Phát biểu tại Hội chợ Đá quý và Trang sức Bangkok lần thứ 67, ông Jurin Laksanawisit nhấn mạnh giá trị xuất khẩu đá quý và đồ trang sức, không bao gồm vàng, của Thái Lan đạt 4,48 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông cho rằng xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ chủ yếu là nhờ sự nâng cao về trình độ sản xuất với nhiều thợ thủ công lành nghề trong đánh bóng, rèn và thiết kế sản phẩm.
Ông Jurin nêu rõ: “Chính sách của Bộ Thương mại là hỗ trợ tổ chức các hội chợ thương mại quốc tế để đưa Thái Lan trở thành một trong những trung tâm kim hoàn và đá quý của thế giới”.
Đá quý và đồ trang sức là ngành công nghiệp quan trọng của Thái Lan, với hơn 90% doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng 664.000 lao động trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Xuất khẩu đá quý và đồ trang sức đứng thứ 5 về giá trị trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thái Lan, sau xuất khẩu ô tô và phụ tùng, máy tính và phụ kiện, sản phẩm cao su và hạt nhựa. Năm 2021, giá trị xuất khẩu đá quý và đồ trang sức (không bao gồm vàng) của Thái Lan đạt 6,16 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2020.
Các thị trường xuất khẩu đá quý và đồ trang sức của Thái Lan tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua, bao gồm Anh (tăng 135% so với cùng kỳ năm ngoái), Thụy Sĩ (tăng 70,4%), Ấn Độ (tăng 60,7%), Mỹ (tăng 51,3%), Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (tăng 29,8%), Bỉ (tăng 21,2%), Australia (tăng 10,7%) và Nhật Bản (tăng 6,49%).
Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nhanh, bao gồm đồ trang sức bạch kim (tăng 51,9%), đá quý cứng đánh bóng (tăng 38,5%), kim cương được mài và cắt (tăng 35,1%), đồ trang sức bằng vàng (tăng 31,8%), bạc (tăng 24,1%), đồ trang sức bằng bạc (tăng 21,7%), ngọc bích (tăng 17,4%) và đồ trang sức nhân tạo đánh bóng (tăng 9,7%).
Ông Jurin Laksanawisit lưu ý thêm rằng Bộ Thương mại nước này theo đuổi chính sách xuất khẩu chủ động để thúc đẩy Thái Lan trở thành trung tâm đá quý và đồ trang sức toàn cầu cũng như tạo quan hệ đối tác với các thị trường mới thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô nhỏ, tập trung vào các tỉnh, thành phố, vùng đô thị ở các quốc gia khác.
Vào tháng 7/2021, Bộ Thương mại Thái Lan đã ký FTA với thành phố Kofu ở tỉnh Yamanashi, một trung tâm trong lĩnh vực đá quý và đồ trang sức của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh doanh.
Trong khi đó, bà Prapee Sorakraikitikul - Cố vấn của Hội đồng Thương mại Thái Lan - cho biết hoạt động buôn bán đá quý và đồ trang sức của Thái Lan đã tăng trưởng tốt hơn dự kiến và giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2022 có thể tăng vượt mức 20%.
Tuy nhiên, bà Prapee Sorakraikitikul thừa nhận đơn đặt hàng có thể giảm nhẹ trong quý IV/2022 do một số nền kinh tế như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại./.
Nguồn:Đỗ Sinh - Huy Tiến/TTXVN