menu search
Đóng menu
Đóng

Thúc đẩy xuất khẩu từ các “thị trường mới” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn

15:44 30/08/2024

Xuất khẩu phục hồi trong 7 tháng đầu năm 2024 nhưng vẫn nhiều khó khăn thách thức
 
7 tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas tiếp tục leo thang, có dấu hiệu lan rộng ra các quốc gia lân cận. Cuộc chiến chống lạm phát của các nước trên thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Nhu cầu thế giới đã có tín hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn tồn tại những yếu tố khó khăn: nguồn hàng dư thừa giá rẻ của Trung Quốc được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác; các rào cản kĩ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, giá cước vận tải biển tăng rất cao đặc biệt đối với các tuyến từ châu Á đi Hoa Kỳ và EU do vấn đề xung đột tại biển Đỏ; tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng biển của châu Á như Thượng Hải, Singapore,... 
Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2024 là một điểm sáng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 440,45 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16%; kim ngạch nhập khẩu đạt 212,97 tỷ USD, tăng 18,5%.
Một điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024 là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt trên 20%, cao hơn nhiều so tốc độ tăng 14,2% của khối doanh nghiệp FDI. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,7%; nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 9,6%. Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống là thế mạnh của Việt Nam đã tăng trưởng cao trở lại phản ánh sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.
Về nhập khẩu, có tới 46/53 nhóm hàng chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 13,5 tỷ USD, tương đương 29,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (tăng 3,8 tỷ USD, tương đương 16,5%); sắt thép các loại (tăng 1,28 tỷ USD, tăng 22,9%). Nhìn chung, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất với kim ngạch nhập khẩu chiếm hơn 90%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 66,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 79,62 tỷ USD.
Mặc dù kết quả xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm của nước ta tương đối tích cực, cho thấy sự phục hồi đáng ghi nhận của hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên sự tập trung hoạt động thương mại hàng hóa vào các thị trường lớn cũng tăng dần. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 37% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Các thị trường tiềm năng cần thúc đẩy xuấy khẩu trong thời gian tới
Nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn cho xuất nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu hiện nay, một trong những giải pháp quan trọng là cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường truyền thống. Đây cũng là một trong các giải pháp được định hướng tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030.
(i) Các thị trường lân cận
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển hướng tập trung thâm nhập các thị trường lân cận để tận dụng lợi thế về logistics và tránh các rủi ro do căng thẳng ở Biển Đỏ buộc các hãng tàu phải chuyến hướng để đảm bảo an toàn đối với các lô hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU. Cụ thể, đối với các đơn hàng xuất khẩu quý 3 - 4, doanh nghiệp trong nước có thể chuyển sang tìm kiếm từ các thị trường lân cận tiềm năng và thuận lợi hơn trong khâu vận tải như Campuchia, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và một số thành phố khác của Trung Quốc.
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam, chiếm 98% tổng kim ngạch. Các thị trường này có nhiều lợi thế cho rau quả của Việt Nam do khoảng cách gần, thời gian vận chuyển nhanh, chi phí vận chuyển thấp và an toàn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, các công ty Việt Nam vẫn còn dư địa để cải thiện tăng trưởng xuất khẩu và quốc gia này có sức mua cao, nhu cầu đa dạng, cùng với văn hóa tiêu dùng tương tự Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam và Malaysia đang nỗ lực hướng tới kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030 nên có nhiều cơ hội để nắm bắt.
Có thể nói, các thị trường lân cận là mục tiêu xuất khẩu trọng điểm, có thể khai thác để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
(ii) Thị trường Halal
Ngành Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi, mang đến cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu trong lĩnh vực này.
Hiện nay, thị trường Halal không ngừng tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của dân số cộng đồng Hồi giáo, dự báo sẽ tăng từ 1,8 tỷ năm 2017 lên 3 tỷ vào năm 2060 (MATRADE). Thị trường Halal toàn cầu ước tính trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 2,8 nghìn tỷ USD trong những năm tới. Tiêu chuẩn Halal đã được công nhận trên toàn cầu, đặc biệt về vệ sinh an toàn, đã và sẽ mang lại cơ hội lớn cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam khi tiếp cận thị trường này.
Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường ASEAN (Malaysia, Brunie), Trung Đông, châu Phi là rất lớn, nơi có nhu cầu cao về các sản phẩm Halal, đặc biệt là nông sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về hải quan, xu hướng tiêu dùng, quy định về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại châu Phi và Trung Đông khi muốn mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm Halal, ra thị trường.
Bộ Công Thương hiện đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Sau khi Hiệp định có hiệu lực, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal sẽ rộng mở hơn.
(iii) Các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan
Mô tả bối cảnh kinh tế toàn cầu từ năm 2023 đến năm 2026, ADB nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục có xu hướng giảm, đối mặt với những khó khăn liên tục và chưa chạm đáy. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm sẽ chậm hơn trước, khi bị ảnh hưởng bởi những lo ngại hậu Covid, xung đột Nga-Ukraine và các xung đột toàn cầu khác. Trong khi các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các nền kinh tế ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, đang có mức tăng trưởng thấp và chậm lại thì khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ có triển vọng tăng trưởng cao nhất.
Với các diễn biến thị trường như trên, Bộ Công Thương xác định tập trung đổi mới, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới nổi, các thị trường còn tiềm năng còn nhiều dư địa phát triển, các thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan. Các doanh nghiệp cũng cần quan tâm, chú trọng phát triển các thị trường mới này để hoạt động thương mại được phát triển ổn định, bền vững, giảm tác động bởi các cú sốc thương mại.
Các mặt hàng cần tập trung xuất khẩu
Thứ nhất, tập trung thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng đang có triển vọng phục hồi như dệt may, da giày, túi xách thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Thứ hai, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng bám sát quan điểm Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 gồm: các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường của thị trường nhập khẩu.
Thứ ba, tập trung xúc tiến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm doanh nghiệp trong nước có lợi thế như: Sản phẩm nông sản, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nguồn:VITIC tổng hợp