menu search
Đóng menu
Đóng

Vương quốc Bỉ - đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu

08:27 11/11/2019

Vinanet -Vương quốc Bỉ hiện đứng thứ 6/27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ thương mại với Việt Nam, với tổng kim ngạch trao đổi hai chiều năm 2018 lên tới 2,88 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Bỉ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2017.
Sang năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Bỉ 9 tháng đầu năm 2019 đạt 2,32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD tăng 6,59% và nhập khẩu 445,43 triệu USD, tăng 31,75% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, 9 tháng đầu năm 2019 Việt Nam đã xuất siêu sang Bỉ 1,4 tỷ USD.
Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Bỉ 9 tháng đầu năm nay chủ yếu là nhóm hàng giày dép, chiếm 43,76% tỷ trọng đạt 822,9 triệu USD, tăng 20,91% so với cùng kỳ, riêng tháng 9/2019 cũng đã xuất sang Bỉ 74,54 triệu USD, giảm 5,84% so với tháng 8/2019 nhưng tăng 18,34% so với tháng 9/2018.
Kế đến là hàng dệt may đạt 257,1 triệu USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ, riêng tháng 9/2019 đạt 26,22 triệu USD, giảm 29,89% so với tháng 8/2019 nhưng tăng 67,18% so với tháng 9/2018.
Tiếp theo là các mặt hàng thủy sản, cà phê, sắt thép, túi xách, máy móc thiết bị, sản phẩm sắt thép….
Nhìn chung 9 tháng đầu năm 2019 kim ngạch các mặt hàng xuất sang Bỉ hầu hết đều tăng trưởng, số này chiếm 55% trong đó mặt hàng gạo tăng vượt trội gấp 2,5 lần về lượng (tức tăng 145,3%) và gấp 2,9 lần về trị giá (tức tăng 189,75%) so với cùng kỳ tuy đạt 1,2 nghìn tấn, trị giá 882,9 nghìn USD, giá xuất bình quân 690,89 USD/tấn, tăng 18,12%. Riêng tháng 9/2019 cũng đã xuất sang Bỉ 482 tấn gạo, trị giá 326,2 nghìn USD, giá bình quân 676,94 USD/tấn, tăng 100,83% về lượng và 160,2% trị giá, giá bình quân tăng 29,56% so với tháng 8/2019.
Về thương mại nông sản, kim ngạch trao đổi hai chiều năm 2018 đạt xấp xỉ 413 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Bỉ chủ yếu là thủy sản, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gạo, gỗ cùng các sản phẩm từ gỗ và nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc, nguyên liệu, thuốc trừ sâu và phân bón các loại của Bỉ. Việt Nam đã mở cửa cho thịt bò và quả lê tươi từ Bỉ vào thị trường Việt Nam. Phía Bỉ cũng đã mở cửa tự do cho mặt hàng rau củ của Việt Nam và thực hiện chế độ hậu kiểm.
Năm 2019 tính từ đầu năm đến hết tháng 9, ngoài mặt hàng gạo xuất sang Bỉ tăng mạnh vượt trội, thì hầu hết mặt hàng nông sản đều sụt giảm, trong đó giảm nhiều nhất là hạt tiêu, giảm 14,55% về lượng, 28,01% trị giá và giá bình quân giảm 15,75% chỉ với 323 tấn, 1,1 triệu USD và giá bình quân 3511,11 USD/tấn. Giảm nhiều thứ hai phải kể đến nhóm hàng cao su, giảm 13,57% về lượng và 22,84% trị giá, giá bình quân giảm 10,73% tương ứng với 3,6 nghìn tấn; 3,5 triệu tấn, giá bình quân 986,58 USD/tấn.
Thống kê hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Bỉ 9 tháng năm 2019

Mặt hàng

 

 

9 tháng năm 2019

 

+/- so với cùng kỳ 2018 (%)*

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Lượng

Trị giá

Tổng

 

1.880.233.570

 

6,59

Giày dép các loại

 

822.904.064

 

20,91

Hàng dệt, may

 

257.173.678

 

39,4

Hàng thủy sản

 

97.638.856

 

-15,29

Cà phê

58.273

91.863.108

8,42

-3,52

Sắt thép các loại

129.115

85.462.553

-42,25

-50,5

Túi xách, ví,vali, mũ và ô dù

 

84.088.814

 

0,67

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác

 

71.304.579

 

13,61

Sản phẩm từ sắt thép

 

48.257.805

 

-28,06

Gỗ và sản phẩm gỗ

 

29.930.831

 

14,71

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

 

29.860.626

 

-10,74

Hạt điều

3.486

28.466.460

48,21

21,51

Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận

 

24.561.867

 

0,33

Sản phẩm từ chất dẻo

 

20.333.510

 

-25,8

Đá quý, kim loại quý và sản phẩm

 

15.750.075

 

46,09

Sản phẩm mây, tre, cói và thảm

 

5.492.478

 

33,48

Cao su

3.600

3.551.692

-13,57

-22,84

Sản phẩm từ cao su

 

3.055.367

 

-20,19

Sản phẩm gốm, sứ

 

2.025.988

 

-31,04

Hạt tiêu

323

1.134.090

-14,55

-28,01

Gạo

1.278

882.962

145,3

189,75

(*Tính toán số liệu từ TCHQ)

Theo TTXVN, trong kỳ họp thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Bỉ về hợp tác kinh tế được tổ chức tại thủ đô Brussels của Vương quốc Bỉ, phía Việt Nam có ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu đoàn công tác liên ngành, phía Bỉ ông Bruno Vander Luijm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác phát triển của Bỉ đồng chủ trì.

Liên quan đến Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU), Thứ trưởng Vũ Đại Thắng bày tỏ mong muốn Vương quốc Bỉ với vai trò quan trọng ở châu Âu sẽ ủng hộ và tích cực vận động để EU sớm phê chuẩn các hiệp định.
Trong khuôn khổ Thỏa thuận đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để tạo thuận lợi hóa thương mại, thành lập cơ chế trao đổi thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thông qua kết nối các vùng nguyên liệu với các cảng biển và cơ sở logistic của Bỉ và Việt Nam, triển khai thực hiện chuỗi giá trị đối với các sản phẩm cà phê, ca cao, chăn nuôi, thủy sản và rau quả.
Về hợp tác đầu tư, tính đến ngày 30/9/2019, Vương quốc Bỉ có 70 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 1,03 tỷ USD, đứng thứ 23/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cấp nước và xử lý nước thải, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú, sản xuất phân phối điện, khí nước điều hòa, nông-lâm nghiệp, thủy sản. Tại cuộc họp, phía Việt Nam mong muốn Chính phủ Bỉ, vùng Flanders, Wallonie-Bruxelles và vùng Thủ đô Bruxelles thúc đẩy các doanh nghiệp Bỉ đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Bỉ có tiềm năng, có lợi thế cao với các quốc gia khác. Phía Bỉ khẳng định sự quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, các cơ quan Việt Nam và Cơ quan phát triển Bỉ (ENABEL) đã hoàn thành toàn bộ 12 dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác định hướng Việt Nam - Bỉ giai đoạn 2011-2015 (ICP 2011-2015). Phía Bỉ khẳng định trong thời gian tới, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước sẽ mở ra các kênh và phương thức hợp tác mới thông qua các tổ chức phi chính phủ, các vùng, quan hệ đối tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu của hai nước.
Kết thúc kỳ họp, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường, làm sâu sắc và toàn diện hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – Bỉ trên các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học- kỹ thuật, giáo dục - đào tạo.
Nguồn: VITIC