Các FTA được tận dụng để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường mới
Xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế trong năm 2024 khi đã đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên -Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam được coi như một trong những điểm sáng của thế giới trong việc tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới được hình thành, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tận dụng tương đối tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để gia tăng kim ngạch thương mại.
Trong đó, việc tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) là một trong những thước đo việc tận dụng hiệu quả các FTA. Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, số lượng C/O ưu đãi được cấp trong giai đoạn từ 2020 đến nay tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm, năm 2024 dự kiến tăng 18% so với năm 2023.
Về các ngành hàng xuất khẩu, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, việc thực hiện các FTA đã và đang mang lại cơ hội khơi mở xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang các thị trường mới. Đơn cử, Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo ra cơ hội lớn cho dệt may Việt Nam tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, New Zealand và cũng giúp doanh nghiệp thích ứng với cách thức mua hàng của nhà nhập khẩu trong khối, tạo ra sự tăng trưởng rất rõ khi xuất khẩu sang các nước nội khối, đặc biệt là châu Mỹ. Trong đó, xuất khẩu dệt may sang Mexico thời gian qua đã tăng đến hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam phân tích, CPTPP đã mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho doanh nghiệp sang các thị trường mới. Nếu trước đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang các nước trong khối CPTPP chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thì đến nay đã chiếm hơn 14%.
Hoặc đối với Hiệp định RCEP đã giúp doanh nghiệp tận dụng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ thuận lợi hơn so với các FTA khác. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Australia luôn ở mức cao. Các sản phẩm hàng hoá Việt Nam xuất sang Australia có tỷ trọng lớn nhất là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, máy vi tính, dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ hải sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Australia các sản phẩm than đá, quặng sắt, bông, lúa mì, kim loại, rau quả…
Để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương đã tập trung vào 2 định hướng, đó là tìm ra chuỗi cung ứng mới để phát triển, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng trong tương lai và việc này đã có thành tựu đầu tiên, đó là Việt Nam đã đưa FTA giữa Việt Nam - Isarel vào thực thi cũng như ký FTA Việt Nam – UAE. Đây là những hiệp định thương mại tự do ở khu vực mà trước đây Việt Nam chưa có quan hệ thương mại tự do.
“Rõ ràng về tiềm năng, những thị trường ở khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, thậm chí cả nhiều nước châu Phi còn rất nhiều dư địa để chúng ta có thể phát triển thời gian tới. Đây là lý do các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương nỗ lực đàm phán để ký kết các FTA mới” – ông Lương Hoàng Thái chia sẻ.
Theo đó, với UAE, đây là nơi trung tâm của khu vực và có nguồn tiềm năng về vốn, dịch vụ logistics và cảng trung chuyển rất lớn, không chỉ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, thậm chí gắn kết với Ấn Độ và nhiều nơi khác, do đó đây là một “cửa ngõ” chúng ta quyết tâm khai thông kết nối với “cửa ngõ” này để tận dụng nhưng tiềm năng kết nối giữa hai nền kinh tế.
Còn FTA với Isarel, có thể thấy, khoa học công nghệ là một trong những động lực rất quan trọng để tạo ra tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao, dài hạn và Isarel được coi là một trong những hình mẫu thành công về mặt khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nơi có rất nhiều nguồn công nghệ kỹ năng để từ đó Việt Nam có thể học tập. Cho nên mặc dù đây là thị trường về quy mô tương đối nhỏ về xuất khẩu nhưng cũng là thị trường rất tốt nếu gắn kết được với nền kinh tế này.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu của ta hiện vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).
Về tổng thể, đối với 20% xuất khẩu còn lại, thị trường tương đối phân mảnh, nếu như doanh nghiệp với quy mô nhỏ mà tự đi tìm những thị trường này sẽ rất khó. Do vậy, chủ trương chung của Chính phủ chỉ đạo và Bộ Công Thương quyết tâm triển khai đó là Nhà nước sẽ mở ra thị trường ban đầu, tạo ra kết nối, từ đó tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để khởi động đàm phán nhiều FTA khác với khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh - là những khu vực còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển thời gian tới. Trong đó, Việt Nam đã có những kết nối và đưa ra đề xuất để có thể nghiên cứu, xây dựng hiệp định thương mại với khối Mercosur (gồm các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay). Khi kết nối được với các đối tác này thông qua FTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc.
Xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế trong năm 2024 khi tiến lên gần mốc 800 tỷ USD. Đóng góp quan trọng vào kết quả chung đó là nhờ việc đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế, khai mở thị trường, giúp doanh nghiệp kết nối với nhiều đối tác quốc tế.
Nguồn:Lan Phương/congthuong.vn/