menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 24/5/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:19 24/05/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 24/5/2021.
 
Khi giá tăng cao, thị trường với thông tin trầm lắng cũng trở thành yếu tố “bearish”
Thị trường hàng hoá đã trải qua 1 tuần đầy sóng gió do ảnh hưởng từ cú lao dốc thảm hại của các đồng tiền điện tử. Các mặt hàng nông sản cũng chịu áp lực bán tháo mạnh mẽ khi kết tuần, cả lúa mì và nhóm đậu tương đều giảm hơn 3%. Ngô là mặt hàng duy nhất đi ngược lại với xu hướng thị trường với mức tăng 2.45% so với tuần trước đó.
Giá ngô có thể sẽ giảm nếu thiếu vắng đơn hàng mới bán cho Trung Quốc
Đóng cửa cuối tuần, giá ngô tăng lên mức 659.5 cent/giạ. Yếu tố lớn nhất đóng góp vào mức tăng của ngô chính là việc Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ nhập khẩu trong thời gian gần đây, cho thấy triển vọng về nhu cầu ngô khổng lồ của thế giới vẫn đang được duy trì.
Hiện tại, các yếu tố nguồn cung như tiến độ gieo trồng tại Mỹ bị chậm hơn so với dự đoán của thị trường hay thời tiết khô hạn kéo dài ở Brazil gần như đã được phản ảnh vào quá trình tăng giá trong gần 2 tháng trước đó của ngô. Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc vẫn là động lực chính cho sự tăng giá của mặt hàng ngũ cốc này. Tuần tới, với bối cảnh dòng tiền từ giới đầu cơ sẽ thận trọng hơn sau tuần biến động vừa qua, giá ngô có khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời nếu tiếp tục thiếu vắng những thông tin cơ bản thúc đẩy sự kỳ vọng của thị trường. Bất cứ thông tin nào cho thấy chất lượng mùa vụ được cải thiện mặc dù không quá lớn nhưng cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến giá ngô.
Những yếu tố cơ bản cần quan tâm cho xu hướng dài hạn của giá ngô
Diễn biến giá hàng hóa cụ thể là giá ngô giai đoạn này được giới phân tích cho là có nhiều điểm tương đồng với thời kỳ 2010-2011 khi kinh tế hồi phục sau khủng hoảng. Giá ngô đã cho thấy rủi ro khi mức phục hồi tuần này không đáng kể so với tuần giảm rất mạnh trước đó. Diễn biến giá ngô 2 tuần vừa rồi đặt ra câu hỏi liệu tâm lý chốt lời ngắn hạn có phải là dấu hiệu bắt đầu cho sự đảo chiều dài hạn hay không. Nhìn lại những giai đoạn tăng nóng trong lịch sử, ngô cũng phải mất vài tuần để điều chỉnh trên một nền giá rồi mới quay đầu. Chính vì thế, vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định chu kỳ tăng giá của ngô đã thoái trào. Tuy nhiên có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất là dư địa tăng giá của ngô Mỹ có khả năng vẫn còn hấp dẫn với giới đầu cơ dựa vào những số liệu trong báo cáo Cung – cầu tháng 5 của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA). Nếu năng suất ngô Mỹ niên vụ mới bị điều chỉnh thấp hơn do ảnh hưởng của hạn hán thì mức tồn kho ngô sẽ giảm mạnh bất chấp diện tích gieo trồng đã tăng lên. Thứ hai, mức sản lượng 100 triệu tấn của Brazil trong niên vụ 2020/21 mà USDA đưa ra liệu có quá lạc quan về những thiệt hại mà thời tiết gây ra cho mùa vụ ngô thứ 2 của nước này hay không? Hiện tại, giới phân tích vẫn đang có nhiều dự đoán trái chiều về con số này.
Mở cửa phiên đầu tuần, ngô đã tạo gapdown và tiếp tục giảm nhẹ về vùng giá 650. Giá vẫn đang dao động trên nền tích luỹ và các chỉ báo vẫn chưa cho tín hiệu rõ rệt nên giá ngô sẽ khó có thể tăng mạnh trong vài phiên tới. Ngô có thể sẽ giảm về vùng hỗ trợ quanh mức 630.

Nhóm đậu tương vẫn đang trong xu hướng giảm
Giá đậu tương trải qua 5 phiên giảm liên tiếp và kết tuần giảm mạnh gần 4% về mức 1526.25 cent/giạ do áp lực từ doanh số bán hàng thấp hơn do nhu cầu từ Trung Quốc giảm xuống. Trong khi đó, ở Brazil, sản lượng đậu tương được dự báo là sẽ tăng lên cũng giảm bớt lo ngại về nguồn cung.
Ở Argentina, cuộc đình công của công nhân cảng đã phần nào hạn chế đà giảm của giá, tuy nhiên nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài gây ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu thì sẽ có tác động đáng kể lên giá đậu tương trong tuần này.
Giá đậu tương mở cửa tuần mới vẫn duy trì xu hướng giảm. Đứng ở góc nhìn kĩ thuật, các chỉ báo vẫn chưa cho tín hiệu đảo chiều nên trong ngắn hạn, đậu tương có thể sẽ về lại vùng hỗ trợ tâm lí 1500.

Dầu cọ Malaysia đã kéo dài phiên giảm thứ 3 liên tiếp vào thứ 6 do kỳ vọng nhu cầu ở châu Á suy giảm trong bối cảnh các đợt đóng cửa mới vì Covid quay trở lại và mức sản xuất cao hơn, kéo theo giá dầu đậu tương kết tuần cũng giảm 3.1% về mức 65.49 cent/pound.
Khoảng cách thu hẹp với giá ngô sẽ là yếu tố hỗ trợ lúa mì
Lúa mì nối dài chuỗi giảm giá khi đóng cửa tuần tiếp tục giảm mạnh 4.67% về mức 674.25 cent/giạ. Thời tiết khô hạn tại các vùng gieo trồng vụ xuân ở Canada đã là yếu tố hạn chế đà giảm mạnh của lúa mì trong tuần vừa qua. Trong bối cảnh giá ngô tăng lên, khoảng cách được thu hẹp giữa 2 mặt hàng ngũ cốc có thể thay thế nhau trong sản xuất thức ăn chăn nuôi này sẽ là yếu tố giúp giá lúa mì có thể hồi phục nhẹ trong tuần này. Ngoài ra, lực mua kĩ thuật ở vùng 660 cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá.
Giá Xăng Dầu có thể vẫn còn tăng trong thời gian tới
Giá các mặt hàng trong nhóm năng lượng đồng loạt giảm trong tuần vừa rồi, trong đó giá mặt hàng Dầu thô giảm mạnh nhất, gần 3% so với tuần trước đó.
Tỷ suất lợi nhuận từ việc sản xuất Xăng đã tăng lên mức kỷ lục 24 USD/thùng – gấp 2.5 lần so với đầu năm - đang thúc đẩy các nhà máy lọc dầu gia tăng sản lượng. Điều này đang hỗ trợ tiêu thụ Dầu thô do đây là nhiên liệu đầu vào chủ yếu của các loại nhiên liệu. Nhu cầu đi lại dự kiến đang tăng trở lại khi nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ hè và có khả năng vượt qua mức trước đại dịch do nhu cầu di chuyển bị dồn nén được giải phóng. Kết hợp với tồn kho xăng liên tục giảm, dự kiến giá Xăng Dầu tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng và có khả năng vượt mức 70 USD/thùng vào tháng 6,7 khi tiêu thụ năng lượng đạt đỉnh.

Bên cạnh đó tiến trình triển khai văc-xin đang được đẩy nhanh có thể giúp các nước đang phát triển phục hồi nhu cầu nhiên liệu sớm hơn dự kiến khi các quốc gia lớn tham gia vào công cuộc “ngoại giao văc-xin”. EU vừa tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ euro vào các khu sản xuất tại châu Phi và Mỹ đã bắt đầu xuất khẩu văc-xin Pfizer cho các nước Mỹ Latinh trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc. Từ đầu năm đến giờ, Trung Quốc được cho là đã gửi 270 triệu liều văc-xin cho 80 quốc gia trên thế giới.
Giá Khí tự nhiên cũng giảm khi thời tiết tại Mỹ chưa thực sự nóng lên dù sắp vào hè khiến nhu cầu sử dụng khí đốt cho hệ thống điều hòa không tăng. Kết hợp với tồn kho liên tục tăng từ đầu tháng 4, khả năng cao giá sẽ chưa tăng lại trong tuần này.
Bên cạnh các báo cáo năng lượng hàng tuần từ EIA, các nhà đầu tư nên chú ý đến tiến triển đàm phán gỡ bỏ xuất khẩu dầu của Iran và Mỹ. Nếu Mỹ đưa ra thông báo chính thức về kết quả cuộc gặp, giá Dầu WTI có thể tiếp tục bị đẩy xuống vùng 62 USD/thùng.
Về mặt kỹ thuật, giá đang test lại mức 64.3 USD/thùng và đường MACD hướng lên trên gợi ý giá có thể vượt qua ngưỡng này trong hôm nay.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc