menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 13/2/2023 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:23 13/02/2023

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 13/2/2023.
 
Triển vọng nguồn cung thắt chặt vẫn là yếu tố chính hỗ trợ cho giá đậu tương tiếp tục đà tăng trong tuần này
Giá đậu tương tiếp tục tăng nhẹ trong phiên sáng nay sau khi trải qua một tuần biến động mạnh mẽ. Báo cáo Cung -cầu tháng 2 được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào tuần trước đã làm rõ hơn bức tranh về triển vọng nguồn cung đậu tương sau giai đoạn hạn hán nghiêm trọng ở Argentina. Hầu hết diễn biến trong tuần vừa rồi đều phản ánh thiệt hại đối với mùa vụ năm nay. Không những thế, tình hình đậu tương của Nam Mỹ dự kiến cũng sẽ không ghi nhận cải thiện đáng kể trong vài tuần tới.
Sau hai tuần thời tiết tương đối tốt, dự báo cho thấy thời tiết nóng và khô hơn sẽ quay trở lại Argentina, điều này sẽ ảnh hưởng lên những cây đậu tương trồng sớm không đủ khả năng chịu đựng. Đậu tương trồng sớm đã đến những giai đoạn phát triển cuối cùng nên sẽ khó có thể phục hồi năng suất một cách đáng kể. Một số cây được báo cáo là có tình trạng sinh trưởng kém, hoa và quả bị rụng. Đậu tương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở miền trung và miền bắc Santa Fe và Entre Rios. Hiện tại, USDA đã điều chỉnh dự báo sản lượng đậu tươung ở Argentina xuống mức 41 triệu tấn, thấp hơn mức dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết hiện tại, con số thực tế có thể còn thấp hơn và một số tổ chức khác cũng đã cắt giảm sản lượng xuống khoảng 34 – 38 triệu tấn như BAGE, BCR hay dự báo của tiến sĩ Cordonnier. Cho tới khi những số liệu về dự báo diện tích gieo trồng năm nay của Mỹ được công bố thì mối quan tâm của thị trường vẫn hướng về mùa vụ Argentina và là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương.
Bên cạnh đó, Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (Imea) cho biết, nông dân tại bang đã thu hoạch được 44.1% diện tích đậu tương dự kiến tính tới thứ Sáu tuần trước, tăng tới 20.05% so với một tuần trước đó và giúp tiến độ đạt mức trung bình lịch sử là 44.56%. Điều này có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá trong phiên hôm nay. 

Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều, giá cà phê Arabica khả năng cao tiếp tục dao động trong tuần này
Kết thúc tuần giao dịch 06/02 – 12/02, hai mặt hàng cà phê tiếp tục khởi sắc. Arabica có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0.78%, giúp giá chạm mức cao nhất trong hơn 3 tháng. Với mức tăng 0.44%, Robusta ghi nhận tuần tăng thứ 6 với mức giá cao nhất trong 4 tháng.
Những dự báo tích cực về triển vọng nguồn cung trong năm nay tại Brazil vẫn là xu hướng nhận định chung của giới phân tích. Từ các tổ chức của Chính phủ Brazil như IBGE, Conab hay những đơn vị phân tích độc lập như Comexim, Rabobank đều dự đoán sản lượng cà phê năm 2023 của quốc gia này sẽ tăng so với 2 năm trước. Xu hướng tích cực này có thể sẽ tiếp tục là yếu tố gây sức ép lên giá trong tuần này.
Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), quốc gia này đã xuất khẩu được 753,737 bao cà phê trong 10 ngày đầu tháng 02, giảm 22.3% so với mức 969,337 bao của cùng kỳ năm ngoái. Thông tin này thể hiện tình trạng hạn chế xuất khẩu vẫn tiếp diễn tại Brazil và có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian tới.
Hơn nữa, một nhân tố có thể sẽ thúc đẩy giá trong tuần này là động lượng tăng của Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York đã cạn kiệt với số bao chờ phân loại quay về 0. Cùng với việc hạn chế bán hàng tại các quốc gia cung ứng chính, khiến lượng tồn kho khó có thể mở rộng trong thời gian tới. 

