Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Jeremy Harrison cho biết, Canada và Việt Nam đã và đang có một mối quan hệ hợp tác phát triển rất tốt đẹp. Hai nước là Đối tác toàn diện của nhau, đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chính phủ Canada đang muốn đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam, một quốc gia năng động và nhiều tiềm năng. Ông và đoàn công tác sang Việt Nam với mong muốn mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại của Bang Saskatchewan với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư nông nghiệp, năng lượng, khai thác khoáng sản bền vững.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ vui mừng và chào đón đoàn công tác của Bộ trưởng sang Việt Nam tới Bộ Công Thương làm việc. Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương và các đơn vị của Bộ sẵn sàng phối hợp để triển khai các nội dung trao đổi, phát huy lợi thế của hai bên.
Thứ trưởng chia sẻ, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Canada. Với Hiệp định CPTPP được ký kết và đi vào hiệu lực từ năm 2019, hai nước lần đầu tiên có quan hệ FTA đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường của nhau. Không dừng lại ở đó, tháng 1/2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada đã ký kết Biên bản thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam – Canada, với mục đích tăng cường hơn nữa các cơ chế đối thoại, nâng cao năng lực, giải quyết các vấn đề vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Tháng 7/2022, hai bên đã tổ chức thành công Kỳ họp lần I của UBHH tại Vancouver, Canada. Trong đó, hai bên đã nhất trí thành lập Nhóm công tác về Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, Nhóm công tác về ứng phó với biến đổi khí hậu trong chuyển đổi năng lượng về nguyên tắc, để có những trao đổi cụ thể về các sáng kiến, đề xuất trong lĩnh vực này.
Nhờ nỗ lực của hai bên trong việc thúc đẩy quạn hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong số các nước ASEAN, và ngược lại, Canada là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ (sau Hoa Kỳ và Brazil) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt tới 6,03 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2020, bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, Việt Nam và bang Saskatchewan đã và đang có những lợi thế và cơ cấu hàng hóa bổ sung cao cho nhau. Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư song phương, Thứ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động thiết thực để xúc tiến thương mại và đầu tư để doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận lẫn nhau.
Bên cạnh đó, bang Saskatchewan có nhiều thế mạnh về khoáng sản và công nghệ khai thác tiên tiến, bảo vệ môi trường. Việt Nam mong muốn được hợp tác với bang và các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, đạt hiệu quả cao để phát triển ngành.
Canada nói chung và bang Saskatchewan nói riêng, có nền công nghiệp phát triển hàng đầu tại khu vực châu Mỹ và trên thế giới. Thứ trưởng mong rằng trong thời gian tới hai Bên có thể xem xét khả năng hợp tác phát triển từ các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, hóa chất, cho đến công nghiệp thực phẩm, đào tạo nghề...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao chuyến thăm Bộ trưởng Jeremy Harrison nói chung và buổi làm việc đầu tiên với các bộ ngành của đoàn công tác tại Bộ Công Thương, với vai trò đặc biệt quan trọng của ông tại bang Saskatchewan và Canada . Thứ trưởng chúc ngài Bộ trưởng và đoàn công tác chuyến công tác thành công, hoàn thành tốt tất cả các mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Jeremy Harrison cảm ơn những lời tốt đẹp của Thứ trưởng và khẳng định Bang Saskatchewan nói riêng và Canada nói chung, luôn coi trọng và mong muốn trở thành một đối tác tin cậy, bền vững và lâu dài với Việt Nam, đồng thời hy vọng mối quan hệ này sẽ ngày càng phát triển sâu rộng hơn nữa.
Bang Saskatchewan có diện tích lớn thứ 3 Canada và là nền kinh tế có quy mô lớn thứ 5 Canada so với các tỉnh bang khác, bất chấp lượng dân cư tương đối thấp. Nền kinh tế Saskatchewan chủ yếu dựa vào nông-lâm nghiệp, khai khoáng (potash, uranium, dầu lửa) và du lịch.
Nền kinh tế Saskatchewan đã khôi phục lại sau Covid và đạt mức tăng trưởng 3.5% trong năm 2021 và dự kiến đạt từ 3.7 đến 7.7% trong năm 2022 (tính theo tăng GDP thực bằng CAD) và sẽ tiếp tục tăng trưởng trung bình trên 2% trong giai đoạn 2022-2026. Nhờ giá dầu và khoáng sản tăng, tỷ lệ nợ thấp thứ hai và tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong các tỉnh bang, Saskatchewan có tỷ lệ tăng việc làm và tăng đầu tư công nghiệp mạnh nhất hiện nay trong các tỉnh bang ở Canada.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Saskatchewan ra thế giới đạt trên 37 tỷ USD (gần một nửa GDP) và là một trong những tỉnh bang có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Hiện nay, Saskatchewan đang xuất khẩu vào Việt Nam trong các lĩnh vực mặt hàng: lúa mì, dầu hạt cải, thịt bò, trái cây, gỗ, hoá chất và gần đây là phân bón. Kim ngạch xuất khẩu của Saskatchewan vào Việt Nam đạt 59 triệu USD, trong đó chủ yếu là xuất khẩu phân bón (48 triệu USD). Gần đây, Saskatchewan mới xuất khẩu thêm bò giống (là tỉnh bang đầu tiên xuất khẩu bò giống vào Việt Nam). Nhu cầu nhập khẩu phân bón (kali) của Việt Nam tiếp tục tăng cao, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Saskatchewan vào Việt Nam năm 2022 sẽ đạt khoảng 85 triệu USD. Ở chiều ngược lại, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu trên 35 triệu USD vào Saskatchewan, chủ yếu là hàng điện tử, điện máy và cao su, đồ nội thất.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ
Nguồn:Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