menu search
Đóng menu
Đóng

Nhóm đậu tương có thể suy yếu trong phiên cuối tuần do áp lực chốt lời

17:21 20/10/2023

Giá đậu tương hợp đồng tháng 12 có xu hướng suy yếu sau khi mở cửa phiên hôm nay, trong bối cảnh đây đã là phiên cuối tuần và giá đang phải đối mặt với áp lực bán chốt lời của thị trường. Về mặt cơ bản, nhưng thông tin ở thời điểm hiện tại gần như đã phản ánh hết vào diễn biến giá. Do đó, nhiều khả năng chuỗi 4 phiên tăng liên tục của giá đậu tương sẽ kết thúc trong phiên hôm nay.
 
Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết khối lượng bán hàng ròng đối với đậu tương niên vụ 23/24 của nước này trong tuần 06/10-12/10 đạt 1,37 triệu tấn, tăng 29,8% so với một tuần trước đó và nằm trong khoảng dự đoán của thị trường. Dù vậy, đây không phải yếu tố quá bất ngờ, khi trong giai đoạn đánh giá đã xuất hiện nhiều đơn hàng đậu tương với khối lượng lớn trên 100.000 tấn, được thông báo qua các báo cáo Bán hàng Hàng ngày (Daily Export Sales). Do đó, dù là thông tin “bullish” nhưng tác động của báo cáo Export Sales tuần này chỉ gần như duy trì trong ngày hôm qua.
Bên cạnh đó, hiện thị trường đang rất quan tâm đến tình hình xuất khẩu đậu tương của Brazil, khi mà hạn hán ở nước này đang khiến mực nước sông Amazon giảm về mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ, và hoạt động vận chuyển hàng hóa tới các cảng phía bắc bị trì hoãn. Mặc dù trong ngắn hạn tình trạng này có thể khiến nguồn cung đậu tương từ Brazil bị khan hiếm, nhưng các tổ chức vẫn chưa đưa ra điều chỉnh đối với dự báo xuất khẩu đậu tương của nước này trong niên vụ 23/24. Điều này phản ánh kỳ vọng rằng tình hình thời tiết ở Brazil sẽ có sự cải thiện trong thời gian tới, giúp hoạt động gieo trồng đậu tương vụ mới cũng như xuất khẩu đậu tương vụ trước được cải thiện. Do đó, việc xuất khẩu của Brazil hiện đang chậm lại chưa phải yếu tố “bullish” đủ mạnh để giúp giá tiến tới vùng mục tiêu 1320. Thị trường cần tiếp tục theo dõi tình hình nguồn cung từ quốc gia này trong thời gian tới.

Giá cà phê vẫn có thể tăng nhưng dư lượng không còn lớn
Kết phiên 19/10, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, giá Arabica chạm mức cao nhất trong 2 tháng và giá Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp. Lo ngại về nguồn cung đang là nhân tố chính hỗ trợ giá. Khó khăn trong vận chuyển tại Brazil khiến thị trường lo ngại lượng cà phê xuất khẩu bị hạn chế, trong khi tồn kho cà phê trên Sở ICE đang trên xu hướng giảm cũng gây thêm áp lực lên nguồn cung.
Mưa kéo dài tại khu vực phía Nam của Brazil đang gây nên tình trạng khó khăn trong vận chuyển đơn hàng ra các cảng để có thể xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu cà phê tại Brazil phàn nàn về tình trạng thiếu hụt xe tải và container để vận chuyển và thời gian chờ tàu tại các cảng, đặc biệt là Santos, nơi vận chuyển cà phê chính của Brazil. Điều này có thể khiến các đơn hàng xuất khẩu kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến số lượng xuất khẩu.
Theo Safras & Mercado, hiện tại nông dân Brazil mới bán được 56% cà phê niên vụ 2023/24, giảm so với mức 59% tại cùng thời điểm trong niên vụ 2022/23 và thấp hơn mức 60% của trung bình lịch sử. Trong đó, doanh số bán Arabica còn ghi nhận mức thấp hơn nhiều khi mới đạt được 52%, thấp hơn lần lượt 10% và 11% so với mức 52% và 53% của niên vụ trước và mức trung bình lịch sử.
Thêm vào đó, giá cà phê nội địa tại Brazil đang ở mức thấp khiến một số nhà cung cấp lựa chọn đứng ngoài thị trường có thể khiến doanh số bán hàng gặp khó trong việc đuổi kịp tiến độ.
Mặt khác, sau dữ liệu xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023 tiêu cực so với cùng kỳ năm trước, liên đoàn những người trồng cà phê Colombia đã đưa ra thông báo tích cực hơn về nguồn cung cà phê trong năm 2023 tại quốc gia này. Chủ tịch liên đoàn cho biết, Colombia có thể sản xuất khoảng 11,6-12 triệu bao cà phê trong năm 2023, kết thúc chuỗi 3 năm giảm liên tiếp trước đó.

Giá dầu có thể giảm trước áp lực đóng trạng thái cuối tuần
Giá dầu tiếp diễn xu hướng tăng khi lo ngại xung đột tại khu vực Trung Đông đang có nguy cơ lan rộng hơn. Nguồn tin từ Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết quân đội đã tập trung tại biên giới Gaza, cho thấy một cuộc đổ bộ nhằm mục đích tiêu diệt Hamas có thể sắp xảy ra.
Trong khi đó, OPEC+ cho biết việc nới lỏng lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ đối với Venezuela sẽ không có tác động nhiều đến nguồn cung dầu của thế giới hiện tại, bởi quá trình phục hồi sản xuất của Venezuela sẽ diễn ra chậm hơn và không thể khiến OPEC+ thay đổi chính sách.
Cũng trong phiên hôm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ "tiến hành thận trọng" việc tăng lãi suất trong tương lai, điều này có thể làm chậm nền kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Với các phát biểu trên, thị trường đã ngầm hiểu Fed sẽ không cần vội vàng tăng lãi suất trong bối cảnh các căng thẳng vẫn leo thang. Các quyết định tăng lãi suất bây giờ có thể không cần thiết bởi nếu lãi suất cao hơn sẽ có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn hơn cho nền kinh tế.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dự báo thâm hụt ngày càng lớn trong quý 4 sau khi các nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung đến cuối năm và trong bối cảnh tồn kho thấp khi nhu cầu vẫn tăng cao.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch sẽ mua 6 triệu thùng dầu thô để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024. Bộ Năng lượng Mỹ kỳ vọng sẽ ký được hợp đồng mua dầu với giá 79 USD/thùng hoặc thấp hơn. Động thái này của Mỹ có thể củng cố lực mua trên thị trường, hỗ trợ giá dầu tăng.
Dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung đã bắt đầu được thể hiện khi dầu dự trữ đã giảm xuống, gây áp lực lên việc phải bổ sung gấp để bù đắp các khoản thiếu hụt này.

Giá đồng có thể giảm trong phiên hôm nay do thiếu động lực bứt phá
Trong sáng nay, giá đồng ghi nhận mức giảm mạnh khi động lực tăng từ phía Trung Quốc đã bị lu mờ, trong khi đó, đồng USD tăng cũng làm giảm sức mua đồng trong phiên. Dự kiến giá sẽ giảm trong cả phiên hôm nay do thị trường đang tạm thời thiếu vắng thông tin hỗ trợ mới.
Trong tuần trước, giá đồng liên tục gặp sức ép do nhu cầu kém sắc tại Trung Quốc và cả triển vọng tiêu thụ yếu trên toàn cầu trong ngắn hạn. Theo Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG), cung và cầu đồng sẽ gần như cân bằng vào năm 2023. Tuy nhiên, đến năm 2024, thị trường sẽ chuyển sang trạng thái dư thừa đáng kể, do nhu cầu ảm đạm.
Sang tuần này, giá đã có nhịp điều chỉnh tăng trở lại. Tuy nhiên, giá tăng chủ yếu đến từ tâm lý lạc quan của thị trường sau khi Trung Quốc công bố số liệu tăng trường GDP vượt dự kiến.
Tuy vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược đến từ sự suy yếu kéo dài trên lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực chiếm hơn 20% trong tổng cơ cấu GDP của đất nước. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc khó có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực trong phần còn lại của năm nay.
Theo đó, nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục ban hành các chính sách như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy vậy, vào sáng nay, các ngân hàng các ngân hàng tại Trung Quốc đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) cả kì hạn 1 năm và 5 năm. Trước đó, vào đầu tuần này, PBOC đã tông báo giữ nguyên mức lãi suất cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm ở mức 2,5%.
Do đó, tâm lý lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang dần bị lu mờ. Với vai trò là thước đo sức khỏe trong nền kinh tế, giá đồng vì thế cũng trở nên suy yếu.

 

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc