Đại sứ đánh giá hai bên có tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, là hai đối tác quan trọng tại ASEAN và EU. Đại sứ đánh giá Slovenia đã cải cách kinh tế 3 thập kỷ và là mô hình phát triển kinh tế thành công cho Việt Nam. Trong khuôn khổ các chuyến thăm cấp cao có thể ký kết và nâng cấp quan hệ, nâng kim ngạch thương mại hiện chỉ có ½ tỷ Euro phấn đấu lên 1 tỷ Euro và ưu tiên đẩy mạnh một số lĩnh vực, bên cạnh hợp tác logistics với cảng Koper, trước mắt là công nghệ AI, học bổng, đào tạo sinh viên, xuất khẩu lao động, chuyển giao công nghệ, nông sản. Slovenia có dân số nhỏ, tỷ lệ sinh giảm, dân số chỉ khoảng 2 triệu người nhưng sử dụng tiếng Anh tốt, 20% lực lượng lao động là người nước ngoài, là nước ưa thích đi du lịch, có trình độ IT, công nghệ cao, năng lượng sạch, đặc biệt có trình độ vận hành nhà máy điện hạt nhân hiệu quả đứng thứ 3 thế giới. Slovenia rất tích cực trong công tác đa phương, giải quyết các vấn đề của EU, cải cách Liên hợp quốc, hiện đang năm cuối của nhiệm kỳ 2024-2025 là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Slovenia chú trọng quan hệ ngoại giao với Việt Nam, hai bên có nhiều chuyến thăm lẫn nhau.
Về cơ chế hợp tác kinh tế chính thức, hai bên đã có Uỷ ban Liên Chính phủ, lần họp thứ 3 vào tháng 10 năm 2023 do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Tanja Fajon chủ trì. Trong dịp này, Thủ tướng Robert Golob đã tiếp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và rất quan tâm đến thương mại với châu Á. Phiên họp sắp tới sẽ được tổ chức tại Việt Nam.
Đại sứ đề nghị cần tuyên truyền lợi ích 5 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhắc lại đề nghị Slovenia ủng hộ việc dỡ bỏ thẻ vàng IUU cho thuỷ sản Việt Nam và vận động Slovenia sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA. Đại sứ đề nghị Slovenia sớm phê chuẩn chức danh Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Slovenia cũng như đề nghị Slovenia cử đại diện thương mại ở Việt Nam. Đại sứ mời Slovenia tham gia lễ ký Công ước Tội phạm mạng của Liên hợp quốc tại Hà Nội vào tháng 10 năm 2025. Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục hợp tác cũng như thay đổi phương thức kinh doanh để có các sự kiện kết nối, trao đổi thông tin, gặp gỡ, trao đổi đào doanh nghiệp đi thực tế. Trước tình hình thế giới biến động nhanh chóng, với vị trí chiến lược của 2 quốc gia ở Châu Âu và ASEAN, 2 nước sẽ là cửa ngõ cho nhau vào các thị trường rộng lớn hơn.
Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Áo (Kiêm nhiệm Slovenia)