Việt Nam và Nhật Bản đang bước vào giai đoạn hợp tác kinh tế chặt chẽ nhất từ trước đến nay, đặc biệt sau khi hai bên nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng cuối năm 2023.
Đây không chỉ là một dấu mốc ngoại giao mà còn mở ra cơ hội sâu rộng cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng Nhật vốn nổi tiếng kỹ tính và trung thành với chất lượng.
Với dân số hơn 120 triệu người, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu ổn định và đa dạng, đặc biệt cho các sản phẩm có chứng nhận bền vững, thân thiện môi trường và có truy xuất nguồn gốc minh bạch. Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường này chưa bao giờ dễ, bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ chính sản phẩm nội địa và các nhà cung ứng châu Á khác.
Trong bối cảnh đó, hợp tác với AEON đang trở thành một giải pháp chiến lược, giúp doanh nghiệp Việt không chỉ bước qua các rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn xây dựng hình ảnh thương hiệu dài hạn tại Nhật.
Xu hướng tiêu dùng mở lối cho nông sản Việt
Theo đánh giá, Tập đoàn AEON không đơn thuần là hệ thống siêu thị mà còn đóng vai trò như “bộ lọc chất lượng” nghiêm ngặt. Với những yêu cầu cao về chứng nhận môi trường, tiêu chuẩn đạo đức, truy xuất xuất xứ và an toàn thực phẩm, AEON buộc nhà cung cấp phải tuân thủ toàn diện, nhưng đổi lại sẽ mở ra kênh phân phối rất rộng và uy tín.
AEON cũng không chỉ dừng ở việc nhập hàng mà còn tham gia cùng doanh nghiệp Việt Nam cải thiện sản phẩm, phát triển tiêu chuẩn, thậm chí hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững — như những dự án cộng đồng cà phê tại Sơn La hay thủy sản đạt chứng nhận MSC, ASC. Qua đó, doanh nghiệp Việt có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản trị, nâng tầm thương hiệu để phục vụ không chỉ thị trường Nhật mà cả các thị trường khó tính khác.
Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu tiêu dùng của người Nhật ngày càng chuyển sang nhóm sản phẩm an toàn, tiện lợi và tốt cho sức khỏe. Các mặt hàng như nông sản đông lạnh, trái cây sấy, thực phẩm chế biến sẵn, cùng nhóm hàng may mặc, đồ gia dụng thân thiện môi trường đang lên ngôi.
Việt Nam có lợi thế rõ rệt ở nhóm nông sản nhiệt đới, trái cây chế biến và hàng may mặc, vốn là những mặt hàng Nhật Bản khó sản xuất nội địa với giá thành hợp lý. Khi bắt tay với AEON, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng hệ thống logistics, kênh bán lẻ xuyên quốc gia và mạng lưới tiêu chuẩn chất lượng để đưa sản phẩm đi xa hơn.
Một hành trình không ít rào cản nhưng vẫn khả thi
Tất nhiên, để có mặt trên kệ siêu thị Nhật không hề đơn giản. Người Nhật coi trọng tính ổn định và uy tín lâu dài, không chỉ qua một đơn hàng mà trong suốt chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt muốn duy trì hợp tác với AEON buộc phải đầu tư nghiêm túc: từ nhà máy, tiêu chuẩn sản xuất, kiểm soát chất lượng, cho đến kỹ năng quản trị, báo cáo tài chính minh bạch và am hiểu luật quốc tế.
Thực phẩm đông lạnh, chẳng hạn, được đánh giá là hướng đi có nhiều tiềm năng nhưng đòi hỏi công nghệ bảo quản và vận chuyển cao, cùng khả năng đáp ứng số lượng lớn trong thời gian dài. Đây chính là điểm yếu mà nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay.
Song, nếu vượt qua được, lợi ích đem lại không chỉ là doanh thu, mà còn giúp định vị thương hiệu Việt một cách bền vững trên thị trường quốc tế, khi AEON là một “cửa sáng” nhưng cũng là “sân chơi” đầy khắt khe.
Nhật Bản luôn được ví như thị trường khó tính bậc nhất, nhưng chính vì vậy, khi đã chinh phục được người tiêu dùng Nhật, thương hiệu Việt sẽ có vị thế đặc biệt cao, uy tín và lan tỏa mạnh. AEON chính là “tấm vé” hỗ trợ doanh nghiệp Việt rút ngắn thời gian xây dựng niềm tin, nếu doanh nghiệp xác định gắn bó và đầu tư lâu dài, thay vì chỉ xuất khẩu manh mún.
Có thể nói, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, AEON không chỉ mở một cánh cửa thị trường, mà còn trao cơ hội để ngành hàng Việt Nam nâng cấp chất lượng, học hỏi quy trình, và phát triển một tư duy kinh doanh bài bản, bền vững.
Nguồn:Haiquanonline