nguyên vật liệu thô cần thiết cho việc sản xuất pin và motor cho ôtô điện, từ lithium tới đất hiếm, cũng không năm ngoài cơn sốt giá.
Giá lithium carbonate ở Trung Quốc đã tăng hơn 100% trong năm nay do nhu cầu nội địa tăng vọt, sau ba năm liên tiếp giá mặt hàng này giảm sút. Giá đất hiếm neodymium-praseodymium (NdPr) oxide, loại dùng trong motor điện tăng khoảng 40%. Giá cobalt, một kim loại để làm pin, cũng tăng chừng đó.
“Đang bắt đầu một siêu chu kỳ của ôtô điện, và cùng với đó là một siêu chu kỳ hàng hoá cơ bản. Cuộc chơi cho các nhà khai mỏ đã bắt đầu”, Giám đốc Simon Mooores của Benchmark Mineral Intelligence phát biểu.
Không chỉ các nguyên vật liên quan đến ôtô điện, mà những nguyên vật liệu liên quan đến xe chạy động cơ đốt trong cũng leo thang. Giá palladium - kim loại sử dụng trong bộ lọc khí thải ôtô - tăng lên mức kỷ lục hơn 3.000 USD/ounce vào tuần trước, trong bối cảnh châu Âu và Trung Quốc siết chặt các tiêu chuẩn khí thải.
Giá dầu - một nguồn năng lượng chủ đạo của thế giới - đương nhiên không bên lề xu hướng tăng giá mạnh mẽ của hàng hoá cơ bản. Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 40% và trở lại mức trước đại dịch.
BÃO GIÁ SẼ KÉO DÀI BAO LÂU?
Nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới hiện vẫn đang bị hạn chế bởi hoạt động đi lại trên toàn cầu ở mức thấp, nhưng được dự báo sẽ bùng nổ trong nửa sau của năm nay khi một loạt nền kinh tế mở cửa trở lại. OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối, gồm Nga, vẫn đang hạn chế sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu. Từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, OPEC+ có tăng sản lượng dầu nhưng rất dè dặt.
Trong một báo cáo hồi tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ vượt 80 USD/thùng trong nửa sau của năm nay, cảnh báo sẽ xuất hiện tình trạng thiếu cung nghiêm trọng trong mùa hè này do việc tiêm chủng được mở rộng và người dân nhiều nước sẽ đi du lịch. Theo Goldman Sachs, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong mùa hè 2021 sẽ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
OPEC+ có thể nới sản lượng nếu giá dầu lên quá cao, nhưng một số nhà phân tích tỏ ra lo ngại về triển vọng nguồn cung dầu trong dài hạn. Đó là bởi những năm gần đây, nhiều công ty năng lượng lớn của thế giới đã dịch chuyển khỏi nhiên liệu hoá thạch sang đầu tư phát triển những nguồn năng lượng tái sinh như điện gió hay điện mặt trời.
Nhà phân tích Christyan Malek thuộc ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng sẽ xuất hiện trong vài năm tới đây, vì từ nay đến 2030, vốn đầu tư cơ bản trong ngành dầu lửa có thể thiếu hụt khoảng 600 tỷ USD. “Có nguy cơ giá dầu sẽ tăng vọt do nguồn cung dầu ngoài OPEC suy giảm”, ông Malek nói.
Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra lúc này là “siêu chu kỳ” giá nguyên vật liệu thô sẽ kéo dài bao lâu?
“Tôi không nghĩ siêu chu kỳ này sẽ kéo dài như lần trước. Nguồn cung và nhu cầu giờ đây có phản ứng nhanh chóng hơn”, ông Alex Sanfeliu, trưởng bộ phận giao dịch toàn cầu của Cargill, nhận định.
Nhà giao dịch A Shekhar thuộc Olam International - một công ty giao dịch nông sản hàng đầu có trụ sở ở Singapore - không tin giá các loại lương thực và thực phẩm sẽ tăng kéo dài. Tuy nhiên, ông cho rằng nhu cầu toàn cầu đối với những mặt hàng này sẽ duy trì ở mức cao trong 6-12 tháng tới do người tiêu dùng sẽ đi ăn nhà hàng nhiều hơn sau một năm bị hạn chế. “Giá lương thực và thực phẩm vì thế sẽ còn tăng”, ông nói.
Thậm chí, cũng có những ý kiến cho rằng thế giới chẳng hề bước vào một “siêu chu kỳ” giá hàng hoá cơ bản nào. “Chúng tôi cho rằng giá cả sẽ chỉ tăng thêm một thời gian ngắn nữa. Đây chẳng qua là một sự đi lên trong chu kỳ kinh doanh, chứ chẳng phải một siêu chu kỳ”, Chuyên gia kinh tế trưởng Jumana Saleheen của CRU nói với Financial Times.
Nguồn:Kiều Oanh /VnEconomy