menu search
Đóng menu
Đóng

Số liệu bán hàng đậu tương có thể sẽ hỗ trợ cho giá trong phiên tối

16:37 10/08/2023

Xu hướng giằng co với biên độ hẹp quanh vùng giá 1300 vẫn tiếp tục khi thị trường đậu tương mở cửa phiên giao dịch sáng nay. Trước báo cáo Cung – cầu được phát hành vào tối mai, giá khả năng vẫn sẽ biến động không rõ xu hướng khi các thông tin về nguồn cung vẫn đang tác động trái chiều nhau trong ngắn và trung hạn. Ngoài ra, trong phiên hôm nay, số liệu trong báo cáo Export Sales cũng sẽ là mối quan tâm của thị trường, đặc biệt là sau khi các đơn hàng đậu tương mà Mỹ bán cho Trung Quốc đang liên tục xuất hiện trong vài tuần gần đây.
 
Về mùa vụ của Mỹ, hãng tin DTN vừa công bố kết quả ngày thứ 3 của cuộc khảo sát cây trồng. Tại Nebraska, bang sản xuất khoảng 8% tổng sản lượng đậu tương cả nước, ghi nhận mức năng suất trung bình là 55,6 giạ/mẫu, thấp hơn so với mức trung bình 5 năm là 57,3 giạ/mẫu. Trong khi đó, năng suất tại bang sản xuất lớn thứ 2, Iowa, lại cao hơn so với mức trung bình. Tính trên cả nước, hãng DTN đang ước tính năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 ở mức 51 giạ/mẫu, mức khá cao nhờ có những cơn mưa gần đây đã xuất hiện vào thời điểm cần thiết và thuận lợi cho cây trồng. Khảo sát của Reuters cho thấy thị trường đang kỳ vọng USDA sẽ hạ điều chỉnh mức năng suất này từ 52 giạ/mẫu trong báo cáo tháng 7 xuống còn 51,3 giạ/mẫu sau cuộc khảo sát với những người sản xuất lần đầu tiên trong mùa vụ mới này. Đây cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương không giảm sâu trước khi các số liệu chính thức được công bố.
Ngoài ra, một yếu tố khác thể hiện nhu cầu đậu tương là các số liệu bán hàng của Mỹ sang Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tới diễn biến giá. Khoảng dự đoán cho khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần vừa rồi khá rộng, từ 300.000 – 1.500.000 tấn cho thấy sự không chắc chắn của thị trường. Nếu như số liệu thực tế vượt mức 1 triệu tấn thì sẽ củng cố cho đà tăng của giá đậu tương.

Giá hai mặt hàng cà phê có thể trái chiều do xung đột giữa các thông tin về nguồn cung
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/08, giá hai mặt hàng cà phê cùng giảm nhẹ. Trong đó, Tiến độ thu hoạch cà phê diễn ra tích cực tại vùng trồng cà phê chính của Brazil gia tăng trong sản lượng cà phê của Colombia khiến thị trường an tâm hơn về việc đảm bảo đủ nguồn cung.
Những thông tin cơ bản trên thị trường tiếp tục củng cố cho luận điểm nguồn cung đang dần gia tăng tại các quốc gia sản xuất chính, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê diễn ra tích cực hơn.
Xuất khẩu cà phê xanh của Brazil đã đã đạt 2,695 triệu tấn trong tháng 7, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, hiệp hội các nhà xuất khẩu Cecafe cho biết. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica chiếm phần lớn xuất khẩu của Brazil tăng 6,5% so với cùng tháng năm ngoái, đạt 2,19 triệu bao.
Trước đó, Cooxupe, hợp tác xã cà phê lớn nhất của Brazil, cho biết tính đến này 04/08, tiến độ thu hoạch cà phê tại các đồn điền của mình đạt 74,9%, cao hơn 3,2 điểm phần trăm so với mức 71,7% cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ thu hoạch cà phê nhanh nhất mà Cooxupe ghi nhận kể từ năm 2020. Thu hoạch cà phê diễn ra nhanh chóng giúp nguồn cung vụ mới trở nên sẵn có, từ đó thúc đẩy nông dân Brazil đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Hiện tại, theo cập nhật từ Cecafe, tính đến ngày 07/08, Brazil đã vận chuyển 724.379 tấn cà phê trong 7 ngày đầu tháng 8, tăng 44% so với mức 502.843 tấn trong cùng kỳ tháng trước. Đặc biệt, xuất khẩu Arabica dạng hạt cũng thể hiên sự gia tăng so với 7 ngày đầu tháng 7 với 527.368 tấn được vận chuyển ra nước ngoài, bằng 137% mức 384.911 tấn trước đó.
Tính đến hết ngày 09/08, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm về 525.917 bao cà phê loại 60kg, giảm 2.000 bao so với trước đó và đây cũng là mức tồn kho thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2022. Đáng chú ý, Sở ICE mới nhận thêm 1.299 bao cà phê từ Brazil để chờ phân loại nhằm đẩy vào các kho lưu trữ. Đây có thể là tín hiệu cho thấy tồn kho tạm thời gián đoạn đà giảm.

