menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 18/1/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:58 18/01/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 18/1/2022.
Thời tiết ổn định hơn ở Argentina vẫn chưa thể là yếu tố “bearish" khiến ngô giảm sâu
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/01, giá ngô đã tạo gapdown nhẹ như diễn biến thường thấy của thị trường nông sản sau phiên nghỉ lễ. Nếu xem mức giảm này tương tự như phiên giảm nhẹ vào hôm qua thì cũng hoàn toàn hợp lí do dự báo cho thấy thời tiết đang dần ổn định ở Nam Mỹ trong tuần này. Tuy nhiên, ngô vẫn đang nằm trong khoảng biến động giằng co quanh vùng giá 600.
Tại Argentina, dự kiến trong tuần này lượng mưa đáng kể sẽ xuất hiện trở lại, xoa dịu nhiệt độ cao kỉ lục trong thời gian qua. Trong khi đó, dự báo cũng cho thấy thời tiết sẽ khô ráo trên khắp Brazil trong tuần này, tuy nhiên nửa phía nam sẽ nhận được nhiều mưa hơn. Nhìn chung, thời tiết, yếu tố đang là tâm điểm của thị trường nông sản, đang trở nên ổn định và hỗ trợ cây trồng hơn. Điều này cũng lý giải vì sao cả ngô lẫn đậu tương đều mở cửa với mức gapdown.
Tuy nhiên, lo ngại vẫn chưa bị xoá đi khi những cơn mưa sắp tới ở Argentina chỉ giúp thiệt hại không mở rộng thêm, nhưng cải thiện về chất lượng cây trồng sẽ không đáng kể. Nếu lượng mưa lớn chưa xuất hiện trở lại thì giá ngô sẽ khó có thể giảm sâu dưới mức hỗ trợ 580.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Số liệu xuất khẩu tích cực của Brazil sẽ gây áp lực mạnh đối với giá Arabica
Giá Robusta tiếp tục giảm nhẹ về 2218 USD/tấn trong phiên giao dịch đầu tuần. Trong phiên hôm nay, thị trường Arabica sẽ mở cửa trở lại, đồng thời thị trường Robusta cũng sẽ được hưởng lợi nhờ sự sôi động trong phiên tối.
Mới đây, Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil công bố số liệu xuất khẩu tháng 12 của nhà sản xuất cà phê đứng đầu thế giới. Brazil đã xuất khẩu 3.78 triệu bao, tuy thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại cao hơn 18% so với tháng 11. Đáng chú ý, khối lượng Arabica xuất khẩu tăng 22% so với tháng trước lên gần 3.2 triệu bao, cao nhất trong cả năm 2021.
Trái lại, khối lượng xuất khẩu Robusta giảm 40% về 131,056 bao, chỉ nhiều hơn mức thấp kỷ lục 33,000 bao của tháng 4. Số liệu xuất khẩu này của Brazil sẽ gây sức ép lớn đối với giá Arabica, bởi trái với những lo ngại trước đó, nguồn cung cà phê từ Brazil đang cho thấy dấu hiệu của sự ổn định khi tăng dần về cuối năm. Những tắc nghẽn của chuỗi cung ứng cũng đã phần nào giảm bớt, nên giá Arabica có thể sẽ chịu lực bán mạnh trong phiên hôm nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Thị trường đồng có thể chịu nhiều sức ép từ cả nguồn cung và nhu cầu của Trung Quốc
Giá đồng giằng co mạnh trong phiên hôm qua và đóng cửa ở mức 4.43 USD/pound, không thay đổi đáng kể so với phiên thứ sáu tuần trước.
Diễn biến giằng co vẫn duy trì tới sáng nay, tuy nhiên, lực mua đã yếu đi dần. Triển vọng tiêu thụ của đồng trong dài hạn và ngắn hạn đều không tích cực. Một mặt, giá vẫn chịu ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng kém của Trung Quốc, mặt khác, tồn kho đồng đang tăng lên bởi các nhà máy đã giảm dần công suất để bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện tại, các hoạt động sản xuất chủ yếu để hoàn thành các đơn hàng trước đó, còn các doanh nghiệp không tiến hành nhận thêm các đơn hàng mới.
Dưới góc độ chỉ báo hàng tồn kho, tính đến giữa tháng 1, tồn kho đồng trên các Sở LME, Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải và Sở COMEX đều cho thấy các dấu hiệu tích lũy, có thể gây bất lợi cho giá đồng. Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, tính tới ngày 14/1, dự trữ đồng rõ ràng của ba sàn giao dịch lớn trên thế giới đã tăng lên 187.000 tấn. Ngoài ra, tồn kho tại khu vực ngoại quan của Trung Quốc cũng lên hơn 160.000 tấn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Rủi ro địa chính trị nhiều khả năng sẽ đẩy giá dầu thô vượt đỉnh năm 2021 trong 1-2 phiên tới
Giá dầu tiếp tục tăng bất chấp lực mua suy yếu do phiên giao dịch ngắn ngày hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.54% lên 83.75 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0.55% lên 86.53 USD/thùng
Có thể nói rủi ro địa chính trị hiện tại là rủi ro lớn nhất để đẩy giá tiếp tục tăng trong bối cảnh hiện tại. Số lượng các xung đột chính trị trên thế giới vốn đã trong xu hướng giảm giai đoạn 2015-2020 thì đã tăng mạnh trở lại từ đầu năm 2021 và ngày càng trở nên căng thẳng. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) vốn đã luôn là “điểm nóng” với các tranh chấp biên giới và thực trạng kinh tế chênh lệch giữa các khu vực có và không có dầu mỏ.
Không nói đến các nước có sản lượng dầu cao như Saudi Arabia hay UAE, các khu vực còn lại như Yemen, Lebanon, Nigeria, Libya, Angola đều có nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm 2021, do dịch COVID-19 làm suy yếu nền kinh tế các khu vực này. Tình hình ngày càng trở nên trầm trọng hơn do MENA là khu vực có tỷ lệ phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu cao lên đến 40% gây ra tình trạng mất an toàn an ninh lương thực.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa 

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc