menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất nhập khẩu hàng hóa: Điểm sáng bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm

08:53 27/05/2024

5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường FTA đều có sự phục hồi tích cực.
 
5 điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 239 tỷ USD, tăng 15,1%, tương ứng tăng 31,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 124 tỷ USD, tăng 15,1% và nhập khẩu đạt 115 tỷ USD, tăng 15,1%. Tính chung 4 tháng, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận thặng dư 9 tỷ USD. Các chỉ số có thể coi đã có tăng trưởng rất tích cực trong 4 tháng đầu năm, thể hiện rõ xu hướng phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu.
Một số điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu có thể kể tới như, thứ nhất, cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhóm doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Thứ hai, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao (25,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 5,8%; rau quả đạt 1,9 tỷ USD, tăng 38,1%, cà phê đạt 2,5 tỷ USD, tăng 53,4%, đặc biệt là mặt hàng gạo, tuy chỉ tăng 9,5% về lượng nhưng kim ngạch ghi nhận tăng 33,6% phản ánh mặt bằng giá có lợi trên thị trường. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản – vốn là nhóm thế mạnh của khối doanh nghiệp trong nước đã đóng góp vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực doanh nghiệp này.
Thứ ba, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 4,9 tỷ USD tăng 25%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,7%; giày dép đạt 6,6 tỷ USD, tăng 7,2%, sắt thép các loại đạt 3,2 tỷ USD, tăng 28,1%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 33,9%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5%.
Thứ tư, xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, cụ thể, sang ASEAN tăng 10,5%; sang Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%. Việt Nam trong năm vừa qua đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%.
Thứ 5, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất. Tỷ trọng các mặt hàng cần nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao (88,8%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trợ lực từ các FTA
Những kết quả có được là sự tích lũy trong một thời gian dài với các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.
Trong đó, về việc khai thác các FTA trong thời gian qua đã được Bộ Công Thương quan tâm chú trọng và đã ghi nhận kết quả tích cực. Theo đó, trong giai đoạn 10 năm 2013 - 2022, mức tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu có sử dụng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định FTA là 12,7%/năm, cao hơn mức tăng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu (12,5%/năm giai đoạn 2013-2022).
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột nổ ra ở nhiều nơi … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá. Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA.
Cụ thể, về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang thực hiện, Bộ đã chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong các ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Làm việc với các Hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến chi phí vận chuyển hàng hoá khi tình hình căng thẳng xảy ra tại Biển Đỏ; kịp thời có khuyến cáo các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh diễn biến bất ổn tại Israel.
Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Về các giải pháp thúc đẩy tận dụng các FTA, Bộ đa và đang đa dạng hoá hình thức tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, trong đó ứng dụng môi trường Internet và các mạng xã hội; phối hợp với các đơn vị liên quan, các tỉnh thành phố tổ chức các Hội thảo phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA; Triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử.
Bên cạnh công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các FTA, Bộ Công Thương đã và đang triển khai một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu khác, trong đó, Bộ hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển các thị trường trong nước và xuất khẩu như tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, kết nối giao thương giữa nhà cung ứng với doanh nghiệp mua hàng, các nhà phân phối quốc tế và nhà nhập khẩu nước ngoài trực tiếp và trực tuyến.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thúc đẩy công tác nghiên cứu thị trường; phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức các Hội nghị, Hội thảo theo hình thức trực tuyến nhằm phổ biến thông tin thị trường nhập khẩu (nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng…), kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao trong công tác đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt.
Định kỳ đăng tải Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; khuyến cáo về sự thay đổi trong thực thi chính sách của một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU …; biên soạn, phát hành cuốn Sổ tay “Một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc”, “Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang Trung Quốc”.
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Kết quả thực hiện công tác thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy tận dụng các FTA thời gian qua đạt kết quả tích cực. Trong đó, xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA đều có sự phục hồi tốt.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội trong các Hiệp định; thường xuyên trao đổi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong từng ngành hàng xuất khẩu để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá.

Nguồn:Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Link gốc