Bài học nào cho các nhà đầu tư sau 2 phiên giao dịch hoảng hốt khiến giá ngô giảm sốc vừa qua?
Chỉ 2 phiên giao dịch với lực bán ồ ạt đã “thổi bay” mức tăng trong hơn 2 tuần của giá ngô. Tuy nhiên, phiên giao dịch đầu tuần với mức hồi phục 1.36%, đẩy giá ngô lên 652.75 cent/giạ đã giúp các nhà đầu tư phần nào bớt hoang mang về sự sụt giảm bất ngờ của mặt hàng ngũ cốc này.
Trong báo cáo Export Inspections mà Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào tối hôm qua, hơn 47 triệu tấn ngô đã được thông quan và xuất khẩu tính đến tuần này, cao hơn nhiều so với mức 26 triệu tấn cùng kì năm ngoài đã góp phần vào mức tăng của ngô. Tuy nhiên, giá các hợp đồng tháng xa hơn vẫn giảm cho thấy lo ngại về nhu cầu của ngô đang tăng cao hơn trong ngắn hạn, đặc biệt là khi mùa vụ ngô thứ 2 ở Brazil thu hoạch vào tháng 7 vẫn đang phải chịu hạn hán nặng nề.
Phiên phục hồi này đã cho thấy tâm lý ngắn hạn là chưa đủ để bẻ gãy xu hướng dài hạn khi thiếu đi thông tin cơ bản về cung – cầu. Sóng tăng đến từ lo ngại nguồn cung toàn cầu, trong khi nhịp giảm lại thiếu vắng thông tin tạo áp lực lên giá. Khi hạn hán vẫn còn tiếp diễn ở Brazil, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc vẫn tăng lên đồng nghĩa với việc các yếu tố then chốt vẫn được duy trì, yếu tố tâm lý khó có thể khiến thị trường đảo chiều. Câu chuyện kỳ vọng về giá ngô tăng trở lại vùng đỉnh năm 2008 khó có thể xảy ra nhưng trong ngắn hạn, giá ngô có khả năng đã quay về vùng cân bằng để có thể tích luỹ và trở lại xu hướng tăng.
Mở cửa sáng nay, giá hợp đồng ngô tháng 7 tiếp tục đà tăng, lên mức 662 cent/giạ. Giá ngô đang quay lại xu hướng tăng và hướng đến đường EMA 20. Có thể trong một vài phiên tới, giá ngô sẽ đạt tới mức 675.
Giá kim loại quý có khả năng biến động trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá các mặt hàng kim loại quý đồng loạt nối tiếp đà tăng của phiên giao dịch cuối tuần trước. Giá bạc tăng mạnh 2.7% và đóng cửa phiên ở mức 28.26 USD/ ounce, cao nhất kể từ cuối tháng 2 năm nay. Giá bạch kim tăng 1.4% lên mức 1244.2 USD/ ounce.
Sự bứt phá của nhóm kim loại quý được hỗ trợ rất nhiều từ sự suy yếu của đồng USD và sự dịch chuyển dòng tiền giữa các thị trường đầu tư. Nếu như trong tuần trước, phản ứng của giới đầu tư vẫn còn tích cực về tình hình lạm phát của Mỹ, đến tuần này, những lo lắng đã ngày một rõ ràng hơn. Đồng USD có phiên thứ 3 liên tiếp giảm, chỉ số Dollar Index giảm còn 90.2 trong phiên hôm qua. Thêm vào đó, những lo ngại về lạm phát không chỉ dừng lại ở Mỹ, khi chỉ số giá sản xuất PPI của các nước lớn như Nhật Bản và Trung Quốc đều có mức tăng nhanh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Áp lực lạm phát trên toàn cầu và sự phát triển quá nóng của các thị trường đầu tư mạo hiểm khiến cho dòng vốn dần chuyển sang các thị trường trú ẩn an toàn như bạc và bạch kim. Chỉ số S&P 500 của Mỹ hôm qua giảm 0.25%, đồng thời thị trường tiền điện tử cũng trải qua biến động mạnh khi đồng Bitcoin liên tục giảm từ 56,000 USD về ngưỡng 44,000 USD.
Các thông tin sản xuất cũng hỗ trợ rất tích cực cho đà tăng giá của bạc và bạch kim. Chỉ số sản xuất khu vực New York (Empire State Manufacturing Index) giảm xuống 24.3 điểm, mức giảm ít hơn so với dự đoán trước đó là 23.9.
Giá dầu thô tăng nhờ các nước châu Âu gỡ bỏ phong tỏa
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, dầu WTI tăng 1.38% lên 66.27 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 1.09% lên 69.46 USD/thùng do các nước châu Âu mở cửa trở lại thúc đẩy triển vọng lạc quan về tiêu thụ dầu thế giới thời gian tới.
Hôm qua nước Anh mở cửa trở lại sau 4 tháng phong tỏa nhờ tiến trình vaccine diễn ra thuận lợi. giúp cho khách sạn, nhà hàng,… quay lại kinh doanh. Bên cạnh đó Bồ Đào Nha và Hà Lan cũng mở cửa cho khách du lịch đến từ châu Âu. Nước Mỹ ghi nhận số hành khách tại sân bay đạt 1.85 triệu người – mức lớn nhất kể từ tháng 3/2020 và chỉ thấp hơn cùng kỳ 2019 khoảng 30%. Thông tin này củng cố triển vọng tiêu thụ năng lượng phục hồi tại các nền kinh tế lớn. Dự kiến mức tiêu thụ sẽ đạt mức cao nhất khi nước Mỹ tiến đến kỳ nghỉ hè.
Ở chiều ngược lại, tình hình COVID tại châu Á tiếp tục là nguyên nhân cản trở đà tăng. Singapore và Đài Loan ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất trong tháng khiến 2 nước này phải triển khai lại các biện pháp phong tỏa. Điều này có thể tác động tiêu cực đến giá dầu trong tuần này. Ngoài ra, tình hình dịch COVID bùng phát trở lại tại châu Á có thể cản trở nhu cầu du lịch nước ngoài của người Mỹ và châu Âu và tác động tiêu cực lên tiêu thụ năng lượng của các nước này.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)