menu search
Đóng menu
Đóng

Ồ ạt nhập ô tô dưới 10 chỗ chạy hợp đồng

07:00 28/09/2015

Tính chung trong 8 tháng, số lượng nhập khẩu xe dưới 10 chỗ là 27.763 chiếc, tăng gần 20.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Điều này liệu có gì bất thường? Riêng tháng 8, số ô tô dưới 10 chỗ nhập khẩu tăng đột biến với gần 6 nghìn chiếc, tăng gần 1 nghìn chiếc so với tháng trước đó.

Mức cao nhất kể từ năm 2010 và còn tiếp tục tăng

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam đạt gần 11 nghìn chiếc, tăng gần 14% so với tháng trước và tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm gần 6 nghìn chiếc (tăng gần 1 nghìn chiếc so với tháng 7), đạt mức cao nhất kể từ năm 2010. Đơn giá nhập khẩu bình quân ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 8 giảm tới 15,9% nên kim ngạch nhập khẩu là 201 triệu USD, giảm 4,2% so với tháng trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, có 75.236 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại được nhập về Việt Nam, tổng kim ngạch 1,911 tỷ USD, tăng 102% về lượng và 133% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 27.763 chiếc, kim ngạch 317 triệu USD, tăng 69% về lượng và 59% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lượng ô tô dưới 9 chỗ nhập khẩu cùng kỳ những năm trước chỉ là 9.330 chiếc trong năm 2012; 9.900 chiếc năm 2013 và 16.500 chiếc năm 2014. Theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch nhập khẩu xe dưới 9 chỗ có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi dòng xe này tới đây được giảm mạnh nhiều loại thuế.

Dùng làm xe trung chuyển, chạy hợp đồng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) cho biết, vừa qua doanh nghiệp của ông cũng đã nhập khá nhiều xe dưới 10 chỗ. Lý do là để gián tiếp phục vụ mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Do các xe khách chạy tuyến cố định không được phép chạy vào nội đô nên loại xe dưới 10 chỗ rất thuận tiện trong việc đưa đón khách tận nhà.

“Xe dưới 10 chỗ dùng vào việc trung chuyển nên không tính vào giá vé. Khách hàng có thể mua vé qua mạng hoặc gọi điện đặt vé, sẽ có xe đến đón khách tại nhà. Phương tiện này nhỏ gọn không gây ách tắc giao thông và tiện lợi, giảm chi phí cho hành khách”, ông Bằng nói và cho biết thêm, loại xe dưới 10 chỗ đang phát triển mạnh tại Hà Nội.

Ngoài việc dùng để trung chuyển, nhiều doanh nghiệp còn kinh doanh bằng cách đưa đón chuyên gia theo hợp đồng, cho thuê lại. Theo tính toán của ông Bằng, chi phí để thuê một chiếc xe dưới 10 chỗ trong một tháng khoảng 20 triệu, đã bao gồm tiền trả lương cho lái xe và dự tính sau 5 năm sẽ hoàn vốn.

Ông Lê Việt Sơn, Giám đốc Công ty vận tải Hà Sơn, kinh doanh vận tải khách Hà Nội - Lào Cai cũng cho biết, Công ty Hà Sơn vừa nhập gần 10 xe loại dưới 10 chỗ, chủ yếu hoạt động trung chuyển, đưa đón khách tại nhà, nâng cao chất lượng phục vụ.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP HCM cũng đang có xu hướng sử dụng xe dưới 10 chỗ để vận chuyển khách hợp đồng. Tiên phong đó là Công ty TNHH Vận tải Hoa Mai với đội xe Limousine dưới 10 chỗ. Đại diện Công ty cho biết, nắm được tâm lý của một số đối tượng hành khách thường đi Vũng Tàu làm việc hoặc du lịch. Chi phí đi lại đối với họ không thành vấn đề, quan trọng là được phục vụ chu đáo. Vì vậy, Công ty đã đầu tư 40 xe Limousine loại dưới 10 chỗ, trong đó có 4 ghế VIP, hai ghế phía trước có thể xoay 1800 để thuận tiện cho hành khách đi đoàn khi trên xe có thể ngồi trò chuyện cùng nhau. Cứ 30 phút có một chuyến xuất phát tại TP HCM để đưa khách du lịch về Vũng Tàu, giá vé khách lẻ là 150 nghìn đồng/người. “Từ khi đưa vào hoạt động đến nay nhiều hành khách đã chọn xe này để đi lại, nhất là những người đi làm việc hoặc đi du lịch và họ cảm thấy rất hài lòng”, đại diện công ty cho biết.

Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Thiên Phú, quận Bình Thạnh cũng vừa đưa vào hoạt động 7 chiếc xe loại 9 chỗ để đưa khách đi tuyến TP HCM - Vũng Tàu, Long Hải. Ông Trần Thanh Bảo, Trưởng phòng điều hành Công ty cho biết, Công ty đầu tư để chủ yếu kinh doanh hợp đồng.

Xe dưới 10 chỗ kinh doanh vận tải có phạm luật?

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, theo Nghị định 86, chỉ các xe đủ điều kiện mới được kinh doanh vận tải khách. Theo đó, xe kinh doanh vận tải tuyến cố định là xe ô tô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên và có niên hạn theo quy định, còn xe hợp đồng thì chỉ quy định niên hạn và không hạn chế loại xe. Đối với xe dưới 10 chỗ, nếu doanh nghiệp dùng làm xe trung chuyển, chạy hợp đồng hay kinh doanh taxi thì được phép. Loại xe này không được phép chạy tuyến cố định, nếu đến tận nhà đón khách ra bến xe (trung chuyển) thì được, còn đến nhà đón khách và chạy đến một tuyến nhất định được coi là chạy “dù”.

Theo Nhóm PV Báo Giao Thông
/Uploaded/truongthanh/2015_09_28/logo-animated_thpk_ZETG.gif

Nguồn:Báo Giao thông