menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu gạo Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức

15:03 18/10/2015

Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tới quý 1/2016, nhiều chuyên gia cho rằng xuất khẩu gạo sẽ có những tín hiệu tích cực, thậm chí còn có những sức ép về nguồn cung để phục vụ đủ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, sau quý 1/2016, giá lúa gạo sẽ không lên cao được và có thể giảm nhẹ vì vậy, cần phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng.

Nhu cầu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam hiện đang có những tín hiệu hồi phục tích cực. Bằng chứng rõ nét nhất là Việt Nam đã thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo sang Philippines và khoảng 1 triệu tấn gạo cung cấp cho Indonesia thời gian gần đây.

Chỉ tính riêng sau khi Việt Nam trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo sang Philippines, giá lúa gạo trong nước đã tăng lên 300-400 đồng/kg. Với tình hình như vậy và khả năng cung cầu gạo như hiện nay có thể tin tưởng rằng này từ nay đến quý 1/2016, giá lúa không thấp hơn hiện nay và sẽ có chiều hướng nhích lên.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch gần xong lúa Hè Thu với năng suất khoảng 5,6-5,7 tấn/ha. Vụ Thu Đông 2015, các tỉnh gieo cấy được khoảng 725.000 ha/886.000 ha diện tích kế hoạch. Nhiều địa phương cũng đang thu hoạch và cho năng suất khoảng 5 tấn/ha.

Với tình hình sản xuất như vậy, ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng việc tăng khối lượng xuất khẩu cũng đặt ra sức ép đối với các doanh nghiệp trong nước khi sản lượng lúa gạo vụ Thu Đông sắp kết thúc cộng với lượng tồn kho chỉ khoảng là 1,5 triệu tấn. Nếu tính hợp đồng thương mại mà Việt Nam đã ký là 1,3 triệu tấn và hợp đồng tập trung là 1,5 triệu tấn thì trong 6 tháng tới sẽ khá căng thẳng trong cân đối nguồn cung. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu gạo có những tín hiệu tích cực, giá lúa gạo trong nước ấm lên là nhờ Việt Nam có được các hợp đồng tập trung.

Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty lương thực Tiền Giang, ngoài thị trường gạo thông dụng để xuất khẩu sang các nước Indonnesia, Philippines. Việt Nam không nên tập trung cho số lượng nữa mà chuyển dần sang cho chất lượng để có thể tiến tới các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản vì những thị trường này đòi hỏi gạo phải có chất lượng cao. 

Còn ông Nguyễn Trung Kiên, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho hay khi giá lúa gạo Việt Nam chịu tác động của thị trường lúa gạo chung của thế giới, xuất khẩu gạo vẫn chịu áp lực giảm giá khi mà lượng tồn kho của các nước đều cao hơn so với mọi năm. Tồn kho gạo của Trung Quốc tăng, duy trì ở mức cao; tồn kho gạo của Thái Lan, Ấn Độ còn lớn trong khi đồng bath (Thái Lan) và rupee (Ấn Độ) phá giá mạnh. Bên cạnh đó, IMF dự báo giá gạo bình quân năm 2016 giảm 13% so với năm 2015. Dự báo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy khuynh hướng giá gạo giảm 2-3% trong những năm tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng lúa gạo Việt Nam vẫn phải trông chờ nhiều vào các thị trường truyền thống và thị trường tập trung. Cần tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để tránh những tổn thương khi nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu sụt giảm.

Đánh giá về vị thế gạo Việt trên thị trường thế giới, ông Lê Thanh Khiêm cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 trên thế giới nhưng về giá trị thì còn rất khiêm tốn. Việt Nam cần thay đổi chiến lược, tập trung chuyển hướng vào chất lượng chứ không thiên về số lượng nữa. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được một vài phần trăm lượng gạo có thương hiệu.

Thẳng thắn nhìn nhận, ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối bày tỏ, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp. Gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo chưa đồng đều và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.

Hiện, Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế.

Thực tế mặc dù Việt Nam đã trở thành 1 trong 3 quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu gạo nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào. Trong khi đó, hai quốc gia còn lại là Thái Lan và Ấn Độ đã có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia của mình.

Ông Lê Thanh Khiêm đánh giá Thái Lan đã tập trung vào sản xuất một số giống nhất định nhưng đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa chọn được giống nào để ổn định lâu dài. Phần lớn các giống lúa của Việt Nam chỉ sản xuất được trong một thời gian ngắn rồi bị thoái hóa. 

Trong bối cảnh trên thị trường quốc tế, mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Ngoài đối thủ truyền thống, Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ tiềm năng như Campuchia, Mianma và Mỹ. Chính vì vậy áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là giá mà còn là chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu chỉ tập trung vào thị trường dễ tính sẽ khiến mặt hàng lúa gạo Việt Nam tự suy giảm các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất và xuất khẩu. Sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng giảm thấp. Khi FTA giữa Việt Nam với EU, TPP… được thực thi, ngành lúa gạo Việt Nam cũng sẽ không có động lực thay đổi về chất lượng để có thể lấy được các lợi thế. Việc định vị lại ngành lúa gạo có thể khiến sản lượng gạo sụt giảm lớn, nhưng sẽ mang lại giá trị gia tăng và thương hiệu cho ngành này trong thời gian tới. 

Với tình hình xuất khẩu gạo thời gian qua và những thách thức đặt ra Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án, thương hiệu gạo Việt Nam sẽ được phát triển ở 3 cấp độ: quốc gia, vùng miền và doanh nghiệp. Đến năm 2020, sẽ có 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi toàn cầu. Năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%; trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm và gạo đặc sản.

Theo Bích Hồng

TTXVN

Nguồn:TTXVN