Sức mua nông sản giảm
Tại tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh… hiện nay, giá tôm càng xanh loại 10- 15 con/kg được nông dân bán cho thương lái chỉ còn ở mức 120.000- 140.000 đồng/kg, trong khi trước đó có giá 200.000 - 250.000 đồng/kg. Tôm càng xanh loại 20 con/kg chỉ còn 80.000 - 85.000 đồng/kg, giảm hơn 70.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Đồng bằng sông Cửu Long: Đẩy mạnh kết nối thu mua, tiêu thụ nông sản
Các tỉnh thành vùng ĐBSCL nỗ lực đảm bảo thu mua nông sản cho nông dân, tránh ùn ứ
Hiện sức mua cua biển tại nhiều nơi khá yếu do người tiêu dùng ưu tiên chọn mua các loại cá thịt thiết yếu và có giá rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi tiêu. Tại nhiều tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre… giá cua biển được nông dân bán cho thương lái giảm từ 100.00 - 200.000 đồng/kg, hiện giá cua thịt chỉ còn từ 100.000 - 150.000 đồng/kg; cua gạch từ 200.000 - 250.000 đồng/kg (tùy loại). Sò huyết tại nhiều địa phương như Cà Mau, Kiên Giang… loại 70 con/kg giá khoảng 100.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước lên đến hơn 170.000 đồng/kg.
Giá các loại thủy hải sản giảm mạnh do đầu ra gặp khó vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Thời gian qua, các mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa nên khi các khu du lịch, các chợ, nhà hàng, dịch vụ ăn uống tạm thời đóng cửa để chống dịch, sức tiêu thụ đã bị giảm mạnh. Ngoài ra, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương siết chặt việc đi lại, dẫn đến việc thu mua, vận chuyển và đưa hàng đi tiêu thụ giữa các địa phương cũng gặp khó và phát sinh nhiều chi phí...
Ngoài thủy sản, các tỉnh thành vùng ĐBSCL cũng cần tiêu thụ lượng lớn trái cây. Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, từ tháng 8 - 12/2021, toàn tỉnh có tổng sản lượng trái cây thu hoạch ước khoảng 109.779 tấn, trong đó nhiều nhất là xoài. Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang ước tính, lượng trái cây tiêu thụ trong nội tỉnh khoảng 20% trên tổng sản lượng, tương đương 22.000 tấn, còn lại khoảng 80% phải tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu, tương đương 87.779 tấn. Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, nhiều loại trái cây tỉnh An Giang tiêu thụ ổn định và kịp thời. Tuy nhiên, An Giang đang rất lo cho đầu ra của nhiều diện tích xoài dự kiến thu hoạch trong tháng 9/2021 với sản lượng rất lớn.
Còn tại tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương - cho biết: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương Hậu Giang đã phối hợp với các sở ngành và địa phương kêu gọi các DN, hợp tác xã thu mua một lượng khá lớn nông sản của nông dân với gần 272 tấn sản phẩm nông sản các loại, góp phần giải quyết lượng đầu ra lớn cho các vùng trồng.
Đảm bảo thu mua nông sản cho nông dân, tránh ùn ứ
Nhằm khẩn trương tìm đầu ra cho nông sản, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư tỉnh ủy Cà Mau - cho biết, tỉnh sẽ thúc đẩy tổ chức kết nối nguồn cung - cầu theo thị trường để không gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng các vùng sản xuất nguyên liệu, kịp thời nắm bắt các điểm nghẽn trong lưu thông, tiêu thụ.
Tại tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh này cũng vừa có quyết định thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản nhằm tăng cường cung ứng, kết nối hàng thiết yếu đến các tỉnh, thành phía Nam. Tổ này sẽ phối hợp với các ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện, thị xã, thành phố kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, bảo đảm thông suốt, an toàn phòng chống dịch…
Từ phía ngành Công thương các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL tiếp tục phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), kết nối với các nhà phân phối trong cả nước triển khai công tác hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn các tỉnh thành nhằm đẩy mạnh bán hàng cho bà con nông dân. Cần có chính sách đồng bộ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong tình hình hiện nay từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong sản xuất kinh doanh, nhất là chính sách về vốn trong thu mua nông, thủy sản để trữ đông, nhằm tiêu thụ một lượng lớn nông, thủy sản hiện nay đang gặp khó khăn đầu ra. Thực hiện tốt các kênh tiêu thụ hiện có như đưa vào siêu thị, đưa lên sàn thương mai điện tử, dịch vụ đi chợ hộ...
Theo báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, hiện đã có 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ công tác. Trang web www.htx.cooplink.com.vn với 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông thủy sản. Mỗi ngày, trang web kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200 - 400 tấn nông thủy sản. Có 30 đơn vị, địa phương đã xác nhận tiêu thụ được nông sản qua kết nối từ trang web này. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương thành lập tổ điều hành thị trường nông sản để phối hợp thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản.
Nguồn:Ngọc Thảo/congthuong.vn/