menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 9/11/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:58 09/11/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 9/11/2022.
 
Số liệu xuất khẩu ngô Mỹ trong báo cáo WASDE tối nay sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lên xu hướng giá
Mở cửa phiên giao dịch ngày 09/11, giá ngô tiếp tục đà suy yếu từ phiên trước đó và đang tiến sát về mức chặn dưới của khoảng đi ngang như chúng tôi dự đoán. Trong phiên hôm nay, chúng tôi cho rằng, vùng 665 sẽ đóng vai trò là vùng giá quan trọng, có thể sẽ là dấu hiệu cho xu hướng tiếp theo của ngô nếu như giá phá vỡ vùng hỗ trợ của khoảng đi ngang này.
Trong báo cáo Cung – cầu tối nay, mặc dù năng suất hay sản lượng ngô Mỹ niên vụ 22/23 được phần lớn thị trường dự đoán sẽ không thay đổi so vưới ước tính trước của USDA nhưng tồn kho lại tăng mạnh. Điều này theo đánh giá của chúng tôi là hoàn toàn hợp lí nếu nhìn vào những số liệu xuất khẩu giai đoạn gần đây của Mỹ. Mặc dù hoạt động thu hoạch đang bước vào những tuần cuối cùng nhưng những khó khăn trong hoạt động vận chuyển trên sông Mississippi lại là rào cản đối với nông dân nước này. Tính đến nay, xuất khẩu của Mỹ mới chỉ đạt 4.5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức hơn 6 triệu tấn trong cùng kì năm ngoái. Ngoài ra, khối lượng cam kết xuất khẩu (Outstanding Sales) cho niên vụ 22/23 mới chỉ đạt hơn 10 triệu tấn, chưa bằng 1 nửa so với thời điểm này năm ngoái. Điều này phản ánh không chỉ hoạt động vận tải khó khăn mà nhu cầu đối với ngô Mỹ sụt giảm là 2 nguyên nhân chính khiến cho số liệu dự báo xuất khẩu ngô Mỹ trong niên vụ 22/23 có thể sẽ không đạt được như kì vọng.
Trong báo cáo tháng 10, xuất khẩu ngô của Mỹ đang được dự báo ở mức 69.8 triệu tấn nhưng với các số liệu xuất khẩu hàng tuần tính từ đầu niên vụ đến nay, chúng tôi cho rằng con số này có thể sẽ bị điều chỉnh xuống mức 65 – 67 triệu tấn. Cùng với đó, do đặc tính của cây ngô ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nên khả năng dự báo năng suất bị cắt giảm cũng sẽ thấp hơn so với đậu tương, đặc biệt là trong giai đoạn cuối thu hoạch. Chính vì vậy nên chúng tôi cho rằng, báo cáo tối nay sẽ tác động bearish lên giá ngô.

Giá cà phê Arabica khả năng cao tiếp tục đà giảm trước áp lực nguồn cung nới lỏng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/11, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận lực giảm khá mạnh khiến giá trở về mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Nguồn cung tích cực hơn khi tồn kho đạt chuẩn tiếp tục tăng và triển vọng sản lượng trong niên vụ tới tại Brazil đã gây sức ép lên Arabica, khiến mặt hàng này giảm hơn 2%. Áp lực từ nguồn cung cũng không ngoại trừ với Robusta khi yếu tố thời tiết vẫn ủng hộ cho việc thu hoạch tại Brazil, giá giảm hơn 1% trong phiên hôm qua.
Trong thời gian thiếu vắng thông tin cơ bản mới, tồn kho đạt chuẩn tăng mạnh cùng với triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ tới tại Brazil vẫn là yếu tố tác động lên giá, khiến mặt hàng này nối tiếp lực giảm của 2 phiên trước đó.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương lớn vẫn ưu tiên việc giảm lạm phát bằng chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến lo ngại về suy thoái kinh tế chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này kéo theo nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa không thiệt yếu như cà phê chịu tác động nghiêm trọng. Nhu cầu giảm trong khi triển vọng nguồn cung đang ngày một tích cực hơn sẽ tiếp tuc gây áp lực lên giá. 

Giá đồng nhiều khả năng sẽ khó vượt qua kháng cự 3.7 USD/pound do nhu cầu vẫn còn khá yếu

Giá đồng đang tiếp tục đón nhận lực mua trong bối cảnh nguồn cung đồng trên thị trường thắt chặt, và kỳ vọng nhu cầu sẽ tích cực hơn khi chính phủ Trung Quốc có những động thái kích thích lĩnh vực bất động sản đang yếu kém. Tồn kho đồng tại cả 3 sở chính hiện tại là LME, COMEX, và Thượng Hải đều đang ở mức thấp, trong đó tồn kho đồng trên sở COMEX liên tục giảm và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Tại Trung Quốc, tổng tồn kho ngoại quan và trên sở Thượng Hải đạt mức hơn 84,000 tấn, rất gần so với mức thấp kỷ lục 72,159 tấn hồi tháng 10.
Trong khi đó, mới đây, công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới, Codelco của Chile đã đề xuất tiếp tục tăng mức phí bảo hiểm đối với nguồn cung năm 2023 cho ít nhất hai khách hàng Trung Quốc, tương ứng với mức tăng 33.3% so với năm nay, trong bối cảnh nhu cầu ổn định và nguồn cung eo hẹp. Trên thực tế, cán cân cung cầu về đồng được dự báo sẽ thâm hụt khoảng 325,000 tấn đồng trong năm nay, do đó, sau một giai đoạn giá đi ngang trong vùng tích lũy, giá sẽ khá nhạy với các tin tức mang tính “bullish”.
Tuy nhiên, đà tăng nhiều khả năng chưa thể sớm bùng nổ trước sức ép từ bài toán tiêu thụ kém sắc. Trung Quốc đang phải đối diện với áp lực giảm phát do nhu cầu suy yếu buộc nhiều công ty phải cắt giảm giá thành sản phẩm. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 10 của Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận mức giảm kể từ tháng 12/2020, với mức giảm 1.3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI cũng chậm lại, phản ánh nhu cầu yếu. Dịch bệnh vẫn là “nút thắt” cần được giải quyết, mặc dù lạm phát thấp có thể tạo không gian cho kích thích tăng trưởng, nhưng các kích thích dường như sẽ trở nên vô nghĩa nếu phong tỏa vẫn cản trở hoạt động kinh tế. Mới đây, số ca nhiễm Covid-19 tại Bắc Kinh đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng qua, và chiến dịch phong tỏa vẫn còn tiếp diễn. Thị trường đồng do đó sẽ khó có thể có động lực bứt phá khỏi vùng kháng cự 3.7 USD/pound trong phiên hôm nay bất chấp yếu tố nguồn cung thắt chặt.

Giá dầu có thể tiếp tục giảm điều chỉnh trong phiên hôm nay khi thị trường nhạy cảm với các rủi ro
Giá dầu nhiều khả năng sẽ còn chịu áp lực trong phiên hôm nay khi thị trường chưa thoát khỏi tâm lý tiêu cực.
Dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, do sự kết hợp của lực bán kỹ thuật lẫn các lo ngại vè tình hình dịch Covid-19. Ngay cả trong báo cáo Triển vọng Thị trường Năng lượng Ngắn hạn, EIA cũng đã nâng dự báo tiêu thụ dầu trong năm nay, trong khi hạ dự báo sản lượng năm tới, giá cũng không phục hồi. Nguyên nhân có thể là do EIA cho rằng mức giảm sản lượng thực tế của OPEC+ trong tháng 11 và 12 không quá lớn, mà chỉ phản ánh năng lực sản xuất yếu kém của một số thành viên so với yêu cầu. Sản lượng thực tế của UAE, Saudi Arabia trước mắt có thể không giảm quá nhiều như cam kết hai nước này đưa ra trong tháng 10.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4 cũng đang tạo ra nhiều biến động tâm lý cho thị trường. Các biện pháp phong tỏa, cách ly chia bao giờ thực sự được nới lỏng, nhưng số ca mắc mới vẫn trên xu hướng tăng, và giới chuyên gia cũng chia xác định được bao giờ mới đến đỉnh dịch. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn phải đối mặt với rủi ro mới là giảm phát, khi số liệu sáng nay cho thấy PPI của nước này giảm 1.1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin mxv
Link gốc