menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Singapore tăng tốc trong 2 tháng đầu năm 2024

09:33 22/03/2024

Trong nhiều năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Singapore đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia và cả khu vực Đông Nam Á. Với một lịch sử hợp tác lâu dài và cơ sở hợp tác chặt chẽ, quan hệ bền vững giữa hai nước không chỉ giúp tăng cường giao lưu thương mại mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác đa phương.
Việt Nam và Singapore hiện đều là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời đã tham gia vào nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những thỏa thuận này không chỉ giúp loại bỏ các rào cản thương mại mà còn đang tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác đầu tư và phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Singapore.
Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam – Singapore giai đoạn 2020-2023

Đơn vị tính: Tỷ USD

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Một trong những điểm mạnh của quan hệ thương mại giữa hai quốc gia là sự đa dạng trong lĩnh vực hợp tác. Việt Nam thường xuất khẩu sang Singapore các mặt hàng điện tử, dệt may, sắt thép…. và nhập khẩu từ Singapore các mặt hàng chế biến, chế tạo, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hóa chất, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh, chất dẻo nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác… Nhìn chung, chủng loại hàng hóa của hai nước có tính bổ sung cho nhau. Sự bổ sung này giữa hai nền kinh tế làm cho mối quan hệ trở nên cân bằng và có tính đa dạng hơn.
Ngoài ra, Singapore cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Với vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng phát triển, Singapore là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng thị trường.

Các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Singapore trong năm 2023 (Việt Nam xếp thứ 21)
Đơn vị tính: %

Nguồn: Trademap.org

Theo số liệu thống kê từ Trademap, trong năm 2023, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 21 của Singapore, chiếm tỷ trọng 1,16% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Singapore. Đứng đầu trong danh sách này là các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Singapore năm 2023 đạt 9,09 tỷ USD, giảm 0,66% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,38 tỷ USD, tăng 1,59% so với năm 2022; nhập khẩu đạt 4,71 tỷ USD, giảm 2,66% so với năm 2022. Với kết quả này, hiện Singapore là thị trường xuất khẩu lớn thứ 20 của Việt Nam trên thế giới và lớn thứ 6 trong khu vực ASEAN.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore trong giai đoạn 2013 – 2023
Đơn vị tính: Tỷ USD, %

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Singapore đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 1,24% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Trong đó đứng đầu là những nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (830,65 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (781,48 triệu USD); hàng hóa khác (432,56 triệu USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (372,75 triệu USD); thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (372,75 triệu USD); điện thoại các loại và linh kiện (243,29 triệu USD) … Riêng trong tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Singapore đạt 342,64 triệu USD, giảm 13,77% so với tháng trước đó và giảm 11,5% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Singapore đạt 736,98 triệu USD, tăng 8,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng qua, máy ví tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Singapore lớn nhất, với kim ngạch đạt 145,06 triệu USD, tăng 0,54% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 19,68% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Singapore.

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Singapore trong hai tháng đầu năm 2024

(ĐVT: Triệu USD)

   Nguồn: Tổng cục Hải quan

Ở chiều ngược lại, trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Singapore đạt 4,71 tỷ USD, giảm 2,66% so với năm trước. Trong đó, các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực gồm: xăng dầu các loại (1,82 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (422,43 triệu USD); chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh (398,41 triệu USD); sản phẩm khác từ dầu mỏ (392,79 triệu USD); chế phẩm thực phẩm khác ( 270,1 triệu USD)…
Trong tháng 2/2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Singapore tổng 410,42 triệu USD, tăng 20,04% so với tháng trước đó, nhưng giảm 0,81% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu từ Singapore tổng 751,98 triệu USD, giảm 7,46% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, xăng dầu các loại là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu của nước ta từ Singapore trong 2 tháng đầu năm với trị giá nhập khẩu trong tháng 2/2024 đạt 207,69 triệu USD, tăng 140,04% so với tháng trước và tăng 20,52% so với cùng tháng năm trước; trị giá nhập khẩu mặt hàng này trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 294,02 triệu USD, giảm 24,14% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 39,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ Singapore.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Singapore trong 2 tháng đầu năm 2024                                                                            Nguồn: Tổng cục Hải quan

Những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Singapore luôn phát triển tích cực và tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Singapore được ký kết tháng 12/2020 đã mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực thương mại. Đối với thị trường xuất nhập khẩu truyền thống, cơ cấu hàng Việt Nam sang thị trường Singapore tương đối bền vững. Đặc biệt, Singapore hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập khẩu, do đó đây là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam như hàng nông sản, thủy sản, dệt may, thực phẩm chế biến….
Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực với 16 FTA, trong đó có một số FTA thế hệ mới như CPTPP và RCEP. Việt Nam và Singapore cũng có FTA với EU và Anh. Nhờ vậy, hai nước có thể tận dụng từ các FTA đã ký kết để tăng cường hợp tác, đặc biệt cùng thâm nhập các thị trường thứ ba trên cơ sở tận dụng nguyên tắc xuất xứ để phối hợp sản xuất OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc), khai thác thương hiệu và mạng lưới đối tác nhập khẩu, phát triển các cơ chế hợp tác logistics và thương mại điện tử…
Để khai thác, mở rộng các thị trường mới, tăng kim ngạch hai chiều, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore cần tăng cường trao đổi đoàn kết nối, thăm dò thị trường, xây dựng phát triển thương hiệu và hợp tác phân phối tập trung vào các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh.Việt Nam có lợi thế trong sản xuất nông sản, hàng dệt may và điện tử, trong khi Singapore có lợi thế trong dầu khí, hóa chất và sản phẩm công nghiệp. Việc tăng cường hợp tác và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao từ mỗi quốc gia sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối về nghiên cứu, hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch, kiểm nghiệm giữa các đơn vị hữu quan của Việt Nam và Singapore, nhằm từng bước hợp quy tiêu chuẩn giữa hai nước để giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến. Đồng thời, hai nước cần tăng cường quảng bá thương hiệu để thu hút các đối tác và khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và là một cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam và Singapore để mở rộng thị trường và tăng cường hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, vì vậy doanh nghiệp hai nước cần đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại điện tử và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Đối với Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thời gian tới, Thương vụ cũng sẽ tập trung triển khai một số các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam như: Trưng bày hàng hóa, quảng bá sản phẩm quảng bá thương hiệu, tăng cường kết nối giao thương, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, chào hàng và trưng bày sản phẩm ở các sự kiện tại Singapore. Hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam. Kỳ vọng những nỗ lực trên của của Chính phủ, các cơ quan, ban ngành cùng các doanh nghiệp sẽ tạo đà cho quan hệ thương mại Việt Nam – Singapore ngày càng phát triển lên tầm cao mới.

Nguồn:Vinanet/VITIC

Link gốc