Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các nội dung đã thống nhất tại Phiên 1, ngày 23/2/2023, Phiên họp lần 2 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức đã được tổ chức tại Berlin dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức Udo Philipp. Tham dự Phiên họp có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, đại diện các tổ chức, hiệp hội, đơn vị chức năng liên quan cùng đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam và Đức.
Tại cuộc họp lần này, hai bên đã trao đổi, đánh giá tổng quan về quan hệ kinh tế song phương cũng như thảo luận về các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực quan tâm chung như năng lượng, an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp 4.0, việc tháo gỡ các rào cản thương mại cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến, trong đó có dịch vụ, logistics để tận dụng một cách tối đa lợi ích mang lại từ Hiệp định EVFTA.
Trong khuôn khổ phiên họp, các doanh nghiệp hai bên cũng đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi trực tiếp cũng như chia sẻ, đóng góp ý kiến với đại diện các đơn vị chức năng hai bên.
Kết thúc Phiên họp, hai bộ đã thống nhất phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới và ký kết Biên bản Phiên họp lần hai Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Đức, đồng thời xác định thời gian cho Phiên họp lần thứ 3 trong năm 2025.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam được Đức xếp hạng đối tác thương mại thứ 33/232 nước xuất khẩu hàng hoá vào Đức, hạng 49/206 nước nhập khẩu hàng hoá từ Đức. Tuy vậy, Đức vẫn coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng và là bạn hàng quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, khi Hiệp định EVFTA Việt Nam – EU đã có hiệu lực và phát huy được hiệu quả.
Tính đến hết tháng 12/2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Đức đạt gần 12,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, tăng 23,1%, chiếm hơn 71% giá trị xuất nhập khẩu với các mặt hàng xuất khẩu chính là máy móc thiết bị, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, thủy sản... Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 3,6 tỷ USD, giảm nhẹ 8,2%, tập trung các mặt hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô... Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu cũng các bất ổn về địa chính trị tại châu Âu.
Là nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á. Tuy nhiên, đầu tư của Đức vào Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn hai bên.
Đến hết năm 2022, Đức có 441 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,37 tỷ USD, đứng thứ 18/141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kĩ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm.
Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: Daimler – Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes – Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Siemens...
Nguồn:Haiquanonline