Giá nông sản thế giới đang tiếp tục duy trì ở mức cao được chứng kiến trong hơn một thập kỷ qua khiến cho nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa vẫn dè chừng, chờ đợi đợt điều chỉnh trong ngắn hạn. Liệu kỳ vọng trên có khả năng trở thành thực tế hay không?
Thị trường nông sản vừa trải qua một phiên đầy biến động
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), giá lúa mì Chicago đóng cửa phiên 12/05 ở 1178,75 cent/giạ ( 433 USD/tấn) sau khi nhảy vọt lên gần 6%, mức tăng mạnh nhất kể từ giai đoạn chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra vào đầu tháng 3. Giá ngô mặc dù chỉ tăng nhẹ lên mức 791,50 cent/giạ ( 311 USD/tấn) nhưng đây cũng là vùng giá cao đạt được kể từ năm 2012. Sức mua lớn trong phiên giúp cho chỉ số MXV - Index Nông sản tăng mạnh 1,48% lên mức 2.171 điểm.
Báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới tháng 05 (WASDE) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được phát hành vào 23h tối qua đã khiến cho giá các mặt hàng đồng loạt “dậy sóng”. Theo MXV, trong bối cảnh các yếu tố gây ra lo ngại về nguồn cung liên tiếp chồng chất, những số liệu này có thể khơi mào cho một nhịp tăng mới của nhóm nông sản trong thời gian tới.
Những rủi ro với nguồn cung vẫn đang chực chờ
Trong báo cáo tối qua, USDA cũng đã đưa ra những số liệu đầu tiên cho mùa vụ 2022/23 sắp tới ở Mỹ. Diện tích gieo trồng thấp do chi phí phân bón tăng cao, cùng với mức năng suất duy trì so với niên vụ trước khiến cho sản lượng dự báo sẽ giảm 4,3%. Tuy nhiên, mưa bão xuất hiện liên tục trong quá trình gieo trồng ở Midwest, khu vực sản xuất ngô và đậu tương chính của Mỹ đã khiến cho tiến độ năm nay mới chỉ đạt 22% diện tích dự kiến, chậm hơn nhiều so với mức 50% trung bình 5 niên vụ trước. Điều này không chỉ gây ra rủi ro về chất lượng suy giảm mà còn khiến diện tích ngô có thể tiếp tục bị thu hẹp.
Sản lượng ngô niên vụ 2021/22 của cả Argentina và Brazil đều được USDA duy trì dự báo bất chấp những ảnh hưởng từ hạn hán kéo dài trong vài tháng qua. Trước 2 báo cáo hàng tháng gần nhất, thị trường đều kỳ vọng dự báo nguồn cung của Argentina sẽ bị cắt giảm nhưng con số này vẫn được USDA giữ nguyên ước tính ở mức 53 triệu tấn.
Còn tại Brazil, sau khi thu hoạch vụ ngô thứ 1 bị thiệt hại nặng nề vừa qua, triển vọng vụ 2 cũng không khả quan hơn khi khô hạn và sương giá vẫn đang đe doạ tới năng suất cây trồng. Chính vì thế, nguồn cung ở các nước sản xuất chính có thể sẽ thắt chặt hơn so với những số liệu trong báo cáo vừa qua của USDA, MXV cho biết.
Giao dịch của các nhà máy vẫn ảm đạm
Argentina vẫn giữ vị thế là nguồn cung rẻ nhất thị trường với hàng giao trong quý II/2022, tuy nhiên, chất lượng ngô của quốc gia này đang kém hơn sau đợt hạn hán vừa qua. Cùng với đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp diễn cùng với thời tiết bất lợi ở Nam Mỹ khiến cho nhập khẩu ngô của nước ta đã giảm xuống. Tính trong tháng 04, 483.013 tấn ngô đã được nhập khẩu, tiếp tục giảm 6,4% so với tháng 03. Luỹ kế trong 4 tháng đầu năm nay, khối lượng ngô về Việt Nam đã giảm mạnh 24,8% so với cùng kì năm ngoái.
Nhu cầu mua ngô của các nhà máy trong giai đoạn này vẫn khá ảm đạm do triển vọng mùa vụ ngô Mỹ và Brazil, 2 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vẫn chưa rõ ràng. Tâm lý chờ đợi cùng kì vọng giá nông sản có thể điều chỉnh khi ở vùng đỉnh nhiều năm vẫn đang chiếm ưu thế. Ngô giao tháng 7, 8 đang được các nhà máy hỏi mua nhiều hơn so với các đợt giao hàng tháng xa.
Theo MXV, với triển vọng nông sản thế giới vẫn tiếp tục tăng cao trong giai đoạn quý III này khi nguồn cung thắt chặt hơn, việc chần chừ đang mang tới rủi ro khá lớn và dẫn tới việc chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi có khả năng sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, giá thịt lợn cũng khó tăng lên trên 60.000 đồng/kg bất chấp nguồn cung trong tháng 05 bị ảnh hưởng bởi dịch tả châu Phi. Nhu cầu tiêu thụ thịt heo lại đang tạo thêm áp lực về đầu ra với ngành chăn nuôi.
Khánh Linh
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV