menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 07/6/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

08:43 08/06/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 07/6/2022.
Những số liệu tích cực về mùa vụ ngô Mỹ khiến giá ngô có thể sẽ “fill” lại khoảng gapup đầu tuần
Mở cửa phiên giao dịch ngày 07/06, những tín hiệu tích cực về mùa vụ ở Mỹ đang tạo sức ép và khiến ngô trở thành mặt hàng có mức giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Giá ngô đã tạo gap down và đang quay đầu suy yếu trở lại sau phiên tăng vọt ngày hôm qua. Diễn biến này của cho thấy nguồn cung tại Mỹ hiện đang là yếu tố có ảnh hưởng nhất tới giá trong giai đoạn này.
Chỉ cách đây vài tuần, những số liệu trong báo cáo Crop Progress khiến cho thị trường lo ngại về một mùa vụ ngô bị chậm trễ, kéo theo những rủi ro về năng suất bị thiệt hại và diện tích sụt giảm sau đó. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tuần gần đây, lượng mưa ở Midwest dần giảm bớt, giúp nông dân đẩy mạnh tốc độ gieo trồng đáng kể. Tiến độ hiện tại đã đạt mức 94% diện tích dự kiến, vượt lên mức trung bình 5 năm. Số liệu về chất lượng cây trồng đầu tiên trong năm nay cũng đã được công bố với 73% diện tích đạt tốt – tuyệt vời, cao hơn nhiều so với mức dự đoán của thị trường. Giai đoạn đầu tiên của chu kỳ phát triển đối với ngô Mỹ đã sắp hoàn thành. Trong thời gian tới, những khung thời tiết cho thấy mưa xuất hiện ở Midwest sẽ tiếp tục giúp cây trồng bổ sung độ ẩm trước khi bước vào mùa hè và là yếu tố tác động “bearish” tiềm ẩn lên giá.
Mặc dù những thông tin xoay quanh căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng có những tác động mạnh mẽ đối với ngô nhưng theo chúng tôi, giá sẽ chỉ phản ứng trong 1 vài phiên, và phản ứng mạnh hơn trong trường hợp Ukraine được xuất khẩu ngũ cốc trở lại. Trong bối cảnh giá đã tăng mạnh và ở mức cao trong nhiều năm qua thì việc chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng của ngô trong trung hạn. Kết hợp với đánh giá về mặt kĩ thuật, vùng 725 hiện vẫn đang giữ vai trò là hỗ trợ quan trọng đối với ngô. Chính vì thế nên trong vài phiên tới, giá ngô nhiều khả năng vẫn duy trì trên mức giá này.

Đồng Dollar tăng lên mức cao nhất trong vòng nửa tháng có thể gây áp lực lên giá cà phê
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, các mặt hàng cà phê đã diễn biến trái chiều đúng như các dự đoán trước đó. Cả Arabica và Robusta đều gặp phải lực bán lớn ở các mốc kháng cự quan trọng, trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin đủ mạnh để hỗ trợ giá, khiến giới đầu cơ trước đó có thể gia tăng thêm tâm lý chốt lời.
Thời tiết mưa tại các vùng gieo trồng đang khiến hoạt động thu hoạch gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sẽ hạn chế khả năng xảy ra hiện tương sương giá. Các yếu tố bất lợi vốn đã phản ánh vào xu hướng tăng gần đây, nên khi không có nguy cơ nghiêm trọng về thời tiết, sẽ rất khó để các doanh nghiệp đẩy mạnh việc mua hàng.
Trong khi đó, đồng Dollar đang trong xu hướng tăng ngắn hạn do Chi tiêu hộ gia đình của Nhật và Doanh số bán lẻ tại Anh đang thấp hơn dự đoán, khiến đồng Yên Nhật và đồng Bảng Anh suy yếu. Hai đồng tiền này chiếm khoảng 25% sức ảnh hưởng trong rổ tiền tệ của Dollar Index, nên nhiều khả năng chỉ số này sẽ còn hướng tiếp đến vùng 103.
Về mặt kỹ thuật, giá đang rơi xuống từ cạnh trên của dải Bollinger hướng lên, và có khả năng giá Arabica sẽ test lại hỗ trợ ở đường SMA20 trong vài phiên sắp tới. Vùng mây kumo trước mặt vẫn còn khá dày, trước khi thu hẹp lại, có thể hạn chế đà giảm. Trước mắt, giới đầu tư có thể mở vị thế bán mới ở quanh vùng giá 237 với kỳ vọng giá sẽ giảm về vùng 230 trong tuần này.
Đối với Robusta, trong kịch bản Arabica hướng về vùng 230 cents, nhiều khả năng giá Robusta cũng sẽ về lại giằng co quanh mốc 2100 USD. Đồng Dollar mạnh lên khiến chi phí nắm giữ vị thế tại các Sở châu Âu sẽ tốn kém hơn và giới đầu cơ sẽ đẩy mạnh việc thanh lý vị thế. Nguồn cung Robusta từ Brazil cũng sẽ đẩy ra thị trường trong 1-2 tháng tới, khiến cho khả năng giá vượt lên được các mốc kháng cự quan trọng là rất thấp.

Giá dầu thô khả năng cao sẽ tiếp tục giằng co trong phiên hôm nay trước khi thị trường tìm được động lực bứt phá
Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần, do lực bán chốt lời mạnh vào cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 0.31% xuống 118.5 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 0.18% xuống 119.51 USD/thùng.
Giá dầu nhích dần trở lại trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi các lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, bất chấp vùng giá 119 vẫn thường xuyên tạo ra lực bán. Trái ngược với 2 tháng trước, lệnh cấm vận của EU đã thực sự được ban hành, và Trung Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa tại các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh. Điều này phần nào khiến cho bức tranh cung – cầu trở nên rõ ràng hơn, và sự thiếu hụt nguồn cung ngày càng trở nên chắc chắn. Điều này càng thể hiện rõ ràng khi Saudi Arabia nâng giá bán lẻ các sản phẩm dầu chủ lực sang châu Á, bất chấp trong cuộc họp kỹ thuật, OPEC+ vẫn tuyên bố thị trường sẽ thặng dư nguồn cung trong năm 2022. Trong khi đó, tồn kho dự trữ dầucủa nhiều nước đang ở mức thấp, đặc biệt sau các đợt liên tục giải phóng dầu từ kho chiến lược để cân bằng thị trường, kéo dài từ tháng 11 năm ngoái. Hiện tại, tồn kho dầu thô của Mỹ đang ở mức 11% dưới trung bình 5 năm, một ngưỡng bắt đầu tạo ra tín hiệu “báo động” cho các nhà máy lọc dầu, khiến họ khó có thể gia tăng vận hành trên 90%, khiến cho không chỉ giá dầu thô mà cả các sản phẩm khác như xăng hoặc dầu diesel có thể sẽ tiếp tục gia tăng.
Về mặt kỹ thuật, các tín hiệu vẫn rất tích cực, với MACD và RSI đều hướng lên trên, trong khi dải Bollinger Bands mở rộng. Tuy vậy, tại vùng giá tiệm cận vùng đỉnh 3 tháng hiện tại, khi khối lượng giao dịch vẫn đang rất thấp, khó có thể tạo thành đà tăng vững chắc ngay trong phiên tối nay, do đó không nên mở vị thế mới tại thời điểm hiện tại.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc