menu search
Đóng menu
Đóng

Israel là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

14:35 07/11/2022

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam đánh giá Israel là thị trường có nhiều tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chế biến thành phẩm có giá trị gia tăng cao.
 
Trong các ngày 3 và 4/11, đoàn công tác của Cục Xúc tiến Thương mại-Bộ Công Thương cùng đại diện các địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam đã có chuyến làm việc tại Israel và tham dự “Hội nghị giao thương hợp tác thương mại và sản xuất Việt Nam-Israel.”
Hội nghị do Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) tổ chức, nhằm thực hiện chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hợp tác xuất khẩu và chuyển giao công nghệ với thị trường Israel.
Hội nghị thu hút sự tham gia của trên 90 đại biểu đến từ các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung đánh giá đây là chương trình thiết thực, hiệu quả giúp các doanh nghiệp hai bên được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Với vai trò là Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Israel, Đại sứ quán cam kết sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước trong việc triển khai hợp tác thương mại, đầu tư nhằm đạt được mục tiêu như kế hoạch đã đề ra và góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai quốc gia phát triển hơn nữa.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết Việt Nam và Israel triển khai đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương (VIFTA) từ tháng 3/2016, trải qua 11 phiên đàm phán luân phiên tại mỗi nước.
Hiệp định khi được ký kết trong thời gian tới hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương. Israel hiện là đối tác thương mại thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel đạt hơn 1,6 tỷ USD.
Trong khi đó, ông Roy Roznek, Phó Chủ tịch FICC cho biết với 5.000 thành viên, Liên đoàn đã có sự hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam trong nhiều năm qua. Hội nghị lần này là một trong những sự kiện giao lưu, hợp tác lớn nhất giữa các doanh nghiệp hai nước.
Theo ông, chắc chắn sau hội nghị sẽ có thêm nhiều thỏa thuận hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai bên được ký kết.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Thái Hòa, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam đánh giá Israel là thị trường có nhiều tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chế biến thành phẩm có giá trị gia tăng cao, bao gồm nhóm hàng lương thực-thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng các loại. Các doanh nghiệp Israel làm ăn khá nghiêm túc, giao dịch nhanh gọn và có khả năng thanh toán cao.
Mặc dù có những khó khăn do dịch bệnh và tình hình an ninh chính trị ở sở tại luôn có những yếu tố nhạy cảm, quan hệ hợp tác kinh tế nói chung và trao đổi thương mại nói riêng giữa hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Israel chủ yếu là điện thoại di động và linh kiện, hàng thủy sản, hạt điều, càphê, giầy dép, hạt tiêu, dệt may... Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ Israel chủ yếu là máy tính, bo mạch và linh kiện điện tử, máy móc các loại, phân bón.
Trong phiên “Kết nối giao thương,” hơn 50 doanh nghiệp Israel hoạt động trong các lĩnh vực nhập khẩu, thương mại, đầu tư đã đến tham dự và trực tiếp gặp gỡ, thảo luận, giao dịch, đàm phán với các đối tác của Việt Nam.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã đạt kết quả khả quan với các kết nối và cam kết ban đầu, điển hình như công ty trách nhiệm hữu hạn Nông Trại Biển gặp 7 đối tác của Israel (gồm Grain Head, Metzer Group, Miki Oz Asakim, Guri AOO, Cohen Bros., G.Willi-Food, Agrinoze); công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Nghệ An gặp 6 đối tác (gồm Metzer Group, Guri AOO, Miki Oz Asakim, Hamama Meir Trading, Grain Head, Sari Ahmad Hassan)... Trung bình mỗi doanh nghiệp Việt Nam còn lại được bố trí kết nối, trao đổi hợp tác kinh doanh với 4-5 doanh nghiệp Israel.
Cũng trong chuyến công tác tại địa bàn, Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cùng các cán bộ trong đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel.
Đoàn công tác cũng đã đến khảo sát, làm việc với Công ty Green2000, một doanh nghiệp hàng đầu của Israel về nông nghiệp công nghệ cao, để tìm hiểu, thảo luận các cơ hội hợp tác trong ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống cây trồng, tưới tiêu, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi gia cầm./. 

Nguồn:Vũ Hội-Văn Ứng (TTXVN/Vietnam+)