Tháng trước, Mercedes Benz, Audi và BMW đã công bố mối quan hệ hợp tác. Liên minh này cũng bỏ ra 3,1 tỷ USD để mua lại bộ phận bản đồ HERE của Nokia.
"HERE sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng kỹ thuật số di động. Bản đồ với độ nét cao và dữ liệu từ các phương tiện khác sẽ giúp cho chuyến hành trình của mọi người trở nên an toàn và dễ dàng hơn", Harald Kruger của BMW cho biết trong một thông cáo báo chí mới đây.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm 2016, đây là một tín hiệu cho thấy liên minh này đang muốn cạnh tranh với Google và các công ty công nghệ cao trong lĩnh vực phát triển xe tự lái. Đó là một bước tiến mới khi các công ty tư nhân sẵn sàng liên kết với nhau để có thể làm tốt hơn trong cuộc đua sản xuất và kinh doanh ô tô tự lái. Bởi vì khi đề cập đến ô tô tự lái, điều quan trọng nhất là hệ thống bản đồ được cập nhật liên tục cho xe. Và điều này là thứ Google đang làm tốt nhất khi họ quyết định mua lại Waze vào năm 2013.
Để ô tự lái trở nên an toàn, hệ thống xe phải xác định một cách chính xác hành trình sẽ đi, cần qua những tuyến đường nào, đi hướng nào là thuận tiện nhất. Việc liên minh trên mua lại HERE là một quyết định đúng đắn nhưng hơi muộn vì họ đã bị Google qua mặt ở mảng bản đồ và trí thông minh nhân tạo.
Chris Nicholson, Giám đốc điều hành của công ty AI Skymind cho biết: "Có một số nhà sản xuất ô tô đã bắt kịp điều đó. Đó là một quá trình chuyển đổi lớn với nhiều việc phải làm".
Sự hiểu biết về các nguồn dữ liệu là rất quan trọng với ngành công nghiệp ô tô, ngay cả với khách hàng, họ cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi được sử dụng một dịch vụ bản đồ có độ chính xác cao. Daniel Shapiro, Giám đốc cao cấp của Nviadia, công ty đã cung cấp nhiều chip máy tính cho các công ty ô tô nhấn mạnh: "Việc chuyển sang phương tiện tự lái làm cho vai trò của việc sở hữu thông tin trở nên quan trọng hơn. Bản đồ chính xác hơn là cái các phương tiện cần có được".
Công ty xe hơi không phải là những người duy nhất chạy đua để bắt kịp với Google. Năm 2012, Apple cũng được cho là đang phát triển một chiếc xe tự lái của riêng mình.Tháng trước, Microsoft cũng đã đầu tư 100 triệu USD vào Uber và bán cổ phần mảng bản đồ cho công ty này. Đầu năm nay, Uber cũng đã bước vào nghiên cứu xe tự lái tại phòng thí nghiệm của Đại học Carnegie Mellon.
Các công ty ô tô có một lợi thế lớn hơn Google là họ có sẵn cơ sở hạ tầng để chế tạo xe và có cả thị trường tiêu thụ. Ở phía đối diện, Google đã có 10 năm nghiên cứu về xe tự lái và trí tuệ nhân tạo. Ban đầu, có vẻ như việc nghiên cứu của Google chỉ là để hỗ trợ cho các dòng xe sẵn có trên thị trường như Lexus, Prius nhưng bây giờ tất cả mọi người đều đã rõ mục đích của Google là muốn cạnh tranh trực tiếp với các công ty ô tô và tạo ra nền tảng xe tự lái của riêng mình.
Một chiếc xe tự lái hoàn toàn có thể sẽ có mặt trên thị trường trong vài năm nữa. Ví dụ, Audi hứa rằng các thế hệ xe tiếp theo của họ sẽ được trang bị các hệ thống tự động chống ách tắc giao thông, một tính năng cho phép xe tự lái khi tốc độ dưới 60km/h. Để làm được điều này, bản đồ chi tiết là một điều rất cần thiết.
Như Katelin Jabbari, người phụ trách mảng xử lí thông tin liên lạc trên xe tự lái của Google đã từng nói: "Điều cần thiết đầu tiên trước khi lưu thông bằng một chiếc xe tự lái là bản đồ về những con đường".
Gần đây, một chiếc Mercedes Benz tự lái đã được đưa vào thử nghiệm, các kỹ sư đã lập trình cho nó khả năng vạch ra các tuyến đường chính xác và khả năng quay đầu xe trong các điều kiện cho phép. Hay như vào tháng Giêng, một chiếc Audi A7 tự lái đã hoàn thành tốt quãng đường thử nghiệm 500 dặm từ Palo Alto, California đến Las Vegas. Một lần nữa, việc thử nghiệm này cũng cần có sự đầu tư lớn vào việc lập bản đồ với các chi tiết về giới hạn tốc độ, các biển báo giao thông trên đường.
HERE được xem là giải pháp để các công ty ô tô bù đắp lại phần thiếu hụt của mình trong cuộc đua về ô tô tự lái. Trước khi được bán đi, các kỹ sư của HERE cũng đang phát triển một tính năng mới cho dịch vụ bản đồ này, đó là tự cập nhật dữ liệu theo thời gian thực. Đây là một tính năng rất quan trọng vì nó giúp cho bạn thu thập dữ liệu từ những lái xe xung quanh để biết được sự biến động của đường xá giao thông từ đó đưa ra hướng xử lí phù hợp nhất. Bản đồ được cập nhật theo thời gian thực rất hữu ích với các xe tự lái.
Ngoài dữ liệu bản đồ, các xe tự lái cần phải có khả năng cảm nhận chính xác môi trường xung quanh nhờ các cảm biến được trang bị. Nguyên bản những chiếc xe tự lái thường được trang bị chip GPS, cảm biến máy ảnh, công nghệ lidar (sử dụng tia laser để khảo sát môi trường xung quanh). Các cảm biến trên hợp thành một hệ thống có tác dụng như là "đôi mắt" của chiếc xe và sẽ kết hợp với dữ liệu bản đồ để điều khiển xe trong những tình huống cụ thể.
Để làm được điều này, các xe phải được trang bị một máy tính mạnh mẽ để xử lí thông tin theo thời gian thực và đây cũng là một lợi thế của Google khiến các đối thủ phải e ngại.
Theo GenK/Trí Thức Trẻ
Nguồn:GenK/Trí Thức Trẻ