Ngô có thể sẽ tích luỹ trở lại trong tuần này
Tuần vừa qua, nhìn chung thị trường nông sản đã trải qua những diễn biến tích cực hơn so với tuần trước đó khi một số mặt hàng đã tăng trở lại.
Giá ngô mặc dù biến động mạnh, có cả phiên tăng trần và chạm sàn nhưng kết tuần chỉ giảm nhẹ 0.42% về mức 656.75 cen/giạ. Sau khi bật tăng mạnh trở lại vào thứ năm nhờ triển vọng nhu cầu từ Trung Quốc được xác nhận, giá ngô đã giảm nhẹ do áp lực chốt lời từ giới đầu cơ vào phiên cuối tuần. Bên cạnh đó, thời tiết ở vùng Trung Tây – khu vực sản xuất ngô chính của Mỹ được cải thiện, mưa hỗ trợ cho cây nảy mầm, cũng là yếu tố “bearish” đối với giá.
Ở chiều ngược lại, hãng tư vấn Safras & Mercado dự báo sản lượng ngô niên vụ 2020/21 của Brazil ở mức 95.2 triệu tấn, thấp hơn gần 11% so với niên vụ trước. Thông tin thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng tới sản lượng ngô vụ 2 ở nước này không còn mới nhưng vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong thời gian tới. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy Bộ nông nghiệp Mỹ có thể điều chỉnh mức sản lượng ngô dự đoán của Brazil niến vụ 2020/21 xuống thấp hơn so với báo cáo tháng 5.
Giống như những phiên tăng trần trước đó của ngô trong vòng 2 tháng trở lại, phiên sau đấy giá sẽ không có biến động quá lớn. Hiện tại, giá vẫn nằm trên đường trung bình động 9 ngày và hướng lên dải trên của Bollinger Bands cho thấy ngô đã thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn. Trong một vài phiên tới, giá có thể sẽ tích luỹ trên nền tăng với mức hỗ trợ ở 650.
Giá lúa mỳ kết tuần giảm 1.59% về mức 663.50 cent/giạ. Giá ngô ảnh hưởng khá lớn đến giá lúa mì, đặc biệt là trong những phiên biến động mạnh gần đây thì diễn biến của lúa mì sẽ đi theo xu hướng chung trong phiên của ngô. Có thể trong thời gian tới, nếu giá ngô tích luỹ trở lại sau phiên tăng trần, giá lúa mì sẽ bị phản ánh nhiều hơn bởi thông tin cơ bản của chính mặt hàng này.
Hiện tại, lúa mì mặc dù đã có phiên tăng mạnh trong tuần nhưng giá vẫn nằm dưới đường trung bình động 9 ngày cho thấy mặt hàng này vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn. Tuy nhiên, các chỉ báo động lượng MACD đang đi ngang ở dưới mức 0 và khoảng cách với đường signal thu hẹp dần và RSI ở dưới 40 cho thấy có thể giá sẽ hồi phục nhẹ trong những phiên tới. Giá lúa mì có khả năng sẽ hồi phục nhẹ lên mức 670 cent/giạ.
Thị trường kim loại quý có thể tiếp tục đi ngang trong lúc chờ đợi thông tin từ các NHTW
Nếu như Vàng là điểm sáng của thị trường kim loại quý trong tuần qua khi cán mốc 1900 USD/ounce, thì thị trường chứng kiến một tuần ảm đạm của Bạc và Bạch kim khi cả hai kim loại này đều đi ngang. Các nhà đầu tư dù có tin tưởng vào triển vọng của Bạc và Bạch kim cũng sẽ tự hỏi rằng liệu sẽ có kịch bản bứt phá cho cả hai kim loại trong tuần này.
Bạc hiện dao động trong biên độ 27.5 – 28 USD/ounce trong khi Bạch kim không giữ được ở mốc 1200 USD mà đi ngang trong biên độ 1170 – 1200 USD. Các tin tức cơ bản vẫn hỗ trợ rất tốt cho cả hai mặt hàng kim loại quý. Thị trường ngày càng lo lắng trước những thông tin về lạm phát ở Mỹ và Anh, đồng thời các Ngân Hàng Trung Ương thể hiện lập trường cứng rắn về việc quản lý các giao dịch tiền điện tử. Trong tuần qua, vốn hoá thị trường tiền điện tử “bốc hơi” 20% còn 1.46 nghìn tỉ USD, riêng giá trị đồng Bitcoin giảm 18% còn 34,300 USD và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Hưởng lợi từ hiệu ứng bán tháo ồ ạt của thị trường tiền điện tử, dòng vốn được dịch chuyển từ từ sang các thị trường chứng khoán và thị trường trú ẩn an toàn. Vàng vẫn là kim loại được hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển này, tuy nhiên, với triển vọng tích cực từ đầu năm của Bạc và Bạch kim, các nhà đầu tư sẽ sớm thấy dòng tiền đổ vào hai kim loại quý này.
Trong tuần này, các nhà đầu tư cần chú ý tới lịch công bố những thông tin kinh tế quan trọng, có thể gây biến động ngắn hạn lên đồng USD, từ đó ảnh hưởng lên thị trường kim loại quý. Tiêu biểu trong số đó là số liệu liên quan tới Bảng lương phi nông nghiệp, Tỉ lệ thất nghiệp tháng 5. Đặc biệt Chủ tịch Fed - Jerome Powell, Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Anh (BOE), Andrew Bailey và Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde, đều có bài phát biểu trong tuần này. Rất có thể những vị lãnh đạo này sẽ tiết lộ phần nào các chính sách tiền tệ trong thời gian sắp tới của các Ngân Hàng Trung Ương để các nhà đầu tư có sự chuẩn bị cho những sự biến động của thị trường trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Từ quan điểm kỹ thuật, theo Kitco, trong ngày 28/5 vừa qua, các lệnh “Buy stop” của hợp đồng Bạc tháng 7 tập trung nhiều nhất ở mức cản cứng 28.34 USD/ounce, điều này thể hiện việc các nhà đầu tư sẵn sàng mua vào khi giá Bạc vượt qua mức đó. Đồng thời, các lệnh Sell stop được đặt ở mức giá 27 USD/ounce, mức cắt lỗ khá xa so với mức hỗ trợ tốt là 27.5 USD hiện tại. Các nhà đầu tư cần quan sát cẩn thận hành vi giá ở các khu vực này, và chỉ nên vào lệnh khi giá phá cản với một khối lượng giao dịch lớn.
Đối với Bạch kim, giá của kim loại này vẫn cần được nhiều tin tức cơ bản hỗ trợ hơn. Hiện 1200USD vẫn là một mức cản lớn đối với Bạch kim, và giá cần vượt qua vùng này để Bạch kim có thể khôi phục lại được xu hướng tăng.
Giá dầu chưa thể phá kháng cự trong ngày hôm nay
Giá các mặt hàng trong nhóm năng lượng đều tăng trong tuần vừa rồi nhờ các thông tin tích cực từ thị trường Mỹ. Trong đó dầu thô có mức tăng trưởng mạnh nhất, với dầu WTI tăng 4.31% lên 66.32 USD/thùng, dầu Brent tăng 3.57% lên 68.72 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ bởi kỳ vọng tiêu thụ dầu thế giới trong kỳ nghỉ hè tăng lên mức 100 triệu thùng/ngày, cao hơn so với con số 96.5 triệu thùng/ngày trong cả năm 2021 mà OPEC đưa ra trong Báo cáo Thị trường dầu tháng 5. Với dự kiến 34 triệu người Mỹ di chuyển trên các tuyến đường cao tốc từ 27-31/5 và giá xăng cao kỷ lục 3.04 USD/gallon khuyến khích các nhà máy lọc dầu gia tăng sản lượng, giá dầu vẫn còn dư địa tăng trong tuần mới.
Tuy nhiên lo ngại về tình hình đại dịch COVID-19 đang cản đà tăng của giá. Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - vừa đóng cửa cảng Yantian do lo ngại dịch bùng phát trở lại mặc dù nước này đã kiểm soát dịch khá tốt trong suốt thời gian qua và quá trình tiêm chủng vắc-xin diễn ra thuận lợi.
Trong ngày hôm nay các mặt hàng năng lượng sẽ đóng cửa sớm vào lúc 0:00 ngày 1/6, do đó các nhà đầu tư cần đặc biệt tập trung vào các diễn biến trong phiên. Cũng trong hôm nay Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC+ (JTC) sẽ họp mặt để đánh giá triển vọng cung-cầu thế giới và mức độ tuân thủ của các thành viên. Theo Reuters, mức độ tuân thủ của nhóm trong tháng 4 đạt 113%, giảm so với con số tháng 3 là 115%.
Xét về kỹ thuật, MACD và RSI đều hướng lên và gợi ý giá đang quay trở lại đà tăng sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước. Tuy nhiên kháng cự tại mức 67.5 USD/thùng vẫn đang khá mạnh và sẽ cần thêm thông tin cơ bản để giá vượt lên mức này.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)