menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan thị trường lợn hơi tháng 9/2020 và dự báo

07:41 06/10/2020

Giá lợn hơi trong nước đứng ở mức thấp suốt từ tháng 8/2020 đến tuần đầu tháng 9, tuy nhiên, từ tuần thứ 2 của tháng 9/2020 đến nay giá tăng trở lại.
GIÁ CẢ
Giá lợn hơi trong nước đứng ở mức thấp suốt từ tháng 8/2020 đến tuần đầu tháng 9, do lợn nhập khẩu từ Thái Lan về nhiều, trong khi tiêu thụ giảm do trùng thời điểm tháng 7 âm lịch, người dân ăn chay nhiều. Tuy nhiên, từ tuần thứ 2 của tháng 9/2020 đến nay giá tăng trở lại 3 - 5% so với đầu tháng 9/2020; hiện nay tại miền Bắc 79.000 - 84.000 đ/kg; miền Trung 79.000 - 82.000 đ/kg; miền Nam 80.000 - 82.000 đ/kg do nguồn cung giảm vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương, người dân chưa sẵn sàng chăn nuôi trở lại, trong khi dịch bệnh COVID -19 trong nước đang dần được kiểm soát, các trường học hoạt động trở lại và các lệnh dỡ bỏ giãn cách, tiêu thụ tăng.
Hơn nữa hiện nay nhập khẩu lợn từ Thái Lan giảm do giá lợn từ nước này ở mức cao, nhập khẩu về sẽ không có lời. Gần 20 doanh nghiệp nhập khẩu lợn Thái Lan, hiện chỉ còn vài doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nguồn cung lợn tại Thái Lan hiện không còn nhiều, do họ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc với giá cao hơn.
Diễn biến giá lợn hơi trong nước tháng 9/2020 (ĐVT: đ/kg)
Nguồn: Tính toán từ số liệu của kinhtedothi.vn
CUNG - CẦU
Theo thông báo của OIE và FAO, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, số lợn tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi hơn 5,4 triệu con.
 Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã có 43.150 con lợn, tương đương với 2.157 tấn thịt, đã bị tiêu hủy nhằm ngăn chặn virus ASF lây lan. 
Trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước nhập khẩu 93.248 tấn thịt lợn, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga. Đến nay, nhập khẩu lợn hơi từ Thái Lan đạt 97.338 con.
Hiện nay, cả nước có 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn. 
 Theo Cục Chăn nuôi, hiện 63 tỉnh thành đều ghi nhận tốc độ tái đàn lợn nhanh; tính đến cuối tháng 7/2020, Việt Nam có 25,18 triệu con lợn, tương đương 81,9% quy mô chăn nuôi trước dịch tả lợn (khoảng 31 triệu con vào cuối năm 2018), bao gồm 2,93 triệu lợn nái, tăng 7,7% so với tháng 1/2020.
DỰ BÁO

Dự báo giá lợn trong nước chưa thể sớm về mức bình thường như trước đây được, do nguồn cung vẫn thiếu, dịch bệnh, chi phí chăn nuôi cao.

Ngân hàng Rabobank dự báo, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, Brazil và EU làm cho nguồn cung thịt lợn toàn cầu năm 2020 giảm 8% so với năm 2019. Sản lượng tại EU và Anh dự báo giảm 0,5% trong những tháng cuối năm 2020.
Theo dự thảo mới nhất về Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong nước giai đoạn 2020-2030 đã đặt ra mục tiêu sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt 5 - 5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt 6 - 6,5 triệu tấn; trong đó, xuất khẩu 15 - 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 - 25% thịt gia cầm và trứng.
Theo Rabobank, nhập khẩu thịt lợn và lợn hơi của Việt Nam trong năm 2020 dự báo tăng 60% so với năm 2019; trong khi sản lượng thịt lợn trong nước giảm 8 -11%, xuống còn 2,15 - 2,2 triệu tấn. Với lượng lợn nái được giữ lại, lợn giống nhập khẩu và đàn lợn ông bà tăng, dự báo sản lượng lợn hơi có thể sẽ phục hồi tốt hơn từ quý 4/2020.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, dự kiến đến tháng 10/2020, Việt Nam vẫn thiếu 1 triệu con lợn, sang năm 2021, khoảng cách cung - cầu dần thu hẹp. Dự báo đến tháng 4/2021, thiếu hụt 720.000 con lợn và tháng 10/2021 là 200.000 con .
Các chuyên gia cho rằng tác động của dịch tả lợn ASF sẽ kéo dài ít nhất tới tháng 3/2021, nên phải tới quí 2/2021 giá lợn hơi mới về mức 60.000 đồng/kg vì thực tế cho thấy, muốn tăng 600.000 con lợn cần phải có lượng con giống tương đương. Quá trình nuôi một con lợn nái đến lúc sinh sản phải 9 tháng. Hiện nay, Hà Nội mới phát triển thêm được 12.000 lợn nái. Như vậy, phải tới tháng 6/2021 mới có lợn giống ra thị trường, khi đó nguồn cung nhiều, giá sẽ hạ xuống.

Nguồn:VITIC