Đà tăng của giá đậu tương có khả năng sẽ bị chặn lại ở vùng kháng cự tâm lí 1500
Mở cửa phiên giao dịch ngày 21/09, giá đậu tương đang tiếp tục đà tăng theo diễn biến chung của nhóm nông sản sau thông tin căng thẳng giữa Nga – Ukraine đang leo thang trở lại. Năm nay là một năm đầy biến động với thị trường nông sản khi giá đậu tương giảm xuống mức thấp nhất năm vào cuối tháng 7 nhưng hiện đã đảo chiều và quay trở lại vùng đỉnh cũ. Đây đang là giai đoạn mà thị trường đang xác định lại cơ cấu cung – cầu khi yếu tố mùa vụ sẽ không chỉ còn phụ thuộc vào Mỹ nữa. Vậy thì đâu là những yếu tố sẽ ảnh hưởng lên giá đậu tương trong giai đoạn vài tháng tới?
Thông tin đang khiến cả thị trường nông sản và năng lượng bất ngờ tăng vọt là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang một lần nữa dậy sóng trở lại. Trước đó, tổng thống Putin cho biết sẽ xem xét để giới hạn các nước được nhận ngũ cốc của Ukraine. Điều này khiến cho lo ngại nguồn cung nông sản từ Biển Đen sẽ lại gián đoạn như giai đoạn vài tháng qua. Đậu tương không phải là mặt hàng xuất khẩu chính của của Ukraine mà mặt hàng thay thế là hạt hướng dương mới chính là yếu tố gián tiếp thúc đẩy giá. Tuy nhiên, theo đánh gía của chúng tôi, trong bối cảnh nguồn cung dầu thực vật vẫn nới lỏng do các chính sách thúc đẩy xuất khẩu dầu cọ của Indonesia thì tác động từ cuộc chiến này đối với giá đậu tương sẽ không kéo dài như ngô hay lúa mì, tương tự với giai đoạn khi chiến tranh bắt đầu vào cuối tháng 2.
Trong khi năng suất thực tế mùa vụ đậu tương năm nay của Mỹ vẫn sẽ chủ đề tranh luận trong báo cáo Cung – cầu sắp tới, nhưng điều kiện gieo trồng và sản xuất ở Nam Mỹ cũng đang dần trở nên quan trọng trong việc đánh giá triển vọng tiếp theo của giá. Mức giá cao có thể sẽ dẫn đến việc nông dân đẩy mạnh gieo trồng cho mùa vụ tới. Trong kịch bản thời tiết không quá tệ thì nguồn cung ở Nam Mỹ nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh.
Giá Arabica khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay trước diễn biến trái chiều của thông tin cơ bản
Kết thúc phiên giao dịch 20/09, giá 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự khởi sắc. Trong đó, Arabica ghi nhận mức tăng mạnh gần 2% khi sản lượng trong năm 2022 tại Brazil được dự đoán sụt giảm 3.3 triệu bao. Robusta cũng đạt mức tăng 1.57% khi đồng Real tăng, hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil.
Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US quay lại đà giảm mạnh 156,930 bao loại 60kg, tương đương mức giảm hơn 23% kể từ đầu tháng 09 đến nay. Đẩy lượng tồn kho hiện tại về mức 515,064 bao, mức thấp nhất trong vòng hơn 23 năm qua.
Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil đã cắt giảm dự đoán sản lượng Arabica tại Brazil trong năm 2022 xuống còn 32.41 triệu bao, thấp hơn khoảng 3.3 triệu báo so với báo cáo hồi tháng 05. Thêm vào đó, cơ quan này cũng cho biết lượng xuất khẩu cà phê trong 08 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 26.7 triệu bao, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây không được xem là thông tin quá bất ngờ với thi trường do những lo ngại về nguồn cung đã được thị trường phản ứng với những thông tin về thời tiết và dự báo giảm sản lượng trước đó của các hãng tin khác. Nhưng cũng đủ để làm bước đêm khiến bước đệm khiến nông dân Brazil hạn chế lực bán, đẩy giá có nhịp hồi phục trước khi bắt đầu đà suy yếu mới do thời tiết dần tốt hơn đối với sự phát triển cây cà phê tại các quốc gia cung ứng chính trên thế giới.
Bên cạnh đó, thị trường đang dồn trọng tâm vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) vào đêm nay, với kỳ vọng tổ chức này sẽ quyết định mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Điều này dự kiến sẽ giúp đồng Dollar Mỹ nối tiếp đà tăng từ phiên sáng, từ đó thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil đồng thời kìm hãm đà tăng do lo ngại nguồn cung.
Giá đồng sẽ tiếp tục giằng co trước thềm diễn ra cuộc họp của Fed
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá đồng đang lấy lại đà phục hồi, tuy nhiên biên độ dao động tương đối hẹp cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước thềm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào đêm nay. Xu hướng giá có thể sẽ rõ ràng hơn về cuối phiên sau khi cuộc họp kết thúc.
