menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 04/4/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:46 04/04/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 04/4/2022.
Giá ngô có khả năng sẽ tiếp tục duy trì khoảng biến động đi ngang kể từ đầu tháng 3 cho tới nay
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô đang quay đầu tăng mạnh trở lại cùng với đà tăng của lúa mì. Thị trường tiếp tục phản ứng với số liệu diện tích gieo trồng của Mỹ thu hẹp cùng với hoạt động xuất khẩu không mấy tích cực của Ukraine bất chấp việc thay thế bằng đường sắt. Tuy nhiên, liệu mức tăng này có duy trì hay nhanh chóng suy yếu như phiên công bố báo cáo Triển vọng gieo trồng vào tuần trước vẫn đang là mối quan tâm của thị trường trong vài phiên tới.
Trong tuần này, 2 báo cáo về Cung – cầu quan trọng sẽ được CONAB và USDA công bố lần lượt vào tối thứ 4 và thứ 5. Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), các số liệu trong tháng 4 này sẽ không tạo ra nhiều biến động mạnh do dự kiến sẽ không có quá nhiều thay đổi đáng kể. Nông dân Argentina và Brazil đều đang trong giai đoạn thu hoạch, thời điểm mà cây trồng đã gần như phát triển hoàn toàn và sản lượng không còn bị ảnh hưởng bởi việc thiếu hụt độ ẩm. Và nếu USDA có hạ dự báo thêm thì điều này cũng là phản ánh chậm hơn so với các hãng tin hay tổ chức khác, điều này đồng nghĩa với việc mức cắt giảm trên đã được phản ánh vào đà tăng trước đó của ngô. Không những thế, triển vọng ngô vụ 2 của Brazil tích cực hơn cũng khiến cho tác động từ số liệu về mùa vụ ở Nam Mỹ trong 2 báo cáo trên tới giá ngô sẽ càng thiên về “bearish” hơn.
Ngược lại, triển vọng diện tích gieo trồng ở Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố hạn chế đà giảm của giá ngô trong tuần này tới khi giá phân bón vẫn đang duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, một yếu tố khác cũng cần phải lưu ý là xu hướng giá đậu tương do tỉ lệ giá đậu tương/giá ngô sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận và ảnh hưởng tới quyết định gieo trồng thực tế của nông dân trong vài tháng tới. Việc giá đậu tương đứng trước các yếu tố “bearish” mạnh khiến giá giảm nhiều hơn ngô trong tuần trước cũng có thể khiến việc gieo trồng ngô sẽ có giá trị hơn và diện tích gieo trồng thực tế có thể cao hơn.
Khánh Linh
 
Giá cà phê Arabica có khả năng tiếp tục neo ở mức cao trước lo ngại về khủng hoảng logistics
Thị trường cà phê tuần vừa qua đóng cửa phân hoá rõ rệt, trong đó hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 2.9% lên mức 228.4 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 0.4% xuống còn 2139 USD/tấn.
Đối với mặt hàng Arabica, mức tăng mạnh của giá chủ yếu được hỗ trợ bởi tâm lý mua của giới đầu cơ. Trên thực tế, giá Arabica đang phải đối mặt với những thông tin trái chiều nhau liên quan đến cung và cầu trên thị trường.
Cụ thể, những lo ngại về lạm phát tại Mỹ và khu vực Châu Âu đang khiến người tiêu dùng ngày càng thận trọng trong thói quen chi tiêu của mình hơn. Trong khi đó, cà phê không phải là mặt hàng lương thực thiết yếu, do đó nhu cầu tiêu thụ trong ngắn và trung hạn có khả năng suy yếu.
Tuy nhiên, giá vẫn đang duy trì được đà tăng do chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh khủng hoảng logistics từ trước đó do dịch Covid – 19 gây ra, hoạt động vận chuyển cà phê có khả năng sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt container và cước vận chuyển đắt đỏ do một trong những cảng biển quan trọng nhất của Trung Quốc là Thượng Hải đang bị phong toả. Điều này có thể khiến các đơn hàng cà phê bị chậm trễ và giá đến tay người tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, việc đồng nội tệ Reals của Brazil duy tri ổn định đà tăng cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ giá neo ở mức cao. Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đang hướng lên trên vùng 50, giá quay đầu giảm sau khi vượt ngưỡng kháng cự 230 cents. Giá trong phiên hôm nay có khả năng sẽ dao động trong khoảng từ 225 cents đến 235 cents.
Ở một diễn biến khác, giá Robusta tiếp tục duy trì khoảng đi ngang ở khoảng trên của dải Bollinger bands, chỉ số RSI hướng xuống dưới vùng 50, do đó giá trong phiên hôm nay có thể test mức hỗ trợ tâm lý 2100 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Thị trường đồng có thể vẫn chưa xác định được xu hướng do thiếu thông tin đột phá
Giá đồng đóng cửa trong sắc đỏ tuần thứ 2 liên tiếp, tuy nhiên mức giá không quá thay đổi so với mốc tham chiếu của tuần trước đó, vẫn dừng chân ở mức 4.69 USD/pound.
