menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu tôm phục hồi tốt trong cuối năm

08:15 14/12/2021

Mặc dù phải chống chọi với dịch bệnh để sản xuất an toàn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam đã nỗ lực mở rộng thị trường, tận dụng lợi thế xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, CPTPP là thị trường lớn thứ hai về nhập khẩu tôm của Việt Nam sau Mỹ, chiếm 25% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam đi các thị trường.
Tính tới tháng 11 năm nay, XK tôm Việt Nam sang khối thị trường CPTPP ước đạt 905,2 triệu USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính trong khối CPTPP có xu hướng phục hồi trong giai đoạn cuối năm.
CPTPP là thị trường XK quan trọng của các doanh nghiệp tôm Việt Nam với nhiều lợi thế sau khi Hiệp định CPTPP được thực thi. Trong năm nay, trong số Top 4 thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất trong khối, XK tôm sang Nhật Bản phục hồi chậm trong khi XK tôm sang các thị trường Canada, Australia, Singapore có xu hướng phục hồi tốt. Các thị trường Canada, Australia, Singapore được coi là những khu vực kiểm soát khá tốt dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tại đây không bị ảnh hưởng nhiều.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối CPTPP. Tính tới tháng 11 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 534,5 triệu USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang Nhật Bản trong năm nay không ổn định: tăng từ tháng 3 đến tháng 7 trong khi giảm từ tháng 8 đến tháng 11. Tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản không ổn định lại thêm ảnh hưởng xấu từ làn sóng Covid-19, nhà hàng hạn chế hoạt động, làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Canada là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam trong khối CPTPP. Tính tới tháng 11 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Canada ước đạt 166,5 triệu USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, XK tôm sang Canada sau khi giảm trong tháng 8 và 9, đã phục hồi trở lại trong 2 tháng 10 và 11. Canada là quốc gia có thu nhập người dân cao, xu hướng nhập khẩu tôm nước ấm từ châu Á của thị trường này tăng nên cơ hội cho XK tôm Việt Nam sang thị trường này còn nhiều.
XK tôm Việt Nam sang Australia ước đạt trên 164 triệu USD tính tới tháng 11 năm nay, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến tháng 7 năm nay, XK tôm sang Australia tăng trưởng mạnh. Sau đó giảm trong 3 tháng 8,9, 10 và phục hồi trở lại trong tháng 11. Tôm Việt Nam hiện đứng đầu top các nguồn cung tôm Australia. Đây là thị trường tiềm năng của tôm Việt.
Trong 3 quý đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Singapore không ổn định, tuy nhiên đang có dấu hiệu phục hồi trở lại trong 2 tháng 10 và 11.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, nhờ các hiệp định tự do thương mại mà Chính phủ dốc tâm chăm lo, khiến nhiều sản phẩm tôm được miễn, giảm thuế khi xuất khẩu vào hầu hết các thị trường lớn, trong đó có CPTPP, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Nhu cầu nhập khẩu tôm từ khối thị trường CPTPP trong năm nay khá tốt. Hiện các doanh nghiệp đang tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để ổn định sản xuất.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, dịch bệnh đang khiến các doanh nghiệp oằn mình chống chọi, nhiều doanh nghiệp phải giảm lao động, như các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng từ đầu tháng 10 đến nay đã giảm trên 4.000 lao động.
Theo ông Hồ Quốc Lực, trước diễn biến này, nhận định tình hình của ngành đang hoạt động sẽ giúp các nhà quản lý và doanh nghiệp có sách lược ứng phó phù hợp và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, hiện nay tình hình chuyển biến nhanh do tác động của dịch bệnh, nên việc cập nhật thông tin, nhận định, xu hướng là điều mỗi doanh nghiệp quan tâm, để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, tranh thủ tăng tốc xuất khẩu trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022...

Nguồn:Lê Thu/haiquanonline.com.vn

Link gốc