menu search
Đóng menu
Đóng

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo hướng ổn định, cân bằng và bền vững

13:20 29/02/2024

Trong những năm qua, Việt Nam và Trung Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thương mại song phương giữa Việt Nam với thị trường Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hai bên tăng cường mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của nhau. Nhờ đó, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục đạt tốc độ tăng trưởng khả quan, nhất là đối với nhóm hàng nông sản.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn 2020-2023
Đơn vị tính: Tỷ USD

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 171 tỷ USD, giảm 2,59% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 61,2 tỷ USD, vẫn tăng 5,65% trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 110,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước. Đây được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn khiến hoạt động xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực sụt giảm.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong giai đoạn 2013 – 2023

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2023 có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong đó, 2 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD gồm: Điện thoại và linh kiện (16,87 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,05 tỷ USD). Các nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD khác gồm: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… Đáng chú ý, nhóm hàng nông sản đạt mức tăng trưởng xuất khẩu kỷ lục sang thị trường này, với hai mặt hàng tiêu biểu là rau quả (đạt 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm trước) và gạo (đạt 530,6 triệu USD, tăng 22,7%).

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 01/2024


Nguồn: Tổng cục Hải quan

Ở chiều ngược lại, trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 110,64 tỷ USD, giảm 6,62% so với năm trước. Trong đó, có 17 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; 2 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (23,4 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (22,5 tỷ USD).
Bước sáng tháng 1/2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc tổng 11,8 tỷ USD, tăng 15,01% so với tháng trước và tăng 64,36% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với trị giá đạt 2,6 tỷ USD, tăng 16,56% so với tháng trước và tăng 74,52% so với cùng tháng năm trước, chiếm tỷ trọng 22,07% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Trung Quốc trong tháng 01/2024

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam. Bất chấp bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt.
Hiện tiềm năng thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương giữa Việt Nam - Trung Quốc (như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)). Trong giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CTCPP)….
Để tiếp tục phát triển mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới theo hướng cân bằng, ổn định, bền vững, các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một số nhóm giải pháp gồm: Thứ nhất, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch tổng thể để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu qua biên giới, đảm bảo thông thoáng, không chồng chéo. Khuyến cáo các địa phương có nông sản xuất khẩu chủ động xây dựng kế hoạch thu hoạch, điều tiết hàng hóa xuất khẩu phù hợp với năng lực các cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa. Thứ hai, xây dựng quy chế về quản lý kiểm dịch,vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu cùng hệ thống giám sát, kiểm tra và công nhận từ khâu sản xuất để đảm bảo quy mô, chất lượng và nâng cao uy tín hàng hóa. Thành lập thêm cửa khẩu phụ để mở rộng phát triển kinh tế - xã hội của hai bên biên giới. Tiếp tục khai thác và gia tăng sự hợp tác về đường sắt, đường bộ, đường sông và đường hàng không.
Thứ ba, phát huy tốt vai trò của Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung và các cơ chế hợp tác liên quan; thực hiện tốt các văn kiện hợp tác kinh tế thương mại song phương. Thứ tư, đẩy nhanh các cuộc đàm phán, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu chính thức các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình giao thương. Thứ năm, tăng cường cập nhật và dự báo chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách và tiêu chuẩn về môi trường/tiêu chuẩn sản phẩm, thông tin cụ thể về chính sách tồn trữ, chiến lược phát triển ngành, chính sách bảo vệ môi trường và dự báo dòng dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, triển khai nhanh các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận. Các doanh nghiệp lựa chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc. Thứ hai, tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, chào hàng thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm và hội thảo chuyên đề được tổ chức tại Việt Nam hoặc Trung Quốc...Chú trọng xây dựng quảng bá và bảo hộ thương hiệu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Thông tin chi tiết xem tại đây

Nguồn:VITIC tổng hợp