Giá đồng có thể giằng co trong biên độ hẹp trước thềm công bố CPI tháng 1 của Mỹ
Mở cửa phiên đầu tuần ngày 13/02, giá đồng giằng co trong biên độ hẹp do tâm lý thận trọng khi tiêu thụ tại Trung Quốc chưa có cải thiện rõ rệt và chờ đợi dữ liệu lạm phát mới của Mỹ, dữ liệu có thể ảnh hưởng đến lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Shanghai Metals Market (SMM), kể từ ngày 10/02, lượng đồng tồn kho trên các thị trường lớn trong nội địa Trung Quốc đã giảm 1,500 tấn so với ngày 06/02 và ở mức 312,900 tấn, cho thấy lượng tiêu thụ đang dần phục hồi. Lượng hàng tồn kho trong nước đã tích lũy trong 07 tuần liên tiếp kể từ cuối tháng 12, nhưng lượng hàng tồn kho đã bắt đầu chậm lại vào tuần trước, tồn kho giảm chủ yếu là do tiêu dùng phục hồi nhanh ở tỉnh Quảng Đông.
Về tiêu thụ, hầu hết các nhà máy hạ nguồn Trung Quốc đã hoạt động trở lại vào tuần trước và dự kiến nhu cầu sẽ tiếp tục tăng do nhiều công ty nối lại sản xuất. Đồng thời, lo ngại nguồn cung bị gián đoạn trong ngắn hạn khi mỏ đồng lớn thứ 2 thế giới (Grasberg) bị đình chỉ hoạt động do tình trạng lũ lụt. Do đó, dự báo giá đồng có thể phục hồi nhẹ trong tuần này.
Tuy vậy, sự phục hồi của đồng USD tiếp tục là yếu tố gây sức ép tới thị trường đồng, chỉ số Dollar Index sáng nay tiếp tục tăng lên mức 103.67 điểm sẽ là yếu tố gây áp lực tới giá đồng. Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn dự kiến. 

Giá dầu có thể giảm điều chỉnh trước khi lấy lại đà tăng do sự hỗ trợ từ cả 2 yếu tố cung cầu
Dầu thô mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với lực bán chiếm ưu thế sau đà tăng tương đối mạnh trong các phiên cuối tuần trước, Nhiều nhà đầu tư vẫn cho thấy tâm lý tương đối thận trọng trước thềm công bố báo cáo lạm phát Mỹ, yếu tố sẽ giúp thị trường nhìn nhận rõ hơn về kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai. Tuy nhiên, đà tăng có thể sẽ sớm quay trở lại trước các rủi ro nguồn cung, trong khi nhu cầu đang dần có dấu hiệu cải thiện.
Việc Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng 500,000 thùng/ngày từ tháng 3, tương đương với khoảng 5% sản lượng của quốc gia này trong bối cảnh dòng chảy dầu và nhiên liệu đang chịu sự trừng phạt bởi các nước phương Tây sẽ gây ra lo ngại về nguồn cung thắt chặt, nhất là khi nhu cầu được kỳ vọng phục hồi, là yếu tố hỗ trợ cho giá. Trong khi đó, xuất khẩu nhiên liệu của Nga đang có dấu hiệu chậm lại chỉ 5 ngày sau khi lệnh trừng phạt của EU và nhóm nước G7 có hiệu lực từ ngày 5/2. Theo dữ liệu từ Bloomberg, dòng chảy của các sản phẩm dầu mỏ từ dầu diesel đến nhiên liệu máy bay phản lực sẽ giảm xuống còn khoảng 1.9 triệu thùng mỗi ngày trong tuần sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Con số này thấp hơn khoảng 37% so với mức trung bình trong 4 tuần trước đó.
Trong khi đó, tín hiệu tích cực về nhu cầu cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá. Tại Mỹ, dữ liệu từ GasBuddy cho biết nhu cầu xăng của Mỹ tăng 1.7% trong tuần gần nhất lên 8.45 triệu thùng mỗi ngày. Như vậy, lần đầu tiên kể từ tháng 6, nhu cầu xăng của Mỹ không chỉ tăng mỗi ngày so với tuần trước mà còn cao hơn mức trung bình của 4 tuần.
Bên cạnh đó, động lực chính thúc đẩy nhu cầu dầu thô vẫn là thị trường Trung Quốc. Kỳ vọng chính phủ sẽ kích thích kinh tế trong giai đoạn tới có thể hỗ trợ nhu cầu dầu thô cho các hoạt động sản xuất. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ cung cấp 450 tỷ nhân dân tệ (66 tỷ USD) các khoản vay trung hạn một năm (MLF) cho các ngân hàng vào tháng 2, nhiều hơn 15% so với số tiền đáo hạn. 

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin mxv
Link gốc