Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc có thể sẽ là yếu tố thúc đẩy lực mua đối với ngô trong phiên tối
Mở cửa phiên giao dịch ngày 05/05, giá ngô đang tiếp tục duy trì được sắc xanh nhờ diễn biến của lúa mì. Tuy nhiên, lực bán ở vùng kháng cự tâm lí 800 vẫn đang hạn chế đà tăng của ngô. Nguồn cung ở 2 quốc gia là Mỹ và Brazil mặc dù không đủ mạnh để hỗ trợ giá tiếp tục vượt đỉnh nhưng theo chúng tôi, yếu tố cơ bản với ngô vẫn đang thiên về tính “bullish”. Và việc suy yếu trong nửa đầu tuần này chỉ xuất phát từ những yếu tố về kĩ thuật. Hiện tại, sau khi suy yếu về vùng 790, giá ngô đã đóng cửa phiên hôm qua với cây nến Doji cho thấy lực mua đang dần cân bằng trở lại. Kết hợp hỗ trợ từ bối cảnh nguồn cung thắt chặt, chúng tôi cho rằng nhịp suy yếu ngắn hạn của ngô nhiều khả năng đã kết thúc và trong phiên hôm nay, mặt hàng này có thể quay trở lại xu hướng tăng.
Mặc dù xu hướng nhập khẩu ngô Mỹ trong vài tháng qua của Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu, tuy nhiên do mức sản lượng bị thiệt hại do thời tiết bất lợi của Nam Mỹ, quốc gia châu Á này đang đẩy mạnh việc mua hàng từ Mỹ thời gian gần đây. Những số liệu trong báo cáo Export Sales của Mỹ đã tăng mạnh so với niên vụ trước trong báo cáo gần nhất và dự báo cũng sẽ có thể duy trì ở trên 500,000 tấn trong báo cáo tối nay. Con số này hoàn toàn hợp lý và nhiều khả năng sẽ đạt được do trong báo cáo Daily Export Sales ngày 28/04, Mỹ đã bán cho Trung Quốc hơn 1 triệu tấn ngô. Với triển vọng tích cực hơn khi xuất khẩu ngô của Mỹ đang có dấu hiệu tăng trưởng trong vài tuần qua có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá trong phiên tối nay.
Bên cạnh đó, thời tiết cũng là yếu tố sẽ vẫn luôn được chú trọng trong giai đoạn mà cả ngô vụ 2 ở Brazil và vụ ngô ở Mỹ đang có mức ảnh hưởng lớn tới giá. Lượng mưa lớn vẫn đang xảy ra ở khắp khu vực Midwest trong vài ngày vừa qua và cản trở tới quá trình gieo trồng của nông dân Mỹ. Điều này sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá ngô ở vùng giá 800.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Giá đồng có thể sẽ tăng nhờ lực mua kỹ thuật trong bối cảnh thị trường vắng bóng tin tức cơ bản
Giá đồng tiếp tục tăng trong phiên hôm nay và đang tiếp cận ngưỡng 4.4 USD. Sức mua chủ yếu vẫn nhờ vào sự suy yếu của đồng USD. Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện trong bối cảnh Fed phủ nhận khả năng sẽ mạnh tay tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tới.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp kinh tế, thông báo rằng vào năm 2022, đất nước sẽ tăng cường toàn diện xây dựng cơ sở hạ tầng, và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để hỗ trợ nền kinh tế. Hơn nữa, các nhà chức trách có thể sẽ nới lỏng các chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm là 5.5%. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng trong dài hạn.
Ngoài ra, ở Trung Quốc, mức tồn kho trên Sở Thượng Hải đã rớt về dưới 20,000 tấn và làm dấy lên lo ngại về nguồn cung, nhất là các hoạt động luyện kim và vận chuyển đồng bị hạn chế vì dịch bệnh.
Trong phiên hôm nay, thị trường không có các tin tức nào mang tính ảnh hưởng mạnh như cuộc họp Fed vừa qua, mà các nhà đầu tư đều đang chờ đợi số liệu bảng lương phi nông nghiệp vào thứ 6. Vì thế, diễn biến của thị trường đồng trong phiên hôm nay có thể phản ứng nhiều hơn với các yếu tố kỹ thuật.
Hiện giá bật lên từ đường hỗ trợ trendline, tuy nhiên chỉ số RSI vẫn dưới mức 50 trên khung D1. Ở khung H4, chỉ số RSI đã vượt qua mức 50 điểm, tuy nhiên giá đang gặp phải sức ép bán ở mức kháng cự tâm lý 4.4 USD. Nhiều khả năng, thị trường đồng vẫn còn nhiều dư địa tăng giá, vì giá vẫn nằm dưới đường EMA 89. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua từ 4.35 – 4.47 USD bởi giá nhiều khả năng sẽ test lại đường EMA 89 trong tuần này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Giá dầu nhiều khả năng sẽ điều chỉnh nhẹ trước khi quay trở lại đà tăng
Giá dầu bật tăng mạnh mẽ trong phiên hôm qua, sau khi EU đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 5.27% lên 107.81 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 4.93% lên 110.14 USD/thùng.
Với ẩn số lớn nhất trên thị trường là chính sách năng lượng của EU đã được làm sáng tỏ, giá dầu nhiều khả năng sẽ thoát khỏi tình trạng giằng co thiếu phương hướng như trong tháng 4. Nguồn cung dầu hiện được kỳ vọng sẽ giảm khoảng 2-3 triệu thùng/ngày do thiếu hụt sản lượng từ Nga, do mất đi các khách hàng quan trọng tại châu Âu.
Như vậy yếu tố bất ổn còn lại trên thị trường chính là nhu cầu tiêu thụ dầu, đặc biệt khi Trung Quốc đang chống chọi với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay. Với vai trò là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới và nước nhập khẩu dầu số 1 và nhu cầu năng lượng liên tục tăng qua các năm, một sự giảm tốc trong sức mua của Trung Quốc là thông tin tiêu cực với thị trường, ngay cả trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung chung hiện tại. Theo ước tính mới nhất của Standard Chartered Global Research, họ hạ dự báo tiêu thụ dầu của Trung Quốc từ tăng 78,000 thùng/ngày xuống giảm 82,000 thùng/ngày trong năm 2022, và kỳ vọng các tổ chức năng lượng lớn như Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, hay OPEC, cũng sẽ điều chỉnh dữ liệu trong tháng 5. Trước đấy, trong tháng 4, IEA đã hạ dự nhu cầu dầu thế giới khoảng 260,000 thùng/ngày, với khả năng tiêu thụ dầu trong năm 2022 sẽ không quay về ngưỡng trước đại dịch.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu đang chịu áp lực tại kháng cự vùng 108 USD/thùng, tuy nhiên các chỉ số như MACD, RSI vẫn đang khá tích cực. Giá có thể sẽ điều chỉnh về vùng 106.5 USD/thùng trước khi quay trở lại đà tăng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa
Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV