Tính đến nay Hoa Kỳ đã chính thức cấp phép nhập khẩu 6 loại hoa quả tươi từ Việt Nam gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Các cơ quan Chính phủ hiện đang tích cực đàm phán để phía Hoa Kỳ cấp phép thêm cho hoa quả tươi của Việt Nam, trước mắt là bưởi da xanh.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ đạt 57,4 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đây là thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng đối với trái cây Việt Nam. Hiện có rất nhiều cơ hội cho trái cây Việt Nam thâm nhập vào Hoa Kỳ.
Nhu cầu nhập khẩu trái cây của Hoa Kỳ rất lớn. Riêng năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nước này vẫn nhập khẩu tới 14,1 tỷ USD trái cây.
Năm 2021, nhờ kiểm soát dịch bệnh và gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có, nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi rõ rệt khiến mức chi cho thực phẩm của người dân tăng cao. Ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2021, giá trị nhập khẩu trái cây vào Hoa Kỳ có thể lên tới 15,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối tại Hoa Kỳ phát triển đa dạng. Hoa quả nhập khẩu được bán ở các chuỗi siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm đơn lẻ tại các khu thương mại, hệ thống nhà hàng, khách sạn và các kênh bán hàng trực tuyến, giao tận nhà… mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ.
Người tiêu dùng Hoa Kỳ luôn muốn trải nghiệm sản phẩm mới. Nên hoa quả, đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam sẽ có nhiều dư địa.
Đặc biệt, cộng đồng người tiêu dùng khá lớn: gần 3 triệu kiều bào, hơn 30 nghìn lưu học sinh và rất nhiều người Hoa Kỳ đã từng trải nghiệm, yêu mến đặc sản trái cây Việt Nam. Trong cộng đồng này, nhiều doanh nhân người Việt luôn tâm huyết với việc nhập khẩu, quảng bá trái cây Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, hoạt động xuất khẩu trái cây tươi sang Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang như Florida, California, hay tại Mexico, các nước Nam Mỹ có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam, sản phẩm của các nước châu Á khác và sản phẩm thay thế được trồng ngay tại Hoa Kỳ.
Ngoài ra, do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao. Hoa quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất nhịp nhàng, hiệu quả.
Thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng sản phẩm ăn liền, trái cây được cắt nhỏ, đóng khay, kèm dĩa, thìa phục vụ ngay. Bên cạnh đó, giai đoạn đầu tiếp cận thị trường này, doanh nghiệp trong nước cùng nhà nhập khẩu nghiên cứu phương thức thanh toán phù hợp, tránh rủi ro.
Để tận dụng được tiềm năng này, tại “Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021” mới đây, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Trưởng bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ trước khi xuất khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên xem xét việc hợp tác, đầu tư kho lạnh để bảo quản và bảo đảm chất lượng trái cây tươi. Lập trung tâm phân phối hàng Việt Nam tại một cảng nhập khẩu lớn ở bờ Tây, bờ Đông hoặc phía Nam với quy mô đủ lớn, phục vụ nhiều nhóm hàng nhằm tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường.
Về lâu dài, ông Sơn khuyến nghị, doanh nghiệp cần kiên trì tiếp cận các chuỗi phân phối lớn, hướng tới cung cấp sản phẩm hữu cơ và sản phẩm chế biến, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường Hoa Kỳ.
Nguồn:Song Hà / VnEconomy