Lúa mì có thể sẽ duy trì đà giảm trong phiên hôm nay do chịu sức ép từ cả yếu tố cơ bản lẫn kĩ thuật
Giá lúa mì đang duy trì đà giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp do nỗi lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt trước đó đã phần nào được giải toả. Đặc biệt là khi sản lượng dự kiến của các nước sản xuất chính như Nga và Úc trong niên vụ 2021/22 cũng đều được USDA điều chỉnh tăng lên. Chỉ trong phiên sáng, giá đã giảm hơn 1% khi thị trường tiếp tục phản ứng với các số liệu trong báo cáo này.
Theo chúng tôi đánh giá, nguồn cung là yếu tố mạnh nhất giúp giá lúa mì duy trì đà tăng trong giai đoạn trước nên khi số liệu này chuyển sang “bearish”, áp lực lên giá sẽ càng mạnh hơn nữa. Với cả thông tin cơ bản lần các tín hiệu kĩ thuật đều thiên về bên bán như hiện này thì trong vài tuần tới, giá lúa mì thậm chí có thể duy trì đà giảm về mức 730 – 750.
Khi giá lúa mì xác nhận vào xu hướng giảm thì nhà đầu tư có thể canh mở vị thế Bán mới ở những nhịp hồi nhẹ. Hiện tại, nếu như các đơn hàng nhập khẩu xuất hiện từ các quốc gia nhập khẩu vào lúc giá đang trong đà giảm mạnh có thể sẽ là yếu tố giúp giá có thể tăng nhẹ trong phiên.
Khánh Linh
Thị trường cà phê tích lũy có thể mang lại điểm vào tốt cho các nhà đầu tư
Sắc đỏ quay trở lại với thị trường cà phê, khi hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 1.6% còn 240.2 cents/pound, hợp đòng Robusta kỳ hạn tháng 1/2022 giảm còn 2401 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn ở mức 55% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong phiên hôm qua lực mua đã yếu dần trên cả hai Sở. Đây là sự phản ánh rõ ràng cho việc đà tăng đang chùng xuống, khi mà các tin tức hỗ trợ cho giá trên thị trường đã trở nên bão hòa. Giới đầu tư hiện đang rất mong đợi các thông tin xuất khẩu của Việt Nam, cùng báo cáo của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Brazil (CONAB) sẽ được công bố vào tuần sau.
Mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn ổn định ở 1.608 triệu bao. Nếu trong phiên hôm nay không có quá nhiều sự thay đổi, đây vẫn là mức thấp nhất trong vòng 10 tháng.
Ở Việt Nam, các tỉnh đang tìm cách đẩy mạnh thu hoạch cà phê, để đảm bảo không làm chậm trễ tiến độ của niên vụ tới. Hiện toàn tỉnh Gia Lai có gần 98,000 ha cà phê cần được thu hoạch, còn tỉnh Kon Tum cũng cần thu hoạch hơn 25,000 ha.
Tiên Phạm
Các tin tức cơ bản không còn hỗ trợ nhiều cho triển vọng của thị trường đồng
Giá đồng lao dốc 1.4% trong phiên hôm qua về 4.33 USD/pound. Giá giằng co rất mạnh trong phiên khi đã có lúc chạm mức 4.39 USD, còn trong phiên tối, đã có lúc giá giảm về 4.29 USD/pound.
Phiên giảm mạnh của ngày hôm qua đã làm mất đi khoảng 50% giá trị của đợt tăng trước đó. Trong một ngày mà các thị trường đầu tư chịu áp lực bán mạnh ngay từ đầu phiên tối, giá đồng cũng không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, triển vọng của thị trường chuyển sang hướng tiêu cực, khi tập đoàn bất động sản Evergrande tuyên bố vỡ nợ, và bị giảm mức xếp hạng tín nhiệm xuống mức “vỡ nợ giới hạn”.
Ngành bất động sản vốn là mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, và chiếm hơn 30% nhu cầu tiêu thụ đồng mỗi năm, nên tin tức của phiên hôm qua đã khiến cho lực bán mạnh duy trì trên thị trường đồng trong suốt cả phiên tối.
Bên cạnh đó, sản lượng đồng tinh luyện trong tháng 11 của Trung Quốc đạt 825,000 tấn, cao hơn 4.5% so với tháng trước và 0.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nên khi sản lượng tăng mà nhu cầu tiêu thụ suy yếu, các nhà đầu tư đã mạnh tay bán ra trên thị trường kỳ hạn.
Tiên Phạm
Diễn biến về dịch COVID-19 sẽ tiếp tục là yếu tố ngăn chặn giá dầu bứt phá trong ngắn hạn
Thiếu đi động lực để đưa ra bứt phá, dầu thô hôm qua chấm dứt chuỗi tăng liên tiếp với 1 phiên giảm mạnh. Cụ thể, giá WTI giảm 1.96% xuống 70.94 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 1.85% xuống 74.42 USD/thùng.
Không còn nhiều động lực để thúc đẩy giá đi lên khi phiên cuối cùng trong tuần bắt đầu. Mặc dù các thông tin ban đầu về tác dụng của vắc-xin đối với biến thể Omicron là tương đối tích cực, tuy nhiên việc các nước thắt chặt các quy định kiểm soát dịch là thông tin có sức nặng hơn cả và đang tác động tiêu cực đến tâm lý của thị trường.
Để tìm hiểu tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường, có thể nhìn lại vào giai đoạn đầu năm nay, trong quãng thời gian dài từ tháng 3 đến tháng 5, giá dầu WTI chủ yếu biến động trong khoảng rộng 57-67 USD/thùng, mặc dù lúc đấy thị trường dầu thế giới đã bước vào giai đoạn nguồn cung không theo kịp nhu cầu tiêu thụ.
Thực tế, theo số liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA, trong quý III và quý IV tình trạng này dần được cải thiện, dù giá lúc này tăng vọt lên mức 70-80 USD/thùng.
Hồng Hoa
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV