menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 19/7/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:53 19/07/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 19/7/2021.
 
Nhóm đậu tương có thể sẽ không duy trì được mức tăng mạnh khi tạo gapup trong phiên mở cửa đầu tuần
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đã tạo gapup và vượt lên mốc kháng cự 1400 nhờ hỗ trợ từ đà tăng của dầu đậu tương và lo ngại về thời tiết gia tăng.
Dự báo cho thấy thời tiết khô và nóng sẽ quay trở lại trên khu vực Midwest trong tuần này và là yếu tố chính hỗ trợ cho giá đậu tương trong thời gian tới. Bên cạnh đó, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương trong tháng 6 của nước này đạt mức 10.72 triệu tấn, tăng 11.6% so với tháng 5. Ở Brazil, bất chấp điều kiện thời tiết kém thuận lợi, nông dân nước này dự kiến sẽ thu hoạch mức kỷ lục hơn 5 tỷ giạ đậu tương trong niên vụ này và tăng 9% so với năm ngoái.
Đậu tương hiện đang giằng co ở ngay mức 1400, giá đang gặp phải lực bán khi hướng tới chạm biên trên của Bollinger Bands.

Giá dầu đậu tương tăng trong sáng nay nhưng nhanh chóng bị đẩy về mức mở cửa khi cố vượt lên dải Bollinger Bands. RSI và MACD vẫn đang hướng lên, giá đã phá vỡ trendline giảm và tiếp tục đi lên cho thấy xu hướng tăng vẫn đang rất mạnh.

Giá khô đậu tương mở cửa sáng nay tạo gap up khá lớn, tuy nhiên lực bán đã tạo áp lực và khiến giá không còn duy trì được mức tăng mạnh. Động lực tăng giá của khô đậu vẫn còn vì giá vẫn còn cách khá xa đường trendline giảm.
 
Kịch bản nào cho thị trường Cà phê trong tuần này?
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá Cà phê trên hai sàn đồng loạt tăng giá. Giá Arabica tăng mạnh gần 7% lên 161.9 cents/pound. Đáng chú ý đây là mức tăng mạnh nhất kể trong vòng 6 tuần, đủ để đưa giá lên gần với mức cao nhất trong vòng 4.5 năm vào ngày 28/5 vừa qua. Giá Robusta có tuần thứ 4 liên tiếp đóng cửa với sắc xanh bằng mức tăng nhẹ 0.63% lên 1767 USD/tấn.
Sau thời gian giao dịch ảm đạm, tín hiệu tích cực đã quay trở lại với thị trường Arabica khi các nhà đầu tư tích cực mua vào với nỗ lực cân bằng lại đà tăng vượt trội của giá Robusta. Góc nhìn kỹ thuật cho thấy một kịch bản khá tích cự đối với giá Arabica, khi giá đang tạo thành mô hình “bull flag” (cờ chữ nhật tăng giá).

Ở thị trường Cà phê Robusta, thời tiết hiện tại ở khu vực Tây Nguyên khá lý tưởng và thuận lợi cho việc phát triển niên vụ Cà phê mới từ tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, Việt Nam đang trải qua giai đoạn bùng phát dịch rất căng thẳng, nhiều tỉnh thành phía Nam buộc phải giãn cách theo quy định của nhà nước. Bên cạnh đó, số ca nhiễm ở Indonesia cũng không ngừng gia tăng, và khiến cho nước này dẫn đầu về số ca tử vong mới trên thế giới.
Về mặt kỹ thuật, giá Robusta vẫn đang nằm trên một xu hướng tăng, và mục tiêu chốt lời vẫn ở mức 1818 USD/ounce (Fibonacci 1.618).
 
Triển vọng tiêu cực có thể mang lại cơ hội “lướt sóng” cho các nhà đầu tư kim loại quý trong tuần này
Thị trường kim loại quý kết thúc tuần với diễn biến trái chiều. Giá Bạc đóng cửa với sắc đỏ tuần thứ 2 liên tiếp bằng mức giảm 1.6% về 25.8 USD/ounce. Trái lại, giá Bạch kim tiếp tục duy trì được đà tăng, và đóng cửa ở mức 1109 USD/ounce.
Thị trường Bạc trải qua đợt tích lũy kéo dài hơn một tháng qua và kết thúc bằng một cú giảm mạnh thổi bay mọi nỗ lực của phe mua suốt thời gian trước đó. Đáng chú ý, đây là đợt tích lũy dài thứ hai trong năm nay, sau đợt 17/5 – 17/6 vừa qua. Nếu như trước đó, cả thị trường hứng chịu cơn bán tháo do tín hiệu thắt chặt của FED, thì cuối tuần vừa qua, chỉ Doanh số bán lẻ tháng 6 tăng cao hơn dự báo cũng đủ khiến cho giá Bạc bốc hơi 2.5%.
Ở thị trường Bạch kim, giá được hỗ trợ nhiều hơn, khi cuộc bạo động ở Nam Phi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, làm dấy lên nỗi lo thâm hụt nguồn cung Bạch kim trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh doanh số bán xe tăng và nhu cầu sử dụng năng lượng xanh trên thế giới ngày càng được đề cao.
Về mặt kỹ thuật, giá Bạc đang ở khu vực rất trọng yếu, khi mà giá đang test lại đường hỗ trợ cứng được hình thành từ cuối năm ngoái.

Đối với Bạch kim, giá quay đầu giảm ngay khi gặp cạnh trên của Bollinger band. Tuy nhiên giá vẫn được hỗ trợ bởi đường trendline.
 
Giá dầu chịu áp lực trước một loạt tin tiêu cực ngay phiên đầu tuần
Thị trường dầu thô liên tiếp đón nhận các thông tin tiêu cực trong đầu tuần, khiến cho giá dầu chịu áp lực lớn và khiến giá sáng hôm nay giảm ngay lập tức.
Mặc dù mức số tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày là không đủ để giảm thiểu thiếu hụt nguồn cung theo tính toán của 3 tổ chức lớn EIA, IEA và OPEC, tuy nhiên thông tin này đã “leak” từ đầu tháng và đã phản ánh gần hết vào giá, do đó không đủ ngăn đà giảm trong phiên sáng nay.
Trong khi đó, dịch COVID-19 lây lan rộng với các lệnh phong toả bắt đầu trở lại tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam,… có thể khiến cho nhu cầu giảm trong cuối năm, đặc biệt khi ngành hàng không bị ảnh hưởng mạnh do khả năng lây lan vi-rút cao. Các nhà khoa học cũng cảnh báo “Ngày Độc lập” hôm nay tại Anh có thể chuyển thành ngày mở đầu cho làn sóng COVID-19 thứ 3.
Giá dầu tiếp tục chịu áp lực giảm trong sáng ngày hôm nay khi nguồn cung tăng trong khi nhu cầu chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Bất chấp các nỗ lực phòng dịch tại Mỹ, các chuyên gia cảnh báo nước Mỹ vẫn đang đánh giá thấp khả năng lây lan của biến thể Delta và có khả năng dịch sẽ bùng phát trở lại. Một số Ngân hàng như ANZ đã hạ dự báo triển vọng giá dầu Brent trong ngắn hạn xuống còn 78 USD/thùng.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc