Giá đậu tương có khả năng sẽ hướng về hỗ trợ 1420 nếu như không xuất hiện thêm đơn hàng Daily Export Sales mới
Mở cửa phiên giao dịch ngày 19/09, giá đậu tương đang tiếp tục đà tăng từ tuần trước do triển vọng mùa vụ tại Mỹ thiệt hại nặng nề hơn nhiều so với dự kiến. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, thị trường hiện tại đã phản ánh những yếu tố “bullish” vừa qua, kết hợp với việc tác động từ thời tiết đến cây trồng đang ngày càng giảm dần khi gần đến giai đoạn thu hoạch, giá sẽ khó tiếp tục tăng mạnh trong vài tuần tháng 9 sắp tới và sẽ bước vào 1 nhịp điều chỉnh ngắn trong tuần này.
Argentina sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán hàng trong thời gian tới khi chính sách tỉ giá hối đoái của Chính phủ đang tạo ra nhiều lợi ích cho nông dân khi nhận về ngoại tệ. Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi áp dụng biện pháp này, khối lượng bán hàng đã đạt 15.1% trong tổng số 44 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 21/22. Điều này diễn ra ngay trước thời điểm thu họach và xuất khẩu cao điểm của Mỹ sẽ càng tạo áp lực cạnh tranh lên giá đậu tương CBOT.
Trong khi đó, nhu cầu từ quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới lại tiếp tục suy giảm. Theo báo cáo của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương trong tháng 8 đã giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Nguồn cung từ Brazil trong tháng 9 dự kiến vẫn sẽ chững lại, chỉ đạt khoảng 3.5 triệu tấn do sự sụt giảm sản lượng ở Brazil khiến nguồn cung xuất khẩu bị thắt chặt. Ngược lại, nhập khẩu đậu tương từ Argentina trong năm nay của Trung Quốc cũng sẽ được cải thiện, khi mà chính phủ Argentina đã tăng tỷ giá hối đoái dành cho nông dân để thúc đẩy doanh số bán hàng. Trong khi đó, nhập khẩu đậu tương từ Mỹ của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục duy khi bước vào giai đoạn thu hoạch vụ mới. Nhu cầu có xu hướng giảm xuống, trong khi cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ lại gia tăng sẽ củng cố lực bán đối với đậu tương trong phiên hôm nay.
Giá đường khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay do sự trái chiều của thông tin cơ bản
Sản lượng đường trên thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt trong niên vụ 22/23 khi hàng loạt các quốc gia cung ứng trên thế giới đang gặp vấn đề với nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, tai Brazil, việc mưa lớn kéo dài liên tục đang tàn phá các cành đồng mía đồng thời khiến việc thu hoạch vốn đang chậm tiến độ bị trì hoãn thêm. Tại Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự khi mưa lớn được dự báo vẫn tiếp diễn tại các cánh đồng mía và có nguy cơ hình thành lũ. Đây được xem là thông tin tiêu cực đối với sản lượng đường nhưng lại là thông tin tích cực đối với giá trong thời gian tới.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước đã nhập khẩu 680,000 tấn đường trong tháng 08, tăng 35.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đang cho thấy nhu cầu về đường tại quốc gia tỷ dân đang dần hồi phục sau thời gian sụt giảm mạnh do covid-19 quay lại. Với việc nới lỏng dần cách lệnh hạn chế do covid-19 tại Trung Quốc hiện nay, kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này được đẩy mạnh hơn nữa, từ đó hỗ trợ giá trong phiên hôm nay.
Tuy vậy, giá xăng và ethanol nội địa tại Brazil đang ở mức thấp sau hàng loạt những lệnh điều chỉnh hạ giá từ tập đoàn xăng dầu quốc gia và các chính hạ thuế của chính phủ, khả năng cao tiếp tục là nhân tố kìm hãm lực tăng của đường.
Đà phục hồi của giá đồng có thể sẽ diễn tiến chậm trong tuần này trước sức ép kinh tế vĩ mô
Kể từ đầu tháng 8 cho đến nay, giá đồng vẫn đang theo một xu hướng đi ngang chưa có sự bứt phá rõ rệt do lực cản từ các yếu tố vĩ mô. Nhiều khả năng trong tuần này, triển vọng phục hồi trong nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho đà tăng trở lại của giá đồng. Tuy nhiên, trước hàng loạt các tin tức vĩ mô quan trọng, thị trường đồng vẫn sẽ đối diện với sức ép và khó thoát khỏi vùng đi ngang.
Các nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý về cuộc họp lãi suất của Uỷ ban thị trường mở Liên bang (FOMC) diễn ra vào đêm 21/9, nơi mức tăng lãi suất mới sẽ chính thức được thông qua. Đồng thời, thị trường cũng sẽ mong đợi những quan điểm của các quan chức Fed trong tiến trình thắt chặt tiền tệ sắp tới. Trước thời điểm này, giá đồng có thể sẽ chịu áp lực khi các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ đồng Dollar Mỹ có tính thanh khoản và trú ẩn cao. Đồng bạc xanh mạnh lên sẽ gây áp lực lên chi phí nắm giữ vật chất.
Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, có khoảng 78% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản và số còn lại đặt cược vào mức tăng 100 điểm cơ bản. Mặc dù lạm phát tại Mỹ vẫn đang ở ngưỡng cao trên 8%, tuy nhiên dữ liệu này cũng đã hạ nhiệt trong 2 tháng gần đây. Do vậy, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này. Trong trường hợp trên, thị trường sẽ không quá bất ngờ và giá đồng có thể sẽ phục hồi trở lại sau tin tức.
Bên cạnh đó, với những dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc trong tháng 8 được công bố vào cuối tuần trước, sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ đồng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn vào giai đoạn cuối năm. Theo dữ liệu của SMM, lượng đồng tồn kho tại cảng vào thứ Sáu tuần trước ở mức 782,000 tấn, giảm 45,000 tấn so với tuần trước đó. Nguồn cung tại mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida vẫn đang nằm trong vùng rủi ro trong giai đoạn công đoàn chỉ đồng ý tạm thời trì hoãn cuộc đình công và chờ đợi các cuộc đàm phán với Tổng cục Lao động Quốc gia Chile và cơ quan quản lý khai thác mỏ Sernageomin. Giá đồng vẫn sẽ có động lực tăng giá trong trung hạn.
Giá dầu khả năng cao sẽ tiếp tuc chịu sức ép khi các yếu tố cơ bản và kỹ thuật đều đang tiêu cực
Giá dầu chịu sức ép trở lại bất chấp đà tăng trong khi mở cửa phiên, khi thị trường đối mặt với một bên là sức ép từ kháng cự mạnh và một bên là tín hiệu các nhận định tiêu cực từ tình của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc đã tích cực mở cửa, giải phóng cho Thành Đô sau 2 tuần phong tỏa được thị trường đón nhận tích cực và khiến cho giá dầu mở cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, với những nhận định của Goldman Sachs, rằng khả năng cao Trung Quốc sẽ giữ nguyên chính sách Zero-Covid cho đến hết quý II/2023 đã góp phần gây nên tâm lý tiêu cực trên thị trường. Thông thường, thành công của cuộc họp 5 năm một lần tại Trung Quốc đánh dấu sự củng cố quyền lực cho người đứng đầu, và vốn được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế trong cuối năm nay, giống như đầu tháng một số tin tức truyền thông kỳ vọng nước này sắp giảm thiểu chính sách Zero-Covid. Tuy nhiên, sự thành công của Chính sách Zero Covid-19 trong 3 năm qua tự nó đã đẩy các nhà lãnh đạo nước này vào thế khó, khiến họ khả năng cao sẽ phải vận dụng đến các biện pháp kích thích tài chính để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy vậy, với việc đã cung cấp hàng nghìn tỷ nhân dân tệ dưới dạng các khoản giảm thuế và chi phí y tế, xét nghiệm, theo Bloomberg hiện tại, tất cả 31 khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc, ngoại trừ Thượng Hải, đều ghi nhận thâm hụt ngân sách trong bảy tháng đầu năm và giá đất – một trong những nguồn thu lớn của địa phương – liên tục giảm, tác động của chính sách kích thích nền kinh tế sẽ không quá lớn. Kịch bản các thành phố liên tục luân phiên tình trạng “đóng, mở” vẫn sẽ là yếu tố gây sức ép cho giá dầu. Tiếp nối Saudi Arabia, Iraq cũng đã giảm giá bán chính thức dầu thô tháng 10 cho thị trường châu Á.
Nguồn:Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)