menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 27/8/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:11 27/08/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 27/8/2021.
Lúa mì Mỹ liệu có đang trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới?
Lúa mì kết thúc phiên hôm qua lại tiếp tục tăng mạnh và đi ngược lại với diễn biến của 2 mặt hàng ngũ cốc còn lại là ngô và đậu tương. Điều này phần nào cũng cho thấy lúa mì đang ngày càng hấp dẫn với giới đầu tư khi các yếu tố liên quan đến cung-cầu có những thay đổi đáng kể hơn.
Mưa lớn được dự báo sẽ xuất hiện ở khu vực đồng bằng phía Bắc nước Mỹ trong cuối tuần này, không những làm trì hoãn giai đoạn lúa mì mùa xuân đang được thu hoạch mà còn làm ảnh hưởng tới chất lượng hạt sau đó. Đây là yếu tố “bullish” đối với giá lúa mì.
Trong báo cáo Export Sales tối qua, doanh số bán hàng lúa mì trong tuần chỉ đạt mức 116,000 tấn, giảm mạnh so với những tuần trước đó. Trong khi giá lúa mì đã giảm khá mạnh trong tuần vừa qua và các nước nhập khẩu liên tục mở các cuộc đấu thầu mua hàng. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy lúa mì Mỹ đang trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới do đồng USD tăng cao và chi phí vận tải đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, thông tin này sẽ chỉ tạo áp lực lên giá trong ngắn hạn.
Khánh Linh
 
Đà tăng của thị trường cà phê tiềm ẩn nhiều rủi ro
Các nhà đầu tư cà phê vừa có một phiên giao dịch hứng khởi và giúp cho sắc xanh duy trên thị trường phiên thứ 4 liên tiếp. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 0.9% lên 188 cents/pound, đồng thời, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 cũng đóng cửa với mức tăng 1% lên 1994 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 4 năm. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 52% chiết khấu cho giá Robusta.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá Robusta đã liên tiếp hai lần hướng tới mốc 2000 USD/tấn. Đà tăng lần này vẫn xuất phát từ những khó khăn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu do giá cước vận chuyển leo thang và thiếu hụt container. Bên cạnh đó, dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở Việt Nam và Indonesia cũng là một yếu tố hỗ trợ cho đà tăng lần này của giá.
Đối với giá cà phê Arabica, dự báo cho biết nhiều khả năng ở miền Nam Brazil sẽ xuất hiện mưa trong tuần tới. Đây có thể là một yếu tố cản trở lực mua trong những phiên kế tiếp.
Có thể thấy, đà tăng lần này của thị trường cà phê được ủng hộ bởi các rủi ro liên quan tới nguồn cung, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới có thể không tăng mạnh, khi dịch bệnh vẫn khiến cho các hàng quán phải đóng cửa. Do đó, giá trong phiên hôm nay có thể sớm gặp phải áp lực chốt lời.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần để ý đến các tin tức về nội dung cuộc họp Jackson Hole vào hôm nay. Nếu đồng USD tăng mạnh, giá cả hai mặt hàng cà phê cũng sẽ chịu nhiều sức ép.
Tiên Phạm
 
Các nhà đầu tư kim loại “nín thở” chờ nội dung cuộc họp Jackson Hole
Kết thúc phiên giao dịch 26/8, các mặt hàng kim loại tiếp tục suy yếu. Giá Bạc giảm gần 1% xuống 23.55 USD/ounce, giá Bạch kim đóng cửa với mức giảm 1.8% còn 975.5 USD/ounce.
Sự tăng giá của đồng USD vẫn là yếu tố gây áp lực lên giá của cả hai mặt hàng kim loại quý. Các quan chức của FED như James Bullard, Rober Kaplan (Chủ tịch Fed Dallas) và Estrher George (Chủ tịch FED Kansas) đều đưa ra các phát biểu mang tính ủng hộ cho việc thắt chặt các chính sách tiền tệ ngay trong năm nay, khiến cho các nhà đầu tư kim loại quý mất đi động lực mua vào.
Hiện nay, cả thị trường đều đón chờ nội dung bài phát biểu của chủ tịch FED Jerome Powell trong cuộc họp Jackson Hole vào 10 giờ tối nay, nhằm tìm kiếm những tin tức liên quan đến chính sách tiền tệ của FED trong thời gian sắp tới. Giới chuyên gia cho rằng, đợt bùng phát dịch mới nhất do biến thể Delta vẫn là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế Mỹ và FED sẽ tiếp tục phải duy trì các chính sách hỗ trợ hiện tại. Nhận định này phần nào được củng cố khi GDP trong quý 2 của Mỹ tăng 6.6%, ít hơn so với dự đoán trước đó, đồng thời, thị trường lao động vẫn chưa hồi phục chắc chắn. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu của tuần này tăng trở lại lên mức 353,000 đơn, sau khi giảm 4 tuần liên tiếp. Có thể thấy, đợt bùng phát dịch lần này đã làm ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của nền kinh tế Mỹ.
Tiên Phạm
 
Thị trường chuẩn bị đối mặt với các “cơn bão” trong cuối tuần
Giá dầu quay đầu giảm ngày hôm qua, với WTI giảm 1.38% xuống 67.42 USD/thùng, dầu Brent giảm 1.63% xuống 71.07 USD/thùng khi các nhà đầu tư tiến hành chốt lời trước khi phát biểu quan trọng của chủ tịch FED Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole bắt đầu.
Có 2 yếu tố chính dẫn dắt thị trường trong giai đoạn thiếu hụt thông tin trên thị trường dầu trong tháng 8: diễn biến chung của triển vọng kinh tế vĩ mô tác động vào giá Dollar, và các gián đoạn lên nguồn cung. Cả 2 yếu tố này sẽ đóng vai trò quan trọng đến phiên giao dịch ngày hôm nay, khi các cơn bão Ida và Nora tiến vào vùng Vịnh Mexico – trung tâm năng lượng của Mỹ. Tuy nhiên, tác động của mùa bão lần này tới giá dầu vẫn chưa cụ thể khi đường đi của bão dự kiến vẫn có thể thay đổi. Các nhà sản xuất trong khu vực như BHP, BP, Royal Dutch Shell,… đã chỉ thị nhân công rời khỏi khu vực giàn khoan ngoài khơi và điều này có thể gây ra gián đoạn tạm thời đến nguồn cung, tuy nhiên nếu bão mạnh lên và chuyển hướng sang phía Bắc, một loạt các nhà máy lọc dầu lẫn khu dân cư sẽ chịu ảnh hưởng và khiến cho nhu cầu dầu thô giảm. Các giếng khơi ở Vịnh Mexico chiếm 17% sản lượng dầu tuy nhiên có đến 45% tổng công suất lọc dầu của Mỹ nằm dọc theo Bờ Vịnh. Lần cuối cùng cơn bão mạnh quét qua khu vực này năm 2017, giá dầu đã giảm 3% ngay khi mở cửa phiên đầu tuần và tiếp tục suy yếu trong tuần.
Hồng Hoa
Link gốc