Giá đồng có thể được hỗ trợ nếu dữ liệu CPI Mỹ thấp hơn dự báo
Trong phiên sáng, giá đồng gần như đi ngang do nhà đầu tư thận trọng trước khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tối nay. Dữ liệu lạm phát này là manh mối quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 9.
Nhiều khả năng lạm phát của Mỹ sẽ hạ nhiệt trong tháng 7, do chịu ảnh hưởng bởi áp lực giảm phát từ Trung Quốc.
Trong tháng 7, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng cả giá tiêu dùng và giá sản xuất đều giảm. Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Do đó, giảm phát tại Trung Quốc có thể giúp “xoa dịu” bớt mối lo ngại lạm phát tại Mỹ trong tháng 7.
Tuy nhiên, tác động đối với lạm phát của Mỹ có thể sẽ bị hạn chế, do CPI của Mỹ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi giá nhà ở, thực phẩm, năng lượng và chăm sóc sức khỏe, những loại hàng hóa này không phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo đó, chúng tôi dự đoán lạm phát tháng 7 tại Mỹ không tăng cao như dự báo tăng 3,3% của giới phân tích. Các nhà kinh tế của Bloomberg cũng cho biết việc tăng giá thuê nhà ở mức vừa phải, giá xe mới và cũ giảm có thể hạ nhiệt CPI cơ bản của Mỹ trong tháng 7. Do vậy, nhiều khả năng đồng USD sẽ suy yếu và hỗ trợ cho giá đồng.

Tuy nhiên, tâm lý rủi ro trên thị trường đang gia tăng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden mới có động thái có thể thổi bùng thêm căng thăng thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung.
Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp ngăn chặn một số khoản đầu tư mới vào các công ty công nghệ của Trung Quốc, theo Bloomberg đưa tin. Động thái này có thể dẫn đến nhiều biện pháp trả đũa hơn từ Trung Quốc. Tâm lý lo ngại rủi ro có thể khiến giới đầu tư hạn chế mở vị thế mua mới, đặc biệt là khi tiêu thụ đồng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc tại Trung Quốc. Do đó, nhiều khả năng đồng USD sẽ suy yếu và hỗ trợ cho giá đồng.
Hai tâm điểm báo cáo OPEC và lạm phát Mỹ, giá dầu sẽ biến động mạnh
Tâm điểm của thị trường trong ngày hôm nay hướng về hai yếu tố, báo cáo thị trường dầu tháng 8 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 7, được công bố vào tối nay.
Giá hiện tại đã ở mức đỉnh mới cao nhất kể từ tháng 11/2022, vùng giá tương đối nhạy cảm có thể sẽ thúc đẩy một số giao dịch chốt lời của nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng.
Thị trường sẽ theo dõi kỹ lượng về sản lượng của các quốc gia OPEC trong báo cáo của Tổ chức vào 18h00. Cuộc khảo sát của S&P Global cho thấy 13 thành viên của OPEC đã bơm 27,34 triệu thùng/ngày, tức là thấp hơn gần 850,000 thùng/ngày so với tháng trước đó. Nếu như Saudi Arabia tuân thủ cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, nhưng một số quốc gia khác gia tăng sản lượng, bù đắp vào mức giảm thì giá dầu có thể sẽ gặp áp lực bán nhẹ.
Trước đó, Iran dự kiến sẽ sản xuất thêm 250.000 thùng dầu/ngày vào cuối mùa hè, hãng thông tấn bán chính thức Tasnim đưa tin hôm thứ Tư trích lời người đứng đầu Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC).
Ngoài ra, một số các quốc gia trong khối vẫn luôn sản xuất dưới mức hạn ngạch, đặc biệt là Angola và Angeria, nên nếu các quốc gia này có sự gia tăng sản lượng, thất thoát nguồn cung cũng được bù đắp một phần.
Đối với tâm điểm lạm phát Mỹ vào tối nay, dự báo của thị trường cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,2% trong tháng 7 so với tháng 6, bằng với mức tăng tháng trước. Tuy nhiên, với xu hướng giá xăng dầu thế giới tăng cao trong tháng 7, nhiều khả năng lạm phát tại Mỹ sẽ cao hơn dự báo.
Trong trường hợp lạm phát cao hơn dự báo, sẽ thúc đẩy kỳ vọng lãi suất cần tăng cao hơn nữa nhằm hạ nhiệt lạm phát. Điều này sẽ hỗ trợ cho đồng USD và gây sức ép tới giá dầu.
Tại Mỹ, mỗi khi dầu tăng giá 10 USD/thùng, giá một gallon xăng sẽ tăng 25-30 cent. Với mỗi cent giá xăng tăng, hơn 1 tỷ USD mỗi năm trong chi tiêu của người tiêu dùng bị thất thoát và nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu thô đã cố gắng vượt qua kháng cự mức 83,50 USD và đóng nến hàng ngày ở trên mức đó, tiếp tục củng cố xu hướng tăng dự kiến trên cơ sở trong ngày và ngắn hạn, nhắm mục tiêu 85,5 USD, cao hơn là vùng 86,5 USD.

 
 

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv