menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 08/8/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:15 08/08/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 08/8/2022.
Lo lắng về thiệt hại do khô hạn diễn ra tại Mỹ trong tháng 7 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô vẫn đang giằng co với biên độ nhẹ quanh mức tham chiếu với tâm lí thận trọng của thị trường trước triển vọng trái chiều nhau trước ảnh hưởng của thời tiết lên mùa vụ ngô của Mỹ năm nay. Kể từ sau chuỗi giảm mạnh liên tiếp vào đầu tháng 7 đến nay, giá ngô vẫn chỉ ở trong xu hướng đi ngang quanh mức 600. Trong tuần này, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Cung – cầu tháng 8 và dự kiến sẽ khiến cho ngô trải qua những biến động mạnh mẽ hơn.
Dự báo thời tiết cho thấy mưa sẽ tiếp tục xuất hiện vào đầu tuần này ở các khu vực gieo trồng và mang lại độ ẩm tích cực cho cây trồng. Trong báo cáo Crop Progress tuần trước, chất lượng cây trồng đã thoát khỏi xu hướng sụt giảm liên tiếp và với tình hình độ ẩm liên tục được bổ sung trong giai đoạn gần đây thì tỉ lệ diện tích ngô được đánh giá tốt – tuyệt vời nhiều khả năng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, theo chúng tôi, yếu tố này sẽ không đủ mạnh để có thể khiến cho giá bước vào 1 nhịp giảm rõ ràng trong tuần này do mưa xuất hiện đã phần nào được phản ánh qua những biến động mạnh mẽ trước đó. Hơn nữa, trước khi báo cáo WASDE được công bố, giá nông sản thường sẽ thể hiện cho những kì vọng và dự đoán của thị trường. Với những thiệt hại và căng thẳng mà hạn hán mang lại với mùa vụ ngô Mỹ, minh chứng bởi những dự báo về năng suất sụt giảm của một số tổ chức và hãng tin lớn, giá ngô có thể sẽ được hỗ trợ ít nhất cho tới khi các số liệu được phát hành. Chính vì thế nên chúng tôi cho rằng lo ngại về năng suất sụt giảm dưới mức dự kiến vẫn đang là rủi ro đối với mùa vụ Mỹ và là yếu tố hỗ trợ cho giá trong tuần này.
Đối với mùa vụ ở Brazil, tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 tại bang Mato Grosso đã gần như kết thúc với 99.73% diện tích dự kiến, IMEA cho biết. Tốc độ mùa vụ được đẩy mạnh nhờ có mùa vụ đậu tương diễn ra nhanh chóng trước đó và nguồn cung hiện tại gần như chỉ còn phụ thuộc vào Mỹ.

Hai mặt hàng cà phê nhiều khả năng diễn biến trái chiều trước tác động ngược hướng từ tiến độ thu hoạch tại Brazil
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên tháng 08, diễn biến giá 2 mặt hàng cà phê có sự trái chiều. Trong khi, Arabica giảm hơn 3%, Robusta khởi sắc nhẹ dù đa số các phiên trong tuần đều có lực bán áp đảo. Nguyên nhân lý giải chính cho đà giảm của Arabica đến từ lo ngại suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê.
Thu hoạch Arabica tại Brazil tính đến 02/08 đạt 77% sản lượng, tăng nhẹ so với mức 76% của cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức 81% của trung bình 5 năm. Tiến độ này được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng và đuổi kịp mức trung bình 5 năm, nhờ sự ủng hộ của thời tiết khô ráo tại vùng sản xuất chính, thích hợp cho việc thu hoạch và sấy khô cà phê. Điều này làm gia tăng kỳ vọng nguồn cung sẽ được nới lỏng trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế ước tính chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 07 tại Mỹ sẽ có sự hạ nhiệt với mức tăng 0.2%, thấp nhất từ đầu năm 2021. Cùng với tỷ lệ thất nghiệp trong báo cáo việc làm tháng 07 tại Mỹ ở mức 3.5%, giảm 0.1% so với báo cáo tháng trước, cho thấy suy thoái kinh tế tại Mỹ không thực sự tồi tệ như những gì đã dự đoán. Điều này giúp mở rộng thêm không gian trong việc điều chỉnh lãi suất sắp tới của FED và dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ cà phê của thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới.
Về mặt kỹ thuật, do phiên giảm mạnh vào cuối tuần trước, giá đang nằm dưới cả 2 đường trung bình động MA10 và MA20. Kết hợp với đường MACD giao nhau với đường Signal và hướng xuống dưới, thể hiện cho xu hướng giá suy yếu. Dự đoán trong phiên hôm nay, giá Arabica sẽ giảm xuống mức 205.50 USD.

Giá đồng có thể thiết lập xu hướng tăng trong tuần này trước các thông tin tích cực về tiêu thụ
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đồng có xu hướng tăng trong bối cảnh tình hình thương mại tại Trung Quốc trong tháng 7 đang cho thấy bức tranh khởi sắc. Thặng dư thương mại tại quốc gia này đạt mức kỷ lục kể từ năm 1987, với xuất khẩu tăng mạnh 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi và sẽ là yếu tố “bullish” đối với giá đồng.
Bên cạnh đó, nhập khẩu đồng trên thị trường tiêu thụ số 1 thế giới đang cho thấy dấu hiệu cải thiện với mức tăng 9.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù có sự suy yếu 13.8% so với hồi tháng 6, do nguyên nhân chủ yếu từ phía nhà máy luyện tiến hành bảo trì vào mùa hè. Theo các chuyên gia dự báo, quá trình bảo trì này đang dần hoàn thiện trong tháng 8. Hơn nữa, theo SMM, lợi nhuận của các nhà máy luyện vẫn tương đối cao và điều này có thể kích thích đồng thô cho hoạt động sản xuất. Do đó, nhiều khả năng nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi và hỗ trợ cho giá đồng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dự trữ đồng tại Trung Quốc tiếp tục ở mức thấp. Tồn kho đồng trên sở Thượng Hải đang ở mức 4,553 tấn và là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 đầu năm nay. Trong bối cảnh tiêu thụ dần phục hồi, nguồn cung thắt chặt hơn nhiều khả năng sẽ giúp thị trường đồng khởi sắc.
Tuy nhiên, thị trường kim loại cơ bản nói chung và đồng nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Nếu như các biện pháp trừng phạt liên quan đến thuế được áp dụng, thị trường nguyên liệu đầu vào quan trọng như đồng sẽ chịu tổn thất nặng nề. Bên cạnh đó, yếu tố dịch bệnh vẫn sẽ là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Mặc dù Thượng Hải hay Thâm Quyến đều đang không ghi nhận số ca nhiễm nào, nhưng các ổ dịch lẻ tẻ vẫn cản trở các hoạt động kinh tế. Mới đây nhất, hòn đảo du lịch Hải Nam đang phải thực hiện các biện pháp phong toả do số ca nhiễm liên tục bùng phát. Do đó, giá đồng không loại trừ khả năng gặp áp lực trước các rào cản về kinh tế chính trị và dịch bệnh.

Giá dầu khả năng cao sẽ tiếp tục chịu áp lực bất chấp các dữ liệu kinh tế tích cực
Giá dầu chịu áp lực trở lại trong chiều nay, bất chấp các tin tức hỗ trợ khi các nhà đầu tư không còn quá nhiều động lực để mua vào.
Lực bán chốt lời tăng trở lại ngay khi giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên sáng. Hiện tại, không còn nhiều lý do để các nhà đầu tư gia tăng mạnh vị thế mua vào. Mặc dù các chỉ số kinh tế mới đây, ví dụ như số liệu việc làm tại Mỹ trong tháng 7 tăng mạnh nhất kể từ tháng 2, hoặc thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên khoảng 101 tỷ USD, tuy nhiên, tại thị trường năng lượng, các số liệu vẫn đang cho thấy không có nhiều diễn biến tích cực. Nhập khẩu dầu thô trong tháng 7 của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 0.9% lên 8.83 triệu thùng/ngày, trong khi đó, theo S&P Global Commodity Insights, các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước có nhiều khả năng tiếp tục giảm mua hàng giao ngay để sử dụng tồn kho, bất chấp giá dầu đã giảm mạnh so với giai đoạn trước. Lực tiêu thụ trong nước suy yếu do hậu quả của dịch Covid-19 là một trong các nguyên nhân khiến cho các nhà máy tại Trung Quốc không thu mua nhiều dầu thô.
Giá dầu WTI đang có xu hướng tiếp tục giảm khi Bollinger Band mở rộng và hướng xuống. Các chỉ số RSI và MACD đều tiếp tục hướng về những mức thấp hơn, phản ánh sức bán đang rất mạnh.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc