menu search
Đóng menu
Đóng

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Quá nhiều khâu trung gian đẩy giá hàng hóa lên cao

15:24 31/07/2015

Vinanet - Mấu chốt khiến hàng Việt khó vào siêu thị nội địa theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội là do lợi nhuận giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối chưa được phân chia hợp lý. 

Hàng không có mã vạch, siêu thị thờ ơ

Trong những năm gần đây, hệ thống các siêu thị bán lẻ từ siêu thị mini đến các trung tâm thương mại ngày càng được mở rộng về quy mô và số lượng.

Tuy nhiên, hàng Việt Nam gồm cả sản phẩm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù đã lên có mặt tại nhiều siêu thị nhưng vẫn còn sản phẩm sản xuất trong nước chưa được biết đến.

Vì sao lại có thực trạng vậy? Và đâu là giải pháp để hàng Việt Nam đứng vững trên thị trường trong khi cộng đồng kinh tế ASEAN sắp được thành lập?

Phát biểu tại hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến siêu thị” diễn ra sáng nay, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội ông Vũ Vinh Phú cho hay, có rất nhiều nhãn hàng Việt chưa được chú trọng phân phối.

Đầu tiên phải kể đến chất lượng hàng hóa làm ra cho thị trường tiêu dùng không ổn định, ít được thuần hóa, lúc khan hiếm, khi lại dội chợ dư thừa. Hàng có chất lượng, giá hợp lý song lại chưa có thương hiệu, chưa có bao bì, nhãn hiệu, mã số, mã vạch theo quy định dẫn đến siêu thị chưa mặn mà đưa hàng Việt lên kệ.

Điển hình nhất là nông sản thực phẩm, dẫn đến khi trồng khi chặt, nay nuôi con này, mai nuôi con khác. Công tác lên kế hoạch liên ngành giữa sản xuất và tiêu thụ chưa làm tốt do sản xuất ít quan tâm đến kế hoạch tiêu thụ sản phẩm

“Có một thực tế đó là người sản xuất ít được quyết định giá bán, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, nhà buôn và khâu bán lẻ. Hàng hóa đi quá nhiều trung gian dẫn đến giá bị đẩy lên cao ở khâu bán lẻ. Vì vậy, sản xuất không có động lực để phát triển nhanh”, ông Phú nhấn mạnh.

 

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng lợi nhuận phân chia giữa nhà sản xuất và hệ thống phân phối chưa hợp lý (Nguồn: Internet)

Phải cởi nút thắt phân chia lợi nhuận

Hiện nay, theo ước tính, cả nước có khoảng 700 siêu thị, 100 trung tâm thương mại. Riêng Hà Nội có khoảng 100 siêu thị và 20 trung tâm thương mại nhưng thị phần của cả nước về siêu thị mới chiếm 20%. Hà Nội chiếm khoảng 13%.

Như vậy, 80% kênh bán lẻ được phục vụ ở các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng bán lẻ, hàng rong...  Trong khi đó, dự đến năm 2020-2030, tỉ trọng siêu thị sẽ chiếm khoảng 30-40% khâu bán lẻ.

Theo ông Vũ Vinh Phú, muốn hàng Việt vào được siêu thị trước hết cần phải làm tốt quy hoạch sản xuất từ Trung ương đến địa phương theo nhu cầu của thị trường. Đặc biệt là theo nhu cầu khâu bán lẻ phản ánh lại với nhà sản xuất về chủ trương sản xuất sạch, năng suất cao, giá cả cạnh tranh ở thị trường nội địa.

Đặc biệt là văn hóa ứng xử của hệ thống phân phối với người tiêu dùng.

Ông Phú nói: “Tôi lấy ví dụ tôi đi mua một cái áo, khi cái áo bị đứt cúc, siêu thị có giúp tôi khắc phục không hay mua rồi miễn đổi trả lại. Nói như vậy là các siêu thị phải tìm cách giữ chân người tiêu dùng”.

Ngoài ra, sản xuất phải tạo ra được chuỗi bán lẻ với khâu bán lẻ, liên kết từng địa phương, từng vùng, từng sản phẩm với hệ thống bán lẻ sao cho phù hợp. Lợi nhuận phải được phân chia một cách hợp lý.

“Một số nước trên thế giới họ có luật hóa về phân chia lợi nhuận một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc. Đây là vấn đề mấu chốt, phải cởi được nút thắt này thì hàng hóa mới đến tay người tiêu dùng”, ông Phú khẳng định. 

Trong khi đó, theo bà Phan Thanh Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh FPT Shop, người tiêu dùng Việt có thói quen thích tiết kiệm hơn là chi tiêu. Một phần do khủng hoảng kinh tế những năm gần đây, người Việt vẫn tiếp tục "thắt lưng buộc bụng", giảm chi tiêu và lựa mua sản phẩm có giá trị hợp lý thay vì mặt hàng cao cấp.

"Chính vì người tiêu dùng hiểu rõ về nhu cầu của họ nên các doanh nghiệp bán lẻ càng phải chú trọng vào 3 yếu tố cơ bản là dịch vụ bán hàng, hậu mãi chu đáo và sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Chúng tôi luôn mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sản phẩm thương hiệu Việt Nam đảm bảo chất lượng với giá thành hợp lý, thỏa mãn nhu cầu người dùng Việt", bà Uyên nói.

Kiều Linh