Khối lượng giao dịch cũng giảm trong hai tuần gần đây, cho thấy thị trường đã bớt sôi động đi. Mặc dù vậy, giá đồng vẫn đang nằm trên một xu hướng tăng trong dài hạn, chủ yếu nhờ vào kỳ vọng tăng trưởng của lĩnh vực năng lượng xanh. Việc giá năng lượng tăng phi mã thúc đẩy nhu cầu sản xuất đối với xe điện, cũng như nhu cầu tiêu thụ với các loại nguyên vật liệu đầu vào như bạch kim, đồng hay các kim loại sản xuất pin như niken.
Lực cản đối với thị trường đồng hiện nay vẫn là tình hình dịch bệnh của Trung Quốc, bởi các nhà chức trách vẫn rất kiên định với mục tiêu “Không Covid” nên các hoạt động sản xuất, hay xây dựng cũng bị đình trệ. Tuy nhiên, đối với thị trường kim loại, nhu cầu tiêu thụ có thể tăng nhanh và mạnh bất cứ lúc nào, trong khi nguồn cung phải mất đến nhiều năm để gia tăng, nên nhiều khả năng nguồn cung đồng có thể bị thắt chặt.
Bên cạnh đó, do những chính sách giãn cách, mà các hoạt động giao dịch tại Thượng Hải, điểm nhập khẩu kim loại chính của Trung Quốc đang gặp rất nhiều hạn chế. Hiện mức tồn kho trên Sở Thượng Hải đang là 41,553 tấn, thấp nhất kể từ ngày 14/2 năm nay. Mức dự trữ trên Sở COMEX hiện tăng nhẹ lên trên 74,000 tấn, còn tồn kho trên Sở LME tăng mạnh lên hơn 90,000 tấn.
Có thể thấy, với những tin tức như hiện nay, các nhà đầu tư sẽ có tâm lý thận trọng bởi giá đồng vẫn đang giằng co và xu hướng chưa rõ ràng. Báo cáo Cam kết Thương nhân trong tuần trước cho thấy các quỹ gia tăng số lượng vị thế mua ròng nhưng không quá đáng kể.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số RSI đang thể hiện rõ sự suy yếu của sức mua. Giá vẫn đang biến động trong khu vực từ 4.65 – 4.8 USD/pound. Trong tuần này, Trung Quốc sẽ có kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần nên khối lượng giao dịch có thể sẽ không tăng mạnh. Các nhà đầu tư có thể canh bán ở ức 4.72 – 4.65 USD/pound.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu khả năng cao sẽ tiếp tục chịu sức ép trong tuần này khi các nước châu Âu khó có thể cấm vận mạnh
Tuần kết thúc ngày 01/04, giá dầu thô WTI giảm 12.84% xuống 99.27 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 11.06% xuống 104.39 USD/thùng. Đây là tuần giá dầu giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm trở lại.
Thị trường bước sang tuần mới với nhiều khả năng sẽ tiếp tục các phiên giao dịch biến động. Bất chấp các thông tin tiêu cực đến giá dầu như số ca nhiễm lây lan Covid-19 tại Thượng Hải có thể khiến cho thành phố này phải tiếp tục kéo dài thời hạn phong tỏa, có thể khiến cho triển vọng nhu cầu về dầu suy yếu, tuy nhiên các yếu tố khác như khả năng châu Âu gia tăng các lệnh trừng phạt lên Nga đang khiến cho lực bán giảm dần, bất chấp diễn biến đầu phiên. Tuy nhiên tác động thực tế các lệnh cấm vận mới, nếu có, sẽ phụ thuộc vào các điều khoản thực tế và thời điểm các lệnh cấm bắt đầu.
3 quốc gia cạnh biển Baltic là Estonia, Latvia and Lithuania đã đi đầu bằng các lệnh cấm nhập khẩu khí tự nhiên từ Nga, trong khi đến tuần trước nước Đức vẫn phản đối việc cả khối EU áp dụng lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, trước các bằng chứng mới về tội ác chiến tranh của Nga cũng như yêu cầu thanh toán các hợp đồng đã ký kết bằng đồng rúp, Đức có thể sẽ phải cân nhắc gia tăng các biện pháp trả đũa. Trước mắt, EU đã tuyên bố sẽ trở nên “độc lập” với dầu khí Nga trước năm 2030, tuy nhiên các lệnh cấm toàn khối có thể khiến cho quá trình này đẩy nhanh. Hành động chung của khối có thể trở thành yếu tố hỗ trợ các mặt hàng trong nhóm năng lượng. Ngược lại, nếu như chỉ có 1 số quốc gia thực hiện đơn lẻ các biện pháp cấm vận, giá có thể sẽ không tăng đáng kể, vì thường các quốc gia nhập khẩu nhiều mới là nước ngần ngại áp dụng lệnh cấm.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc