Xuất khẩu sẽ là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng trong quý IV
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 đạt 53,5 tỷ USD, giảm 2% so với tháng 8/2021, nhưng tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD.
31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Nhìn chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 62,72 tỷ USD, tăng 8,5%, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 177,8 tỷ USD, tăng 22,8%, chiếm 73,9%.
Cả nước có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,2%).
Một điểm tích cực nữa là hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chủ lực, từ Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN... Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 69,8 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 38,5 tỷ USD, tăng 18,3%. Thị trường EU đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,6%. Thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 21,2%. Kế đến là Hàn Quốc và Nhật Bản, lần lượt đạt 16,1 tỷ USD và 11,4 tỷ USD, tăng 11,4% và 5,1%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 2,66 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến ước tính đạt 214 tỷ USD, tăng 19,5%; nông sản, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 17,6%; thủy sản đạt 6,17 tỷ USD, tăng 2,4%.
Tính riêng quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,89 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,2% so với quý II năm nay.
Động lực cho tăng trưởng
Để tiếp tục tăng cường xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Viết Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, cho rằng, ngoài việc nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và tiêm vaccine, phải tập trung vào các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu và tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực.
Đồng thời, cần không ngừng đổi mới và tổ chức có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến, dựa trên những nền tảng mới. Cùng với đó là tập trung vào xuất khẩu trong lĩnh vực hàng hoá chế biến nông sản và thực phẩm bởi đây là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế.
Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch tại các địa phương phải hết sức thận trọng, linh hoạt, chắc chắn và phải bảo đảm được mục tiêu là giữ vững và mở rộng vùng xanh. Đây là điều kiện tiên quyết để tiến tới hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại dịch vụ phục hồi bền vững.
Nhận định xuất khẩu sẽ là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng trong quý IV, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê kỳ vọng, xuất khẩu có thể tăng tốc khi chính sách nới lỏng giãn cách được áp dụng tại nhiều địa phương, đặc biệt là phía nam và độ bao phủ tiêm vaccine cho người lao động ngày càng rộng hơn./.
Minh Ngọc
Nguồn:Chinhphu.vn