Đà tăng của đậu sẽ khó duy trì do yếu tố bất lợi của mùa vụ năm nay gần như đã hấp thụ hết vào giá
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, lực bán áp đảo bất ngờ trong phiên tối qua vẫn tiếp tục chiếm ưu thế, đẩy giá đậu tương giảm thêm khoảng 10 cents. Tuy nhiên, ảnh hưởng tích cực từ mức tăng chung của dầu thô và lúa mì đang giữ cho đậu tương duy trì diễn biến giằng co quanh mức tham chiếu.
Sau khi giảm mạnh dự báo sản lượng đậu tương Brazil trong báo cáo tháng 02, CONAB không có sự thay đổi nào quá lớn về con số này trong các số liệu mới nhất. Với mức sản lượng của Brazil năm nay được hầu hết các tổ chức đồng thuận về mức dao động trong khoảng 122 – 125 triệu tấn, giá đậu tương sẽ rất khó vượt lên được mức kháng cự tâm lý 1700 cents ở thời điểm hiện tại. Hơn thế nữa, chất lượng đậu tương của Argentina cũng được BAGE tăng từ 25% lên mức 30% tốt – tuyệt vời trong báo cáo rạng sáng nay, cũng góp phần hạn chế lực mua.
Về dài hạn, thị trường sẽ không còn quan tâm nhiều đến mùa vụ đậu tương của Nam Mỹ, khi phần lớn các vùng gieo trồng đã bước vào giai đoạn phát triển cuối cùng. Các yếu tố bất lợi của mùa vụ năm nay hầu hết đã hấp thụ hết vào giá, nên thời gian tới thị trường sẽ quan tâm nhiều hơn đến mùa vụ của Mỹ.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Đà giảm của giá Arabica có khả năng suy yếu khi gặp mức hỗ trợ tâm lý 220 cents
Kết thúc tuần vừa qua, thị trường cà phê chịu áp lực bán mạnh với giá cà phê Arabica trên Sở ICE US giảm 3.5% về lức 223.6 cents/pound, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU giảm 0.2% xuống còn 2087 USD/tấn.
Hiện tại, thị trường đang phải đối mặt với những lo ngại về triển vọng tiêu thụ do tình hình chiến tranh ở khu vực Đông Âu và lạm phát gây ra. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây đã tác động trực tiếp lên sức mua thực tế của người tiêu dùng, từ đó khiến cho những mặt hàng không mang tính thiết yếu như cà phê bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc giá của các nhiên liệu đầu vào tăng lên cũng sẽ khiến cà phê trở nên đắt đỏ, từ đó trở thành yếu tố tiềm ẩn tác động đến tâm lý của ngừoi tiêu dùng trong trung và dài hạn.
Hiện tại, mặt hàng Arabica vẫn đang đón nhận yếu tố hỗ trợ đến từ điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các khu vực gieo trồng cà phê của Brazil. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thông tin này chỉ có khả năng hỗ trợ giá giảm không quá sâu do thiệt hại chưa thực sự xảy ra mà vẫn đang lđược dự báo, do đó sẽ không tác động quá nhiều đến tâm lý của giới đầu tư trong thời gian này.
Xét đến yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đang bước vào vùng quá bán, giá đã phá vỡ mức hỗ trợ 225 cents. Trong phiên hôm nay, giá có khả năng sẽ dao động vùng hỗ trợ tâm lý 220 cents nhờ động thái bắt đáy của các quỹ đầu tư.
Đối với mặt hàng Robusta, giá trong phiên cuối tuần giằng co xung quanh mức tham chiếu do bị chi phối bởi những thông tin liên quan đến cung và cầu. Mặc dù giới đầu tư cho rằng nguồn cung Robusta có khả năng thâm hụt trong những tháng cuối năm, giá mặt hàng này vẫn chưa thể bứt phá do thị trường đang phải đối mặt với những lo ngại về lạm phát.
Hiện tại giá Robusta vẫn đang đi ngang ở khoảng dưới của dải Bollinger Bands, chỉ số RSI chưa bước vào vùng quá bán. Giá trong phiên hôm nay có khả năng tiếp tục giằng co xung quanh mức 2080 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
Các tin tức tích cực của Trung Quốc có thể hỗ trợ giá đồng test mức 4.8 USD
Giá đồng mở cửa “gap up” ngay trong sáng nay, nhờ sự hỗ trợ từ những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung và kỳ vọng vào sự cải thiện của nền kinh tế Trung Quốc.
Về phía nguồn cung, mặc dù tồn kho trên cả ba Sở lớn là Sở LME, Sở Thượng Hải và Sở COMEX đang cho thấy dấu hiệu tăng, tuy nhiên tổng mức dự trữ hiện chỉ đạt khoảng 250,000 tấn, tương đương với khoảng 4 ngày tiêu thụ của toàn thế giới. Đây vẫn là một mức tồn kho thấp đáng báo động. Ở Trung Quốc, các kho dự trữ tại các tỉnh lớn ghi nhận mức tăng 4,000 tấn trong tuần qua lên 139,300 tấn. Ngoài ra, Tổng cục Thống kê Quốc gia cũng mới công bố sản lượng kim loại màu (gồm đồng, nhôm, kẽm, thiếc và nicken) của nước này tăng lên 5.6 triệu tấn, cao hơn 3.1% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về triển vọng tiêu thụ, thị trường liên tiếp đón nhận các tin tức tích cực từ Trung Quốc. Thứ sáu tuần trước, Ngân hàng Trung ương (PBOC) đã cắt giảm mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thêm 25 điểm cơ bản. Đồng thời, nền kinh tế thứ hai thế giới cũng đạt mức tăng trưởng GDP 4.8% trong quý I/2022. Những tin tức tích cực này sẽ củng cố triển vọng tiêu thụ đối với kim loại đồng, bất chấp các biện pháp giãn cách dịch nghiêm ngặt. Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn kiên trì với mục tiêu “Không Covid” tuy nhiên, các nhà chức trách cũng cần đảm bảo tăng trưởng của nền kinh tế, mà đồng lại là nguyên liệu thiết yếu, nên nhu cầu tiêu thụ có thể vẫn duy trì trạng thái tăng trưởng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần lưu tâm tới sự sụt giảm của lĩnh vực đầu tư, với mức tăng trưởng giảm từ 12.2% xuống 9.3%.
Với những yếu tố kể trên, giá đồng có thể tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong dài hạn. Lăng kính kỹ thuật cho thấy giá đang đi ngang tuần thứ 4 liên tiếp trong biên độ từ 4.65 – 4.8 USD/pound. Giá đồng được kỳ vọng sẽ test lại mức kháng cự cứng 4.8 USD. Các nhà đầu tư nên mở vị thế mua ở mức 4.74 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.8 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Thị trường nhiều ẩn số, giá dầu sẽ còn biến động mạnh trong thời gian này
Giá dầu bật tăng trở lại trong tuần vừa rồi, khi thị trường lo ngại châu Âu sẽ gia tăng lệnh cấm vận lên ngành năng lượng Nga. Cụ thể, dầu WTI kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 8.84% lên 106.95 USD/thùng trong khi giá dầu Brent kỳ hạn tháng 6/2022 tăng 8.68% lên 111.7 USD/thùng trong tuần kết thúc ngày 15/04.
Giá dầu WTI vẫn đang giằng co quanh khoảng hẹp trong phiên sáng nay khi có các yếu tố đối lập trên thị trường. Thông tin quan trọng nhất tác động đến thị trường trong giai đoạn này chính là khả năng EU áp đặt các lệnh cấm vận lên ngành dầu thô của Nga. Mặc dù nếu được áp dụng, đây sẽ yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu tài lực của Nga trong cuộc chiến với Ukraine, tuy nhiên cái trả phải trả chính là giá năng lượng cao cho người tiêu dùng và cả lĩnh vực sản xuất, và nguy cơ đẩy các thành viên có độ phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga vào suy thoái. Thậm chí, ngay cả khi một dự thảo được đưa ra, cũng không chắc sẽ được áp dụng ngay lập tức và có nguy cơ lệnh thực tế sẽ bị hoãn lại, giống trường hợp cấm nhập khẩu than bị lùi sang tháng 8 để các nước có thể chuẩn bị dần nguồn cung thay thế. Trong năm 2021, khoảng ¼ nguồn cung dầu từ EU đến từ Nga và 50% khối lượng dầu thô của Nga được bán cho các nước EU trong khối OECD, do đó 2 bên có ảnh hưởng quan trọng đối với nhau và các quyết định sẽ không thể nhanh chóng được đưa ra. Phụ thuộc vào các phát biểu và định hướng trong tuần này, giá có thể sẽ xác lập xu hướng tăng mới. Ngược lại giá có thể
Về mặt kỹ thuật, giá đang giằng co ở vùng 107 USD/thùng. Nếu vượt qua được kháng cự này, giá có thể tiến tới vùng 110-112 USD/thùng trong 2-3 phiên tới. Ngược lại, giá nhiều khả năng sẽ quay trở về vùng giá 105-106 USD/thùng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV