menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 5/10/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:43 05/10/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 5/10/2022.
 
Các yếu tố cơ bản vẫn đang trái chiều, giá đậu tương có thể sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi lực mua kĩ thuật
Mở cửa phiên giao dịch ngày 05/10, giá đậu tương vẫn đang giằng co quanh mức tham chiếu sau 2 phiên hồi phục nhẹ trước đó. Các yếu tố cơ bản về trung và dài hạn đối với mặt hàng này đều đang thiên về “bearish” nhưng giá vẫn sẽ có 1 nhịp điều chỉnh kĩ thuật hướng lên vùng 1400 vào nửa đầu tuần. Trong bối cảnh thị trường đậu tương vẫn đang thiếu vắng thông tin, chúng tôi cho rằng giá có thể vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi lực mua kĩ thuật ở vùng đáy 1360.
Viện Kinh tế Nông thôn (Deral) cho biết tiến độ trồng đậu tương niên vụ 22/23 tại bang Parana của Brazil đã đạt 15% diện tích dự kiến, tăng 6% so với tuần trước và cao hơn dự kiến bất chấp thời tiết nhiều mưa. Parana, một trong ba bang sản xuất đậu tương lớn nhất ở Brazil, kỳ vọng sản lượng hạt có dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, sau khi vụ mùa bị tàn phá bởi hạn hán trong niên vụ trước. Theo ước tính ban đầu của Deral, sản lượng đậu tương năm nay ở bang có thể đạt mức kỷ lục 21.5 triệu tấn. Chuyên gia của Deral, Deral Edmar Gervásio cho biết tiến độ trồng ngô và đậu tương đa cao hơn dự tính, bất chấp lượng mưa lớn xảy ra trong hai tuần qua. Những ngày gần đây, thời tiết đã ổn định và nông dân đã tiếp tục gieo trồng với tốc độ cao hơn.
Còn đối với triển vọng mùa vụ đậu tương đang trong giai đoạn thu hoạch của Mỹ, tình hình đang kém khả quan hơn. Mới đây, hãng tin StoneX đã dự báo năng suất đậu tương niên vụ 22/23 của Mý sẽ giảm xuống mức 51.3 giạ/mẫu so với mức 51.8 giạ/mẫu trong ước tính vào đầu tháng 9. Mặc dù sản lượng ước tính sụt giảm nhưng đây không phải là thông tin tác động “bullish” quá mạnh đối với giá do tồn kho đầu niên vụ đã tăng cao hơn dự kiến trong báo cáo của USDA. Chính vì thế nên trong báo cáo WASDE tới, tồn kho đậu tương cuối vụ 22/23 sẽ không quá thắt chặt.

Giá đường 11 khả năng cao sẽ tăng trong phiên hôm nay nhờ hỗ trợ từ đà tăng của giá dầu thô
Kết thúc phiên giao dịch 04/10, bông và đường đều ghi nhận mức tăng ấn tượng, hòa chung trong xu hướng đi lên của nhóm nguyên liệu công nghiệp. Giá bông tăng kịch trần nhờ hỗ trợ từ đồng Dollar Mỹ giảm mạnh và nhu cầu về bông có khả năng gia tăng trong thời gian tới tại Brazil. Đường 11 nhận được hỗ trợ từ việc giá dầu thô tăng mạnh hơn 3% trong phiên hôm qua.
Các nhà giao dịch trên thị trường đang chờ đợi số liệu từ báo cáo cung – cầu nông sản Brazil, sẽ được Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ nước này (CONAB) công bố vào tối mai. Do vậy, nhiều khả năng thông tin cơ bản trên hai thị trường sẽ không tác động mạnh đến diễn biến giá trước khi có sự thay đổi trong số liệu vào ngày mai. Yếu tố quyết định diễn biến giá sẽ nhường ưu thế cho các yếu tố liên thị trường và thời tiết.
Đồng Dollar đang trên đà suy yếu khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể sẽ nhẹ tay hơn trong đợt nâng lãi suất sắp tới do số liệu mới nhất theo khảo sát lao động và cơ hội việc làm (JOLTs) cho thấy số cơ hội việc làm đã giảm hơn 1.1 triệu người và về mức thấp nhất trong 1 năm qua. Việc Dollar Mỹ suy yếu giúp giá bông Mỹ bớt đắt hơn đối với khác hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó thúc đẩy lực mua gia tăng.
Sau ảnh hưởng từ những trận mưa do cơn bão Ian đi qua một số vùng trông bông của Mỹ vào cuối tuần trước. Thời tiết khô ráo được dự báo vẫn diễn ra chủ yếu tại các vùng trồng bông chính của Mỹ trong tuần này, ủng hộ cho việc thu hoạch đang diễn ra tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái cũng như mức trung bình 05 năm theo báo cáo mùa vụ tuần qua.
Riêng với đường, dầu thô vẫn được hỗ trợ tích cực từ việc cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC và tồn kho các sản phẩm lọc dầu giảm mạnh, nên động lực tăng vẫn tiếp diễn trong phiên hôm nay, trước khi cuộc họp OPEC+ diễn ra. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol, từ đó hạn chế nguồn cung đường. 

Đà tăng của giá đồng có thể sẽ chững lại khi dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp
Giá đồng tiếp tục được hỗ trợ trong phiên sáng nay khi nhiều nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhẹ tay hơn trong tiến trình thắt chặt tiền tệ, trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế tại Mỹ đang cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, với vai trò là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, giá đồng vẫn sẽ gặp nhiều áp lực bởi rủi ro về sức tiêu thụ sụt giảm. Bên cạnh đó, thông tin cập nhật về tình hình dịch tại Trung Quốc cho thấy diễn biến vẫn còn phức tạp nhiều khả năng sẽ là lực cản cho giá đồng khó bứt phá qua kháng cự 3.55 USD/pound trong phiên hôm nay.
Cụ thể, theo Bloomberg, các trường hợp Covid-19 của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần, đạt mức 909 ca nhiễm trong ngày hôm qua khi quốc gia này đang trong tuần nghỉ lễ Quốc khánh. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về việc các biện pháp phong toả và kiểm soát dịch bệnh sẽ được thắt chặt hơn nữa, nhất là khi sự kiện lớn của Trung Quốc, Đại hội Đảng lần thứ 20 diễn ra từ ngày 16/10. Rủi ro gián gián đoạn trong các hoạt động sản xuất sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tiêu thụ nguyên liệu đầu vào quan trọng, trong đó có đồng.
Về các yếu tố vĩ mô, vào sáng nay, Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) đã mạnh tay tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lần thứ 5 liên tiếp, đưa lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Bên cạnh đó, RBNZ cũng có những nhận định “diều hâu” khi cho rằng lãi suất vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới nhằm kiểm soát lạm phát “nóng”. Điều này đã gián tiếp làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư cho rằng rằng Fed sẽ nhẹ tay hơn với việc tăng lãi suất, như cách mà Ngân hàng Trung ương Úc bất ngờ quyết định mức tăng khiêm tốn 25 điểm cơ bản trong ngày hôm qua. Đồng Dollar Mỹ do vậy đang trên đà tăng trở lại sau 2 phiên giảm mạnh trước đó và đây sẽ là yếu tố có thể gây ra áp lực bán trên thị trường đồng trong phiên tối. 

Giá dầu nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng sau cuộc họp khi thế giới thiếu công cụ hạ nhiệt thị trường
Dầu thô tiếp tục duy trì sắc xanh trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường chờ đợi thông tin từ cuộc họp của OPEC+.
Tính đến hiện tại, giá dầu đã tăng hơn 13% so với vùng đáy tháng 9, chủ yếu nhờ vào thông tin OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, nếu chính sách này được thông qua, thì có khả năng các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách để hạ nhiệt thị trường. Tuy vậy, trong tình hình hiện tại, Mỹ không có quá nhiều lựa chọn.
Phương án tác động trực tiếp đến giá dầu một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất là tiếp tục mở kho dầu dự trữ chiến lược (SPR). Tuy vậy, hiện tại, tồn kho SPR hiện chỉ hơn 422 triệu thùng, mức thấp nhất từ năm 1985, khó có thể mong đợi một đợt mở kho dầu với số lượng lớn.
Biện pháp khác có thể giúp hạ nhiệt giá trong nước là cấm hoặc hạn chế các công ty trong nước xuất khẩu dầu. Tuy vậy, ngày hôm qua, Viện Dầu khí Mỹ và Cơ quan Sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ đã gửi thư đến Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm nhằm phản đối ý định này. Theo họ, chính sách này sẽ chỉ khiến ngành năng lượng trong nước chịu thiệt hại, trong khi khiến Mỹ mất lòng với đồng minh.
Phương án khác khả thi hơn là thuyết phục càng nhiều nước càng tốt tham gia vào kế hoạch áp đặt trần giá lên dầu Nga cùng với G-7, với hy vọng có thể sử dụng mức giá trần này để “mặc cả” với các nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, các quy định chồng chéo nhau giữa các gói cấm vận cũng như các trường hợp miễn trừ, ngoại lệ, khiến cho tác động thật sự của chiến lược này vẫn là một điều khó nói trước.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin MXV
Link gốc