menu search
Đóng menu
Đóng

Xung quanh câu chuyện Qatar sẽ rời OPEC

21:00 04/12/2018

Vinanet -Ngày 3/12/2018, Qatar tuyên bố qsẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) vào tháng 1/2019 để tập trung vào sản xuất khí đốt. Tuyên bố này đã gây chấn động thị trường dầu mỏ đúng thời điểm giá đang giảm thấp, gần đây có những phiên dưới 50 USD/thùng – mức thấp chưa từng có trong vòng hơn một năm qua.
Với quyết định bất ngờ rút khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Qatar trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên rời OPEC kể khi được sáng lập năm 1960. Theo giới phân tích, mặc dù chỉ đóng góp một phần nhỏ vào sản lượng dầu mỏ của OPEC, song quyết định của Qatar đang đặt ra nhiều thách thức với tổ chức này.
Gia nhập OPEC từ năm 1961, Qatar là một trong số những nước sản xuất dầu mỏ nhỏ nhất trong khối 15 nước thành viên này, chỉ chiếm 2% tổng sản lượng OPEC, song là thành viên ảnh hưởng nhất trong thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), theo đó các nhà máy lớn của nước này sản xuất tổng cộng 77 triệu tấn LNG/năm - lớn nhất thế giới.
Về mặt lý thuyết, quyết định của Doha sẽ không gây tác động đáng kể đối với giá dầu vì thị phần trong tổng sản lượng của khối nhỏ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại việc hoạch định chính sách trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ trở nênthiếu ổn định, trong bối cảnh ngành này đối mặt với tình trạng cung vượt cầu khiến giá dầu giảm suốt giá 2 tháng qua.
Bên cạnh đó, động thái của Doha cũng phản ánh sự rạn nứt sâu sắc giữa nước này và các nước láng giềng vùng Vịnh kể từ tháng 6/2017 khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Việc Qatar rời khỏi OPEC làm gia tăng quan ngại rằng Saudi Arabia, Nga và Mỹ, ba nhà sản xuất dầu mỏ hàng dầu thế giới, sẽ giành thêm quyền kiểm soát trong việc đưa ra quyết sách dầu mỏ toàn cầu, khi địa chính trị đã trở thành một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới giá dầu.
Ông Albert Helmig, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Grey House, nhận định: "Sự bất ổn cao và giá giảm mạnh trong 60 ngày qua sẽ tác động lâu dài lên giao dịch dầu mỏ vào quý I/2019". Còn theo chuyên gia Ann-Louise Hittle thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie có trụ sở tại Edinburgh, Scotland, quyết định của Qatar "đưa ra vào thời điểm OPEC cần tìm ra một thỏa thuận trước sự hoài nghi của thị trường về khả năng kiểm soát sản lượng của tổ chức này". Chuyên gia Hittle cũng chỉ ra rằng những quốc gia nhỏ hơn thuộc OPEC đã đóng vai trò tương đối bị động trong việc đưa ra quyết sách của tổ chức và "có thể Qatar cũng nhận thấy nước này không thu được gì nhiều từ vai trò thành viên".
Cho dù Qatar không phải là một nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nếu so sánh với các thành viên khác trong OPEC, song quốc gia này lại là một trong những thành viên có tầm ảnh hưởng nhất. Doha giữ vai trò trung gian và cầu nối quan trọng giữa OPEC và các đối thủ dầu mỏ lớn khác, cũng như giúp xây dựng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ rất quan trọng giữa OPEC, Nga và các nhà sản xuất khác hồi năm 2016, giúp kéo giá dầu thoát khỏi mức thấp kỷ lục tại thời điểm đó.
Đối với OPEC, Qatar có tầm quan trọng lớn bởi sự khéo léo trong việc tiếp cận các cuộc đàm phán về chính sách năng lượng. Trong những năm gần đây, Qatar thường được xem là “chiếc cầu ngoại giao” giữa nhóm nước thuộc OPEC và các đối thủ khu vực. Do đó, theo Andy Critchlow, phụ trách mảng năng lượng tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) thuộc S&P Global Platts thì Qatar ra đi “OPEC không thực sự tồn tại nữa”.
“Việc này rất quan trọng. Trong 20 năm, tôi theo dõi OPEC, tôi không thể nghĩ được bất cứ điều gì to tát hơn kết quả này, và đây sẽ là một rủi ro hệ thống cho tương lai của OPEC”, ông Critchlow nhận định. Theo ông này, Qatar không phải là nước sản xuất dầu lớn, khi so sánh với các nước thành viên OPEC khác, song khi nhìn vào tổng sản lượng năng lượng của quốc gia này, Qatar có khả năng sản xuất hơn 6 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2022. “Đây là nước cung cấp năng lượng chính cho thế giới”.
Tương lai của OPEC đang đứng trước những thử thách mới. Đánh giá về quyết định của Qatar, Iran cho rằng động thái này cho thấy sự thất vọng của các nhà sản xuất nhỏ đối với vai trò chi phối của Saudi Arabia và Nga trong việc quyết định cắt giảm sản lượng nhằm giúp kiểm soát giá dầu. Quyết định này được đưa ra chỉ ít ngày trước khi OPEC và các nước đối tác dự kiến tổ chức cuộc họp tại thủ đô Vienna (Áo) và trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng về kinh tế và chính trị giữa Qatar với Saudi Arabia, quốc gia giữ quyền quyết định chủ chốt trong OPEC, vẫn chưa lắng dịu.
Về phía Qatar, phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Doha, Bộ trưởng al-Kaabi nói: "Quyết định rút khỏi OPEC của Qatar chỉ nhằm tập trung nỗ lực vào kế hoạch phát triển và gia tăng sản lượng khí tự nhiên". Bộ trưởng Al-Kaabi khẳng định tuyên bố này hoàn toàn xuất phát từ động cơ kinh doanh chứ không phải vì những căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước trong khu vực. Báo chí trích lời ông Al-Kaabi nói: "Chúng tôi chỉ là một thành viên nhỏ trong OPEC, và tôi là làm kinh doanh, tôi không tập trung vào những thứ không phải là thế mạnh của chúng tôi, trong khi chúng tôi lại có thế mạnh ở lĩnh vực khí đốt. Bởi vậy đó là lý do tại sao chúng tôi đã đưa ra quyết định này".
Trong 5 năm trở lại đây, lượng dầu mà Qatar sản xuất đã giảm dần từ khoảng 728.000 thùng/ngày trong năm 2013 xuống còn khoảng 607.000 thùng/ngày trong năm 2017, hoặc chỉ dưới 2% tổng sản lượng của OPEC.
Sheikh Hamad bin Jassim Al Thani, cựu Thủ tướng Qatar, gọi rút khỏi OPEC là một "quyết định khôn ngoan". "Tổ chức này đã không mang lại thêm gì cho chúng tôi". Trong tháng 10, giá dầu chạm mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây là 86 USD, nhưng sau đó giá đã giảm xuống trở lại còn khoảng 60 USD một thùng.
Qatar không phải là quốc gia đầu tiên rời khỏi OPEC. Indonesia, Gabon và Ecuador trước đó từng rời bỏ tổ chức dầu mỏ này và quay trở lại. Riêng Indonesia đã rút khỏi OPEC lần thứ hai hồi năm 2016 và vẫn chưa trở lại OPEC kể từ đó.
Các nhà phân tích của New York Times thì cho rằng hoạt động chuyển hướng sang LNG của Qatar hầu như không tạo ra xung đột lợi ích với các thành viên khác trong OPEC. Quốc gia này đã dành hàng thập kỷ xây dựng ngành công nghiệp khí đốt ngay khi đang là thành viên của OPEC.
Theo các nhà nghiên cứu thị trường năng lượng, động thái mới nhất của Qatar cho thấy quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này đang tìm kiếm địa vị thống trị trong thị trường LNG toàn cầu.
Doha đã phát triển nguồn tài nguyên khí đốt của họ thông qua mối quan hệ hợp tác với các công ty dầu mỏ chủ chốt như Exxon Mobil và Royal Dutch Shell. Như vậy, có thể thấy Qatar đã xác định rõ sự tập trung vào khí đốt tự nhiên, đặt cược vào nguồn tài nguyên khổng lồ mà họ đang kiểm soát này. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ LNG cũng ghi nhận sự phát triển nhanh hơn so với dầu mỏ hay khí đốt.

Nguồn:Vinanet