menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 22/7/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:06 22/07/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 22/7/2021.
Bán hàng đậu tương được dự đoán sẽ giảm mạnh so với năm ngoái trong báo cáo Export Sales tối nay
Đậu tương trải qua một phiên giao dịch với biên độ hẹp, giằng co mạnh nhưng lực bán vẫn có phần chiếm ưu thế hơn và đang kéo dài sang phiên mở cửa sáng nay. Giá đậu tương đang giảm về mức hỗ trợ kĩ thuật của nền đi ngang quanh 1370. Trong những nỗ lực phá vỡ kháng cự 1400 ở những phiên gần đây, đậu tương liên tục bị đẩy về mức giá này và trong phiên hôm nay, nếu giá tiếp tục giữ được vùng hỗ trợ này thì có khả năng trong những phiên tới, tâm lí bán trên thị trường sẽ giảm dần và giá có thể bước vào nhịp tăng ngắn hạn mới.
Trước Báo cáo Xuất khẩu – Export Sales sẽ được USDA phát hành vào lúc 19:30 tối nay, các nhà phân tích kỳ vọng doanh số bán hàng đậu tương niên vụ 2020/21 trong tuần kết thúc ngày 15/07 sẽ ở dưới mức 200,000 tấn, giảm mạnh so với mức 365,200 tấn của cùng kì năm ngoái. Mức bán hàng chậm hơn do Trung Quốc đang có xu hướng giảm tốc độ nhập khẩu và chuyển sang mua hàng của các nước Nam Mỹ nhiều hơn trong thời gian gần đây. Điều này cũng khiến cho giá đậu tương khó có thể đảo chiều và tăng trở lại trong phiên tối.
 
Thị trường Cà phê có thể gặp áp lực chốt lời trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 20/7, giá Cà phê trên hai sàn tiếp tục thăng hoa. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 trên Sở ICE US tiếp tục tăng mạnh 5.5% lên 176 cents/pound, tương đương với mức 3880 USD/tấn, giá Robuta cùng kỳ hạn trên sở ICE EU tăng 1% lên 1779 USD/tấn.
Những tin tức về sương giá tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho sự bứt phá gần đây của Cà phê Arabica. Chỉ trong vòng 2 phiên, giá đã tăng hơn 12%, tương đương với mức gần 460 USD/tấn. Đà tăng mạnh mẽ này kéo theo cả giá Cà phê Robusta cũng tăng, tuy nhiên mức tăng hạn chế hơn rất nhiều lần khi giá đóng cửa hôm qua chỉ tăng hơn 2.6%, khoảng 46 USD, so với hai phiên trước đó. Theo Safras & Mercado, khoảng 20% số lượng cây Cà phê ở miền Nam Bang Minas Gerais đã bị ảnh hưởng bởi sương giá. Mức độ thiệt hại chi tiết đối với sản lượng cho niên vụ tiếp theo vẫn đang được đánh giá, tuy nhiên, tác động của đợt sương giá này được dự báo rất nghiêm trọng do rất nhiều cây mới trồng bị chết yểu.
Bên cạnh đó, sản lượng cà phê Arabica năm nay vốn đã không cao, do rơi vào năm thấp trong chu kì hai năm một, có thể tiếp tục giảm sâu, dưới ảnh hưởng của điều kiện lạnh giá khắc nghiệt.

Kịch bản tương tự cũng có thể diễn ra khi giá Robusta đang tiến gần hơn tới mốc 1800 USD/tấn. Giá có thể gặp áp lực bán ở vùng này và đóng cửa ngay cạnh dưới cạnh trên của Bollinger Band, khoảng 1785 – 1788 USD/tấn.
 
Xu hướng giảm có thể vẫn duy trì ở thị trường kim loại quý
Đóng cửa phiên giao dịch 21/7, sắc xanh đã quay trở lại với thị trường kim loại quý khi cả Bạc và Bạch kim đồng loạt tăng khoảng 1%. Giá Bạc tăng lên 25.26 USD/ounce, giá Bạch kim kết thúc phiên ở mức 1076 USD/ounce.
Sự suy yếu của đồng USD trong phiên hôm qua chính là yếu tố chính hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường kim loại quý. Tuy nhiên, khả năng cao đây chỉ là một nhịp điều chỉnh tăng với giá Bạc và Bạch kim, sau ba phiên giảm mạnh liên tiếp. Tín hiệu tích cực vẫn chưa quay trở lại với thị trường kim loại quý.
Tuần này không có quá nhiều tin tức cơ bản ngoài số liệu việc làm được công bố vào tối nay. Nếu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp tục giảm, đồng USD có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh và gây sức ép lên giá của các mặt hàng kim loại quý.
Từ góc nhìn kỹ thuật, giá Bạc đang test lại đường kháng cự (đường hỗ trợ cũ trước đây). Giá hiện quay đầu giảm bất chấp việc đồng USD cũng suy yếu nhẹ trong sáng nay. Có thể thấy, tâm lý thị trường hiện nay đã thiên hẳn về “bearish” và các nhà đầu tư chỉ đang đợi cơ hội canh bán.

Ở thị trường Bạch kim, xu hướng giảm được hình thành rõ ràng hơn, khi giá liên tục thất bại trong việc vượt lên đường hỗ trợ trên khung tuần, và đà giảm đã xuống tới mức Fibonacci 61.8. Xu hướng đi ngang trong biên độ 1050 – 1120 USD/ounce đang được hình thành và có thể duy trì đến hết tuần này.
 
Giá dầu duy trì khoảng giao dịch trên 70 USD/thùng
Giá dầu bật tăng mạnh mẽ trong phiên ngày hôm qua khi các thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ tâm lý trên các thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI tăng 4.61% lên 70.3 USD/thùng, Brent tăng 4.16% lên 71.63 USD/thùng, lấy lại cột mốc 70 USD/thùng sau 2 phiên.
Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 2.1 triệu thùng, ngược lại so với kỳ vọng giảm 4.5 triệu thùng/ngày của thị trường, tuy nhiên vẫn đang ở mức thấp trong trung bình 5 năm. Ngoài ra, lượng tồn kho tăng lên cũng được lý giải phần nào khi nhập khẩu dầu thô của Mỹ tuần vừa rồi tăng lên 7.1 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong từ tháng 7/2020, khi giá WTI tăng lên cao khiến các nhà máy lọc dầu chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác, khi mà tỷ suất lợi nhuận vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với các năm trước.
Bên cạnh đó, sản lượng cung cấp các mặt hàng dầu (Products supplied) tuần vừa rồi vẫn đạt 20.6 triệu thùng, cao hơn so với cùng kỳ 2019 khi COVID-19 chưa tác động, cho thấy về căn bản, tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ đã gần quay về mức bình thường. Tiêu thụ xăng lẫn nhiên liệu chưng cất đều tăng trong hè năm nay, khi người dân Mỹ gia tăng đi lại do tỷ lệ vắc-xin COVID-19 cao thúc đẩy hoạt động di chuyển. Trong khi đó, nắng nóng bất thường cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử làm gia tăng mức sử dụng nhiên liệu chưng cất trong máy phát điện và xe tải.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc