Giá đậu tương nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì đà tăng trong phiên hôm nay nhờ triển vọng tích cực về nhu cầu
Mở cửa phiên giao dịch ngày 03/11, giá đậu tương đang quay đầu suy yếu nhẹ. Tuần này đã được chúng tôi dự báo sẽ là tuần biến động mạnh của các mặt hàng nông sản do các thông tin cơ bản và sự kiện về kinh tế diễn ra. Đậu tương là mặt hàng vẫn đang duy trì được lực mua khá mạnh so với ngô và lúa mì do không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thông tin về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Biển Đen. Châu Mỹ mới là khu vực quyết định phần lớn triển vọng nguồn cung đậu tương toàn cầu và hiện tại, các yếu tố cơ bản đang cho thấy giá có thể sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng mới sau khi thoát khỏi chuỗi giằng co đi ngang trong 3 tuần trước đó.
Triển vọng nhu cầu đối với đậu tương Mỹ vẫn là động lực chính thúc đẩy giá trong giai đoạn này. Các hoạt động hậu cần trên sông Mississippi đã được cải thiện nhờ lượng mưa tích cực gần đây giúp gia tăng mực nước và trọng tải các sà lan đi qua. Hoạt động xuất khẩu và bán hàng trở nên tích cực hơn khi nguồn cung từ Mỹ vừa được thu hoạch vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các nước mua hàng. Trong báo cáo Export Sales tối nay, phần lớn thị tường vẫn tiếp tục kì vọng rằng bán hàng đậu tương trong tuần vừa rồi của Mỹ vẫn sẽ duy trì ở mức cao và đạt trên 1 triệu tấn. Tuy vẫn thấp hơn so với mức 1.8 triệu tấn trong cùng kì năm ngoái nhưng con số này vẫn cho thấy nhu cầu đang dần gia tăng và đóng vai trò là yếu tố “bullish” đối với giá.
Ngoài ra, những dự đoán về sản lượng mùa vụ năm nay của Mỹ cũng vẫn đang là mối quan tâm của thị trường, mặc dù hoạt động thu hoạch đã sắp hoàn thành. Mới đây, công ty tư vấn StoneX đã dự báo sản lượng đậu tương năm 2022 của Mỹ sẽ đạt 4.413 tỷ giạ, thấp hơn mức 4.442 tỷ giạ dự đoán trước đó. Điều này phản ánh rằng thị tường vẫn sẽ tiếp tục kì vọng vào mức cắt giảm sản lượng đậu tương trong báo cáo Cung – cầu tháng 11 sắp tới.
Diễn biến trái chiều của thông tin cơ bản có thể khiến giá cà phê Arabica giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 02/11, cả 2 mặt hàng cà phê đều bật tăng, trong đó Arabica tăng mạnh hơn 4%. Lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 10 của 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Honduras và Bờ Biển Ngà cho nguồn cung đang vào trạng thái thắt chặt trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá cho mặt hàng này.
Với mức tăng 75 điểm cơ bản trong phiên điều chỉnh lãi suất ngày hôm qua, lãi suất hiện tại của Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ 2008. Tuy nhiên, mức điều đỉnh này là hoàn toàn nằm trong dự đoán của thị trường nên lực tăng tác động lên Dollar Index không kéo dài quá lâu. Sự chú ý bắt đầu đổ dồn vào dự đoán mức điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới và gần nhất là đợt điều chỉnh trong kỳ họp tháng 12. Với kỳ vọng của thị trường và các nhà phân tích rằng tốc độ tăng lãi suất sẽ được điều chỉnh chậm lại cũng như phát biểu của chủ tịch FED về khả năng giảm tốc trong 1-2 cuộc họp tới có thể đẩy Dollar Index suy yếu. Điều này kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm từ đó hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil trong thời gian tới.
Thời tiết ẩm ướt được dự báo vẫn tiếp diễn tại khu vực Đông Nam, Brazil trong đó có Minas Gerais với những cơn mưa rải rác. Tuy nhiên lượng mưa thực nhận tại khu vực này có vẻ không tích cực như những gì thị trường dự đoán khi trong một báo cáo của Somar Meteorologia lượng mưa trong tuần trước đạt 28.9 mm, chỉ bằng 79% mức trung bình lịch sử. Dù vậy, vói những dự báo mưa vẫn xuất hiện và quốc gia này cũng chuẩn bị bước vào mùa mứ kéo dài từ tháng 12 đến tháng 03 năm, kỳ vọng sẽ cung cấp lượng mưa lớn hơn để hỗ trợ cho sự phát triển của cây trồng niên vụ tới.
Sau phiên nghỉ lễ hôm qua của Brazil, lực bán của nông dân tại đây được kỳ vọng sẽ trở lại, phần nào hạn chế sự hỗ trợ giá từ các yếu tố khác.
Sức ép vĩ mô có thể cản trở đà phục hồi của giá đồng đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng mở cửa của Trung Quốc
Các yếu tố vĩ mô có thể sẽ chi phối giá đồng trong phiên hôm nay sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua. Chủ tịch Fed Jerome Powell dường như đã mở ra một giai đoạn mới trong chiến dịch thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, với lãi suất cuối cùng được dự kiến sẽ sẽ tăng cao hơn mức 4.6% như mục tiêu được đưa ra trong cuộc họp tháng 9, nhưng các đợt tăng lãi suất cũng sẽ nhỏ hơn giai đoạn vừa qua. Điều này có nghĩa rằng Fed sẽ còn ít nhất khoảng 2 đợt tăng lãi suất nữa trước khi giữ mức cao đó trong một khoảng thời gian đủ dài để có thể hạ nhiệt lạm phát.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cũng đã cho thấy tỷ lệ đặt cược vào mức tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 12 của Fed tăng từ 44% lên khoảng 65% trong khi tỷ lệ cho mức tăng 75 điểm cơ bản tiếp theo giảm nhẹ. Việc hạ mức tăng lãi suất trong thời gian tới nhưng lại có động thái tăng lãi suất mục tiêu vẫn là yếu tố gây thất vọng cho thị trường và do đó, sẽ hỗ trợ đồng Dollar Mỹ và có thể gây áp lực tới giá đồng trong phiên.
Tuy nhiên, yếu tố có thể hỗ trợ giá đồng hiện tại đang phụ thuộc vào hàng loạt các tin đồn về việc nới lỏng chính sách Zero Covid và dần mở cửa trở lại. Mặc dù thông tin chưa được xác nhận, nhưng với bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang quá tiêu cực, thị trường sẽ có phản ứng khá mạnh đối với các kỳ vọng tích cực như thông tin này. Điều đó có thể sẽ ngăn cản đà giảm sâu của giá trước các sức ép vĩ mô.
Yếu tố cung cầu trên thực tế cũng có thể đem lại động lực phục hồi cho thị trường đồng khi mà mới đây, dữ liệu từ Nhóm Nghiên cứu Đồng quốc tế cho biết thị trường đồng vẫn đang ở trạng thái thâm hụt 16,000 tấn trong tháng 8. Mặc dù con số này thấp hơn mức thâm hụt 80,000 tấn trong tháng 7 nhưng nếu tính luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, thâm hụt đồng tinh chế ở mức 292,000 tấn, cao hơn gần gấp đôi so với mức 152,000 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu WTI nhiều khả năng duy trì đà tăng trong phiên hôm nay nhờ các tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc
Mặc dù Dollar Index tăng trở lại do Fed duy trì đường lối thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát, tuy nhiên các tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc đang là yếu tố hỗ trợ đà tăng cho giá dầu.
Với nguồn cung chắc chắn sẽ thắt chặt trong thời gian tới, yếu tố duy nhất kìm hãm giá dầu hiện tại chính là nguy cơ nhu cầu suy yếu, đặc biệt tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn duy nhất vẫn đang duy trì chính sách Zero Covid. Lo ngại phải phong tỏa trở thành thường trực khiến các công ty khó có thể gia tăng hoạt động sản xuất, cũng như khiến người dân không hạn chế các hoạt động đi lại, cắt giảm chi tiêu. Chính vì vậy, mặc dù là thông tin không kiểm chứng, nhưng tin đồn liên tiếp xuất hiện về việc Trung Quốc điều chỉnh lại các biện pháp đối phó với dịch trong thứ 3 và thứ 4, bất chấp các kiểm duyệt gắt gao của chính phủ đã tạo ra niềm tin đối với thị trường rằng sẽ có sự thay đổi. Theo đó, vào thứ 6 này Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp để đánh giá các dữ liệu và xem xét các kịch bản cần thiết, ví dụ giảm thời gian cách ly hoặc xét lại tiêu chí về điều kiện phải cách ly. Giới phân tích cho rằng, mục tiêu tăng tốc nền kinh tế đang trì trệ với tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong hàng thập kỷ có thể trở thành động lực để chính phủ nước này nới lỏng các chính sách về dịch. Trong điều kiện này, giá dầu hoàn toàn có thể tăng trở lại với hiệu ứng “buy the rumors sell the news” (mua tin đồn, bán tin chính thức) và test lại vùng 90 USD/thùng.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)