menu search
Đóng menu
Đóng

Thông cáo chung Đối thoại Chiến lược Việt Nam – Anh lần thứ 6

08:58 07/01/2018

Vinanet -Sau phiên Đối thoại, hai bên đã ra thông cáo báo chí chung về kết quả Đối thoại chiến lược Việt Nam – Anh lần thứ 6.
Ngày 5/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngài Nghị sĩ Mark Field đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam – Anh lần thứ 6.
 Đối thoại bắt nguồn từ quan hệ Đối tác chiến lược song phương được ký năm 2010 và là một mốc quan trọng nhằm đánh giá và định hướng quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Sau phiên Đối thoại, hai bên đã ra thông cáo báo chí chung về kết quả Đối thoại chiến lược Việt Nam – Anh lần thứ 6. Sau đây là nội dung thông cáo:
 Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp, bao gồm các chuyến thăm cấp cao, và nâng cao tính hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương. Hai bên chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của thúc đẩy và thực hiện thương mại tự do, trong đó có việc ủng hộ sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), và cam kết tránh bất kỳ gián đoạn nào trong sự phát triển của quan hệ song phương sau khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cũng như cam kết đảm bảo tính liên tục trong các lĩnh vực hợp tác chủ chốt.
 Hai bên hoan nghênh việc làm sâu rộng và củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược. Thương mại và đầu tư song phương tiếp tục mở rộng với tổng kim ngạch thương mại hàng hoá và dịch vụ tăng 22% trong năm 2016, đạt 4,8 tỷ bảng Anh. Hai bên trao đổi và đạt được thoả thuận tăng cường hợp tác cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, kể cả thông qua Chương trình Quỹ Thịnh vượng Anh.
 Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, kỹ năng, nghiên cứu và sáng tạo vẫn là trọng tâm của quan hệ Đối tác Chiến lược và vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Số lượng suất học bổng Chính phủ Anh Chevening dành cho các ứng viên Việt Nam đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, và hai bên cũng đã nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nhằm tăng cường quảng bá chương trình học bổng tới các ứng viên thuộc tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả khu vực công.
 Hai bên đã thảo luận về tầm quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực lãnh sự. Vương quốc Anh cảm ơn các cơ quan Việt Nam thời gian qua đã giúp đỡ và hỗ trợ công dân Anh khi cần thiết. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
 Hai bên hoan nghênh những lĩnh vực hợp tác mới kể từ Đối thoại Chiến lược lần thứ 5 năm 2016. Điều này bao gồm tăng cường hợp tác quốc phòng ở cấp cao hơn trong tất cả các lĩnh vực hợp tác hiện có, trong đó có trao đổi đoàn, đào tạo, chia sẻ quan điểm và thông tin về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, công nghiệp quốc phòng và hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
 Để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, hai bên đã nhất trí tiếp tục triển khai một cách hiệu quả tất cả những văn kiện và thoả thuận đã ký kết, đồng thời phát huy tối đa những cơ chế hợp tác hiện có.
 Hai bên hoan nghênh việc hợp tác trong phòng chống tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức và nhất trí tăng cường nỗ lực đối phó với nguy cơ khai thác và lạm dụng tình dục trẻ em. Tầm quan trọng của hợp tác phòng chống buôn bán người cũng được hai bên nhấn mạnh.
 Nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, hai bên nhất trí nhanh chóng hoàn tất bản Ghi nhớ chung về hợp tác chống buôn bán người. Hai bên cũng thảo luận về tầm quan trọng của quyền con người và vai trò của các quyền con người trong xây dựng xã hội ổn định, mở và thịnh vượng.
 Phối hợp song phương trong phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã được hai bên thảo luận, đặc biệt là những biện pháp tích cực Việt Nam đang triển khai trong nước và việc tổ chức Hội nghị Hà Nội năm 2016. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp, trong đó có việc chuẩn bị cho Hội nghị IWT (Chống Buôn bán trái phép động vật hoang dã) sẽ diễn ra ở Luân Đôn năm 2018.
 Hai bên đã cùng thảo luận chi tiết về nhiều thách thức thế giới và khu vực phải đối mặt hiện nay như phổ biến vũ khí hóa học và hạt nhân, khủng bố quốc tế và biến đổi khí hậu.
 Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của chủ nghĩa đa phương, hợp tác ở các diễn đàn đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và phương thức tiếp cận dựa trên luật lệ nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các vấn đề trên, và nhất trí tăng cường hợp tác ở Liên hợp quốc và Diễn đàn Á-Âu (ASEM).
 Vương quốc Anh ghi nhận mong muốn đăng cai Hội nghị ASEM năm 2018 về Hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu của Việt Nam, và hứa xem xét hỗ trợ Việt Nam tổ chức Hội nghị này nhằm thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
 Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này. Hai bên tái khẳng định rằng mọi tranh chấp cần phải được xử lý bằng các biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được toàn thế giới công nhận, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
 Hai bên nhấn mạnh các bên liên quan cần thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình và tránh bất cứ những hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Vương Quốc Anh ủng hộ việc ASEAN và Trung Quốc sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
 Năm 2018 đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và 25 năm hoạt động của Hội đồng Anh ở Việt Nam. Nhân dịp này, và nhằm ghi nhận sự phát triển nồng ấm của Quan hệ Đối tác Chiến lược, hai nước nhất trí lên kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá Việt Nam ở Anh và Anh ở Việt Nam cho cả năm 2018.

Nguồn: TTXVN