Lâm sản xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) diễn ra chiều ngày 28/12, ông Bùi Chính Nghĩa- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, tăng 20 % so với kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD, xuất lâm sản ngoài gỗ đạt 1,15 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD tăng 21,2% so với cùng kỳ. “Đến hết tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản cả nước; đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Giá trị xuất siêu lâm sản lớn nhất trong nhóm các ngành nông lâm thủy sản đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của ngành”, ông Bùi Chính Nghĩa cho hay.
Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022
Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT)
Ông Nguyễn Văn Diện- Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp-đánh giá, năm 2021 là năm toàn ngành Lâm nghiệp chịu rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó, riêng với ngành sản xuất, chế biến lâm sản, không chỉ có khó khăn về dịch bệnh mà còn về các phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, với kết quả thành công trong việc khép lại vụ Điều tra 301 của Hoa Kỳ đã góp phần quan trọng để giúp tăng kim ngạch xuất khẩu lâm sản. "Với con số đạt được cả năm nay với 15,87 tỷ USD là con số rất phấn khởi, ấn tượng bởi chỉ cách vài tháng trước đó rất khó khăn. Kết quả trên là sự phục hồi ngoạn mục của cộng đồng doanh nghiệp trong 3 tháng cuối năm", ông Nguyễn Văn Diện cho biết thêm.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, vụ Điều tra 301 về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp của Hoa Kỳ khép lại không chỉ là tin vui với ngành gỗ mà phía Hoa Kỳ đã lấy Việt Nam làm mẫu hình về thỏa thuận thương mại bền vững trên toàn cầu. phía Hoa Kỳ cho biết sẽ gửi chuyên gia sang để hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch chuyển đổi ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển bền vững, điều này sẽ tác động tích cực tới thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản trong thời gian tới.
Cần giải quyết tốt bài toán về nguồn nguyên liệu, năng lực chế biến
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Ngành gỗ là một trong 5 ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đối mặt với thách thức không nhỏ khi giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục trong thời gian gần đây. Khan hiếm về container làm chậm thời gian giao hàng. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại.
Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm đó là phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán. Khai thác 31,5 triệu m3 gỗ. Phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỷ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.000 tỷ đồng.
Ông Lê Quốc Doanh nhận định, bước sang năm 2022, tình hình còn rất phức tạp, nhất là dịch bệnh Covid-19 chưa biết lúc nào kết thúc, đến vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu, thị trường diễn biến thất thường. Do đó, ngành Lâm nghiệp không được chủ quan, dù đã đạt được những kết quả ấn tượng nhưng vẫn phải hết sức bình tĩnh, ứng phó chủ động để làm được chủ tình hình. Để đạt được mục tiêu mà ngành đặt ra, cần tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng. Ví dụ như cây keo, trước đây chúng ta chỉ sử dụng gỗ keo làm ván dăm, giấy nhưng giờ nếu biết chăm sóc, nghiên cứu giống mới thì có thể chế biến thành các sản phẩm gỗ đạt giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa chế biến và vùng nguyên liệu cũng cần đẩy mạnh hơn. Về phía doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực chế biến để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Về phía Tổng cục Lâm nghiệp, ông Bùi Chính Nghĩa cho hay, trong năm 2022, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp;…
Nguồn:Nguyễn Hạnh/https://congthuong.vn/