Ngô và lúa mì có thể sẽ bước vào đợt giảm giá mạnh dưới áp lực của các thông tin “bearish” dài hạn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/06, thị trường nông sản trải qua một phiên với nhiều biến động và đóng cửa trái chiều nhau.
Giá hợp đồng ngô tháng 7 kết phiên tăng nhẹ 0.82% nhưng các hợp đồng tháng xa vẫn tiếp tục giảm cho thấy những thông tin bullish hiện tại ảnh hưởng trong ngắn hạn nhiều hơn và lo ngại về nguồn cung được nới lỏng vẫn duy trì. Khô hạn kéo dài đi kèm với sương giá ở Brazil được cảnh báo có thể tiếp tục làm sản lượng của nước này giảm xuống mức thấp hơn. Đây sẽ là yếu tố hạn chế đà giảm mạnh và khó có thể có nhiều tác động tăng giá lên ngô. Ngược lại, dự báo thời tiết cho thấy một lượng mưa lớn sẽ xuất hiện trong 1 tuần tới ở vùng Trung Tây, Mỹ sau thời gian khô hạn, giúp cải thiện chất lượng ngô ở đây. Nhìn chung, hạn hán thường sẽ dần bớt khắc nghiệt hơn kể từ nay cho đến khi kết thúc giai đoạn thu hoạch ngô Mỹ. Thông tin này sẽ là yếu tố bearish mạnh đến giá ngô, đặc biệt là các hợp đồng tháng xa. Càng gần đến ngày FND, áp lực bán để đóng vị thế mua của các quỹ sẽ càng lớn đặc biệt là sau những phiên hồi phục sẽ là cơ hội chốt lời hợp lí nên giá ngô có khả năng sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Giá ngô bật tăng vọt trong phiên nhưng lực bán ở vùng kĩ thuật 685 ngay sau đó đã khiến giá bị đẩy xuống, hạn chế đà tăng của giá. Chỉ báo MACD Histogram đang âm, RSI đang hướng xuống từ mức trung bình, và giá nằm dưới đường trung bình động 20 ngày cho thấy xu hướng giảm trong ngắn hạn đang được xác nhận. Mức hỗ trợ và kháng cự gần nhất lần lượt là 635, 686. Trong một vài phiên tới, giá có thể sẽ quay về quanh mức hỗ trợ 635.
Lúa mì đóng cửa tăng nhẹ 0.19%, lên mức 662.75 cent/giạ. Diễn biến trái chiều giữa hợp đồng tháng gần và tháng xa hơn cũng xảy ra đối với lúa mì. Chính sách giảm thuế của Nga sẽ khiến lúa mì Mỹ kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới và tạo tác động “bearish” với giá. Việc giá ngô vượt lên giá lúa mì đang khiến cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đang chuyển hướng quan tâm hơn đến lúa mì và hỗ trợ cho giá mặt hàng ngũ cốc này. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là thông tin tác động trong ngắn hạn do với các hợp đồng tháng xa giá lúa mì vẫn cao hơn đáng kể so với giá ngô.
Trên biểu đồ kĩ thuật, giá lúa mì đang ở dưới đường trung bình động 9 ngày, và giá bị đẩy xuống ngay khi chạm đường SMA 20 ngày cho thấy xu hướng giảm giá của mặt hàng này. Giá đang dao động trong dải dưới của Bollinger Bands và trong một vài phiên tới giá sẽ hướng tới biên dưới về vùng hỗ trợ ở mức 640.
Giá dầu sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư xanh
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm qua khi Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA cho thấy tồn kho dầu thô trong tuần 11/06 giảm mạnh hơn nhiều so với dự đoán của thị trường. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, dầu Brent tăng 0.54% lên 74.39 USD/thùng trong khi dầu WTI tăng không đáng kể 0.04% lên 72.15 USD/thùng do lo ngại lạm phát tăng lên sau cuộc họp chính sách tháng 6 của FED.
Giá dầu liên tục tăng trong thời gian qua bất chấp xu hướng chuyển đổi sang năng lượng xanh tại các nước phương Tây. Nguyên nhân là xu hưỡng gia tăng đầu tư vào các năng lượng tái tạo và cắt giảm đầu tư vào dầu khí tại châu Âu và Mỹ sẽ dẫn đến khả năng nguồn cung dầu sẽ không theo kịp nhu cầu tăng trưởng trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ OPEC và Công ty cung cấp thông tin năng lượng Platts, nhu cầu các sản phẩm dầu của thế giới sẽ tiếp tục gia tăng ở mức trong năm 2021 và duy trì ở mức 110 triệu thùng/ngày trong năm 2050. Trong khi đó, đầu tư vào dầu đá phiến của Mỹ ước tính sẽ liên tục giảm xuống mức trước đại dịch COVID-19 do áp lực từ cổ đông: các cổ đông yêu cầu công ty giảm bớt khoản đầu tư vào các giếng dầu để gia tăng chi trả cổ tức.
Bên cạnh đó, tính không ổn định của các loại năng lượng tái tạo khiến cho chúng không phải là lựa chọn hoàn hảo để thay thế dầu thô, ít nhất là ở thời điểm hiện tại: năng lượng mặt trời, năng lượng gió phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết: mưa gió, tuyết, thời gian chiếu sáng trong ngày của mặt trời,.. tất cả đều khiến cho sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo giảm mạnh. Như vậy dù là mùa đông hay mùa hè, năng lực của các loại năng lượng này đều bị hạn chế.
Như vậy, có thể thấy trong vài chục năm nữa, dầu thô vẫn sẽ là nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng chính trên thế giới. Việc thiếu hụt đầu tư vào ngành dầu khí khi các công ty đại chúng chuyển dịch sang đầu tư vào các năng lượng sạch chỉ có tác động thúc đẩy giá tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Giá dầu đang chịu áp lực do USD tăng lên sau cuộc họp của FED hôm qua. Tuy nhiên, các chỉ số kỹ thuật hướng lên gợi ý giá sẽ phục hồi. Giá có thể sẽ phục hồi ở mức 72.5 USD/thùng trong thời gian tới.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)