Tâm điểm của thị trường vẫn sẽ hướng về cuộc họp lãi suất của Fed vào đêm nay. Theo công cụ theo dõi Fed Watch của CME Group, hiện có tới 84% ý kiến cho rằng 75 điểm cơ bản sẽ được bổ sung. Gần như chắc chắn Fed sẽ thực hiện điều này và với kịch bản đó, thị trường sẽ không quá bất ngờ. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang có xu hướng tháo chạy khỏi các thị trường rủi ro như chứng khoán, và nhu cầu nắm giữ Dollar Mỹ vẫn đang ở mức cao. Điều này là do tâm lý của các nhà đầu tư đang dần chuyển hướng sang việc liệu Fed sẽ tăng lãi suất đến mức nào trong năm nay và sẽ duy trì điều đó ra sao.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch cũng đang cho thấy những ý kiến trái chiều rằng Fed có thể tiếp tục một đợt tăng nữa vào tháng 11 và đưa lãi suất lên khoảng 4%. Có thể thấy rằng, mặc dù mức tăng lãi suất trong đêm nay không quá bất ngờ, nhưng việc các nhà đầu tư vẫn đang lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục mạnh tay kiềm chế lạm phát nhiều khả năng vẫn khiến cho giá đồng gặp nhiều bất lợi.
Tuy nhiên, thị trường đồng vẫn đang đón nhận tin tức tích cực hơn từ Chính phủ Trung Quốc khi Trung tâm thương mại Thượng Hải đã công bố 8 dự án cơ sở hạ tầng với tổng số vốn đầu tư 1.8 nghìn tỷ nhân dân tệ (257 tỷ Dollar Mỹ) sẽ được tiến hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng sau khi địa phương này chịu những tổn thất nặng nề do dịch bệnh. Các dự án bao gồm quá trình xây dựng trung tâm giao thông, đường sắt đô thị, cải tạo nhà ở, và đẩy mạnh các dự án năng lượng gió ngoài khơi. Đây đều là những ngành tiêu tốn một lượng đồng lớn và do đó, sẽ là yếu tố tích cực đối với giá đồng trong giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã tuyên bố điều động quân sự một phần tại Nga, làm gia tăng thêm những căng thẳng địa chính trị tại khu vực này. Giá dầu đã tăng mạnh sau thông tin này và có thể sẽ kéo theo đà tăng của các mặt hàng trong nhóm kim loại khi chi phí sản xuất gia tăng.
Bất ổn địa chính trị quay trở lại tâm điểm thị trường, giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng
Giá dầu tăng mạnh trở lại trong chiều nay, khi tin tức mới về diễn biến của căng thẳng Nga – Ukraine đang làm gia tăng lực mua trên thị trường, áp đảo lo ngại về việc Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tối.
Sau một thời gian chịu tổn thất tại Ukraine, và cuộc chiến sắp bước vào mùa đông đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt trong tháng 2, mới đây Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh huy động một phần quân đội sang Ukraine, lần đầu tiên kể từ thế chiến II. Hành động này đã thể hiện rõ quyết tâm của Nga trong việc giành chiến thắng tại Ukraine. Theo Reuters, Nga có thể huy động gần 300,000 quân, với động lực giành lợi thế trước khi mùa đông đến và có thể đem đến các bất lợi về mặt địa hình. Do vậy, tình hình chiến sự có thể sẽ còn tiếp tục leo thang.
Gia tăng gây hấn từ Nga có thể khiến cho các nước phương Tây quyết tâm hơn trong việc áp đặt các lệnh cấm vận, nhất là khi các nghị sĩ Mỹ sáng nay cũng đang nghiên cứu khả năng thiết lệnh các trừng phạt thứ cấp lên dầu Nga. Điều này đồng nghĩa với việc tìm cách ngăn chặn các quốc gia trộn dầu của Nga để che giấu xuất xứ, cũng như buộc các ngân hàng và các tổ chức tài chính không được bảo hiểm và môi giới xăng dầu Nga với mức trên trần giá. Điều này về lý thuyết sẽ làm giảm giá dầu và làm giảm nguồn thu của Nga,nhưng thực chất, lại có thể khiến nguồn cung sụt giảm, đặc biệt nếu Nga quyết định trả đũa, giống trường hợp Nga sẵn sàng đốt bỏ khí tự nhiên dư thừa thay vì bán cho châu Âu.
Như vậy, rủi ro địa chính trị, mà cả 3 tổ chức EIA, IEA, OPEC cảnh báo, một lần nữa quay trở lại thị trường, và có thể đẩy giá quay trở lại đà tăng.
Ngày hôm nay, giá khả năng cao sẽ tiếp tục biến động mạnh, khi thị trường giằng co với 1 bên là tin tức Nga – Ukraine, một bên là cuộc họp Fed. Vẫn chưa rõ Fed sẽ đưa ra nhận định như thế nào về tình hình kinh tế Mỹ giai đoạn tới, cũng như lộ trình tăng lãi suất dự kiến. Hiện tại cũng không có điểm vào phù hợp. Các nhà đầu tư nên quan sát để tránh rủi ro trong phiên hôm nay.
Nguồn:MXV (Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam)