menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 28/4/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:53 28/04/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 28/4/2022.
Số liệu trong báo cáo Export Sales tối nay có khả năng sẽ không mang lại nhiều tác động “bullish” đối với giá đậu tương
Mở cửa phiên giao dịch ngày 28/04, giá đậu tương vẫn chỉ đang giằng co quanh mức tham chiếu sau phiên tăng mạnh và tiến sát đến vùng kháng cự 1700. Mặc dù các thông tin về triển vọng mùa vụ của Mỹ vẫn đang là yếu tố quyết định đến xu hướng chính của giá đậu tương trong giai đoạn này nhưng những diễn biến của dầu đậu trong vài phiên vừa qua đang dẫn dắt cả nhóm. Bên cạnh đó, đậu tương cũng đang phản ứng mạnh hơn với các mốc kĩ thuật quan trọng do giá vẫn đang duy trì ở trong khoảng đi ngang kéo dài trong gần 2 tháng qua.
Trong phiên tối nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Export Sales. Trong đó, những số liệu bán hàng đậu tương sẽ phần nào phản ánh nhu cầu hiện tại của thị trường. Tính từ ngày 15 – 21/04, các đơn hàng Daily Export Sales xuất hiện khá đều đặn, đặc biệt là đơn hàng bán hơn 800,000 tấn cho Trung Quốc vào ngày 15. Chính vì thế nên số liệu tối nay nhiều khả năng sẽ phản ánh nhu cầu tích cực hơn so với tuần trước. Tuy nhiên, tác động “bullish” đối với giá theo chúng tôi đánh giá là sẽ không quá mạnh do nhìn chung, nhu cầu đậu tương trong ép dầu ở Trung Quốc vẫn đang ở mức thấp do biên lợi nhuận của ngành đang âm. Ngoài ra, việc nước này vẫn đang đóng cửa, nền kinh tế tạm dừng vì lo ngại về diễn biến của dịch Covid lan rộng cũng hạn chế hoạt động nhập khẩu tại các cảng.
Đứng dưới góc nhìn kĩ thuật, giá đậu tương vẫn đang duy trì ở trong khoảng đi ngang và mặc dù lực mua được đẩy mạnh trong phiên hôm qua nhưng giá vẫn không thể vượt lên vùng kháng cự tâm lí 1700. Không những thế, giá còn đang ở trong nhịp điều chỉnh từ vùng chặn trên nên nếu như giá dầu đậu không tăng mạnh tối nay, thì khả năng giá đậu tương vẫn duy trì được diễn biến tăng như phiên vừa rồi là rất thấp.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Diễn biến trái chiều có thể quay lại thị trường cà phê do ảnh hưởng bởi nguồn cung tại khu vực Nam Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/04, lo ngại kéo dài về tình trạng lạm phát tiếp tục gây ra áp lực bán mạnh trên thị trường cà phê. Trong đó, giá cà phê Arabica trên Sở ICE US giảm 2.5% về mức 215.5 cents/pound, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU giảm 1.1% xuống còn 2032 USD/tấn.
Đối với mặt hàng Arabica, việc đồng nội tệ Reals của Brazil giảm 7.5% trong 3 phiên liên tiếp đã khiến cho các quỹ đầu tư liên tục cắt giảm vị thế mua trên thị trường này. Trong khi đó, tồn kho Arabica trên Sở ICE đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây đã cho thấy sự cải thiện trong chuỗi cung ứng, từ đó khiến cho giá Arabica kéo dài đà giảm trong 1 tuần qua.
Tuy nhiên, giá của mặt hàng này vẫn đang nằm trong khoảng đi ngang thiết lập từ giữa tháng 3 cho đến nay với động lực hỗ trợ đến từ nguồn cung trong dài hạn. Theo Trung tâm dự báo khí hậu của Mỹ, hiện tượng thời tiết LaNina có thể kéo dài cho đến giữa quý 3 năm nay và 50% khả năng là đến tháng 1 năm sau. Điều này góp phần củng cố những dự đoán tiêu cực về sản lượng cà phê của Brazil và Colombia trong niên vụ mới, từ đó hỗ trợ kìm hãm đà giảm của giá.
Xét về yếu tố kỹ thuật, lực bán suy yếu sau khi giá vượt qua mốc hỗ trợ 215 cents, chỉ số RSI hồi phục sau khi gần bước vào vùng quá bán. Giá trong phiên hôm nay có khả năng sẽ tiến về vùng 220 cents.
Ở một diễn biến khác, những thông tin tích cực về nguồn cung đã gây ra áp lực bán mạnh trên thị trường Robusta trong phiên hôm qua. Theo ước tính của Citigroup, sản lượng Robusta niên vụ 2022/23 tại khu vực Nam Mỹ dự kiến sẽ giúp thị trường cung ứng toàn cầu tăng 3.5 triệu bao với nguồn cung dồi dào đến từ Brazil.
Chỉ số RSI của giá Robusta đang chuẩn bị bước vào vùng quá bán, tuy nhiên đà giảm suy yếu khi giá bước vào vùng hỗ trợ 2030 USD. Trong phiên hôm nay, giá có khả năng sẽ test lại mức hỗ trợ tâm lý 2000 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Giá đồng sẽ đi theo các tín hiệu kỹ thuật trong bối cảnh các tin tức cơ bản cân bằng nhau
Giá đồng tiếp tục đang co xung quanh mức 4.45 USD/pound trong bối cảnh các nhà đầu tư đều đang tỏ ra thận trọng trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp ở Trung Quốc.
Mặc dù các nhà chức trách đã nhiều lần cam kết hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, và cả ngành bất động sản hay cơ sở hạ tầng, nhưng giá đồng vẫn chưa bứt phá. Bên cạnh Bắc Kinh, thành phố Hàng Châu cũng đang tiến hành xét nghiệm hàng loạt để phát hiện sớm các ca bệnh, tránh trường hợp dịch bệnh lây lan như ở Thượng Hải.
Với tình hình hiện nay, dù chính quyền có tiến hành nới lỏng tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp, thì cũng khó có thể mang lại những tác động đáng kể, bởi việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị gián đoạn vì tỉnh thành nào cũng đang ưu tiên giãn cách để chống dịch. Nhu cầu tiêu thụ và nguồn cung đồng ở Trung Quốc đều cho thấy dấu hiệu sụt giảm. Hiện mức dự trữ trên Sở Thượng Hải đã giảm về dưới 30,000 tấn, và vẫn không có dấu hiệu tăng trở lại. Đây cũng là mức dự trữ thấp nhất nếu xét theo cùng kỳ trên từ năm 2014 đến nay. Trong vòng 5 năm trở lại đây, mức tồn kho này luôn cao hơn 100,000 tấn do nhu cầu tiêu thụ nhiều, nên có thể thấy các hoạt động nhập khẩu đồng của Trung Quốc năm nay không quá đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Mặc dù vậy, giá đồng có thể sẽ không giảm quá sâu và có thể vẫn sẽ duy trì trên mức 4.3 USD/pound. Mới đây, tập đoàn khai thác đồng lớn thứ 3 thế giới, Glencore đã cho biết sản lượng đồng trong quý I/2022 đã giảm 14%. Ngoài ra, mức dự trữ đồng trên Sở LME dù đang tăng trở lại nhưng cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng đang tạo một vùng hỗ trợ mới ở ngưỡng tâm lý 4.4 USD, tuy nhiên đây không phải một mức hỗ trợ quá cứng với giá. Nhiều khả năng giá sẽ tăng và test lại hai đường EMA 34, và 89 trước khi giảm trở lại. Các nhà đầu tư có thể canh bán ở mức 4.495 với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.42 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Mắc kẹt giữa các yếu tố trái chiều, dầu thô nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng giằng co
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua, khi lo ngại về nguồn cung sụt giảm tiếp tục là yếu tố chính dẫn dắt thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.31% lên 102.02 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0.33% lên 104.95 USD/thùng.
Thị trường tiếp tục “mắc kẹt” giữa 1 bên là lo ngại về vùng giá “phá hủy nhu cầu” và một bên là nguy cơ nguồn cung sụt giảm nhanh chóng từ phía Nga. Đây là đặc trưng của thị trường trong suốt tuần này, phần nào khiến cho giá dầu liên tục diễn biến giằng co tuy nhiên biên độ giao dịch lại hẹp dần. Hiện tại giá hợp đồng WTI kỳ hạn tháng 06/2022 đang giao động trong khoảng hẹp 100-103 USD/thùng.
Trong thời điểm này, tác động của các báo cáo thị trường dầu không còn quá lớn. Các báo cáo gần đây vẫn đang xác nhận xu hướng chung mà giới phân tích kỳ vọng trước đó, chính là sản lượng dầu tại Mỹ tăng rất thấp và chỉ “nhỏ giọt”, từ 11.8 triệu thùng/ngày lên 11.9 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, xuất khẩu xăng dầu, đặc biệt là nhiên liệu chưng cất tăng mạnh khi các nước châu Âu tìm kiếm nguồn thay thế cho sản phẩm từ Nga.
Yếu tố có thể dẫn dắt thị trường trong phiên tối nay có thể sẽ đến từ phản ứng của thị trường trước dữ liệu lạm phát Chi phí tiêu dùng cá nhân PCE, vốn là thước đo lạm phát ưa thích thứ 2 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Mặc dù phần lớn thị trường đều đã định giá rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 sắp tới, tuy nhiên PCE tăng quá nóng có thể mở đường cho Fed tiếp tục tăng lãi suất liên tục trong cuộc họp tháng 6, tháng 7.
Về mặt kỹ thuật, MACD và RSI vẫn đang đi ngang, và giá liên tục gặp áp lực tại vùng 103 USD/thùng. Khả năng cao giá vẫn chưa thể thoát khỏi vùng này trong phiên giao dịch hôm nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc